Bệnh viện thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế: Trách nhiệm ngành y tế ở đâu?

Bài 1: Bệnh viện sợ đấu thầu, doanh nghiệp nói không bán được

Hàng loạt bệnh viện lớn thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế trong thời gian dài khiến nhiều bệnh nhân mòn mỏi chờ thuốc điều trị.

Nhiều ý kiến cho rằng, đây là sự việc không bình thường và câu hỏi về lương tâm, trách nhiệm của ngành y tế lại một lần nữa đặt ra.

Bệnh viện thiếu thuốc và hệ lụy xã hội

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Văn Hương (TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) - cho biết, ông có thẻ bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Gia Định (quận Bình Thạnh) với mức hưởng 95% chi phí điều trị. Ông thường xuyên đến bệnh viện này để khám chữa bệnh và được bệnh viện cấp thuốc bảo hiểm y tế đầy đủ. Tuy nhiên, tháng 4/2022, ông đi tái khám tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) thì gặp phải tình trạng hết thuốc chống thải ghép thận do bảo hiểm y tế chi trả.

2ee535c2bc50cf01d740bca698904a36
Nhiều bệnh nhân mòn mỏi chờ thuốc (Ảnh chụp tại một bệnh viện ở TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh)

Vì vậy, ông Hương đã phải mua thuốc chống thải ghép thận bên ngoài. Các loại thuốc này có giá bán trên thị trường rất cao, như Advagraf 37.000 - 254.000 đồng/viên (từ 0,5 - 5 mg), Prograf 1 mg 55.000 đồng/viên. Để mua đủ thuốc cho 28 ngày điều trị, ông đã phải trả cả chục triệu đồng. Đến đầu tháng 5/2022, tình trạng này đã được khắc phục.

Cùng cảnh ngộ, bà Nguyễn Thị Sâm (TP. Thủ Đức) bị huyết áp, tim mạch nên tháng nào cũng phải đi tái khám tại một bệnh viện ở TP. Thủ Đức. Ba tháng gần đây khi đi khám, lần nào bà cũng phải mua thuốc bên ngoài vì bệnh viện hết thuốc.

Việc bệnh viện thiếu thuốc ảnh hưởng rất lớn đến người bệnh. Đối với những bệnh nhân bình thường, khi được kê toa phải đến nhiều nhà thuốc bên ngoài để mua và có khi mua thuốc không cùng loại nên rất lo lắng. Những bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế thì việc bệnh viện thiếu thuốc ảnh hưởng đến quyền lợi của họ. Bởi người bệnh phải bỏ tiền tham gia bảo hiểm y tế nhưng khi khám chữa bệnh lại không được cấp thuốc mà phải bỏ tiền ra mua”, bà Sâm bức xúc.

Còn tại Hà Nội, tình trạng thiếu thuốc, đặc biệt là biệt dược, thiếu vật tư tiêu hao cũng xảy ra ở nhiều bệnh viện. Tuy nhiên, khi được hỏi, lãnh đạo nhiều bệnh viện đều không muốn lên tiếng vì ngành y tế đang trong giai đoạn "nhạy cảm", đặc biệt việc bảo đảm có đủ thuốc, vật tư y tế gặp khó khăn vì liên quan đến vấn đề đấu thầu giá thuốc.

Phải nói thêm, việc thiếu thuốc, vật tư y tế tại cơ sở khám chữa bệnh không phải giờ đây mới xảy ra, mà tình trạng này đã từng xảy ra nhưng ở mức độ nhỏ và nhanh chóng được khắc phục. Nhưng việc thời gian gần đây, nhiều bệnh viện lớn cùng diễn ra tình trạng này trong nhiều tháng khiến bệnh nhân phải chờ thuốc cả tháng là điều khó chấp nhận.

Theo ý kiến của một số chuyên gia, đây là điều đáng quan ngại, vì hậu quả chủ yếu tác động đến người bệnh, nhân dân, ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh, gây tốn kém cho người bệnh, vì họ phải mua vật tư, thuốc đó ở ngoài và cũng không quản lý được chất lượng, rất nguy hiểm.

Bệnh viện sợ đấu thầu, doanh nghiệp nói không bán được

Nói về nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, Bộ Y tế cho biết, do tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra, nên nhiều đơn vị, địa phương không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm.

Mặc dù Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành phố đã thực hiện phân cấp thẩm quyền mua sắm, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị. Một số địa phương giao cho các đơn vị chủ động tự đấu thầu, thay vì đấu thầu tập trung như trước, nhưng các đơn vị vẫn tỏ ra lúng túng hoặc e ngại trong tổ chức thực hiện. Một số doanh nghiệp, nhà cung cấp cũng e ngại trong việc cung ứng hàng hóa cho các đơn vị công do liên quan đến giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu, thủ tục thanh toán phức tạp, khó khăn”, Bộ Y tế lý giải.

Bên cạnh đó, việc mua sắm trong lĩnh vực y tế có lúc, có nơi xuất phát từ nhu cầu bị động, phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như tình hình dịch bệnh, mô hình bệnh tật. Đặc biệt trong hai năm 2020, 2021 chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhiều gói thầu phải mua theo hình thức chỉ định thầu rút gọn, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp khẩn cấp để phục vụ cho nhu cầu chống dịch.

Cũng vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến nguồn nguyên liệu sản xuất, hàng hóa khan hiếm, giá cả hàng hóa nhiều biến động, vì vậy, việc mua sắm thuốc, vật tư y tế, hóa chất, các sinh phẩm cho phòng, chống dịch bệnh và khám, chữa bệnh càng trở nên khó khăn hơn.

Ngoài ra còn do một số khó khăn, chậm có kết quả đấu thầu tập trung quốc gia, đàm phán giá một số thuốc thuốc mua sắm tập trung quốc gia, dẫn tới các cơ sở phải thực hiện hình thức mua sắm tại cơ sở và không chủ động được thời gian, số lượng mua sắm.

Trong khi ngành y tế đưa lý do cơ bản do chuỗi cung ứng bị gián đoạn bởi dịch Covid-19 và vướng mắc hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đấu thầu thuốc, vật tư hay quy định về giá đấu thầu, trúng thầu... thì nhiều doanh nghiệp phản ánh đã làm việc nhiều lần với Bộ Y tế nhưng chưa được cấp và chưa được gia hạn mới.

Đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) - bà Bùi Kim Thùy – cho biết: Hiện các doanh nghiệp thành viên của USABC trong lĩnh vực y tế đang rất nóng ruột, lo lắng, vì gần một năm vừa rồi, đặc biệt 6 tháng gần đây cả trang thiết bị y tế, sinh phẩm y tế, dược phẩm đều không thể vào được thị trường Việt Nam. Khi đã vào được Việt Nam thì không thể đấu thầu để đưa trang thiết bị y tế, sinh phẩm y tế và dược phẩm vào các bệnh viện.

Tức là, doanh nghiệp đang có tất cả những thứ này nhưng cũng không thể bán được, trong khi doanh nghiệp, bệnh viện, người bệnh, bác sĩ thì thiếu tất cả những thứ nói trên”, bà Bùi Kim Thùy nhấn mạnh.

Chúng tôi cũng đã làm việc nhiều lần với Bộ Y tế và cũng hiểu những khó khăn cả chủ quan và khách quan, các vấn đề về giấy phép để cho phép nhập khẩu thì còn hàng chục nghìn giấy phép chưa được cấp và chưa được gia hạn mới, hoặc nếu được cấp, được gia hạn mới mà có thể nhập khẩu vào Việt Nam rồi thì vẫn không có cuộc đấu thầu nào được diễn ra để có thể đưa các trang thiết bị y tế, y tế dự phòng và sinh phẩm y tế vào viện”, bà Bùi Kim Thùy nói, đồng thời chia sẻ: Có rất nhiều cái chết đã trở thành nỗi ám ảnh vì thiếu trang thiết bị y tế, sinh phẩm y tế. Vì phần lớn người bệnh đều trông cậy vào bảo hiểm y tế, chỉ một số ít người có thể sử dụng ngân sách cá nhân mà không phải bảo hiểm để chi trả cho quá trình đó.

Còn tiếp

/ Theo congthuong.vn