Mỗi nạn nhân được đưa ra từ đống đổ nát, bác sĩ Nghem lao nhanh đến kiểm tra, mong họ còn chút hơi thở nhưng đều vô vọng.
Sạt lở đất ở nóc Ông Đề, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, xảy ra chiều 28/10, vùi lấp 55 người ở 11 hộ dân. Trong đó, 33 người thoát nạn và bị thương, 8 người chết, 14 người mất tích. Lực lượng cứu hộ, cứu nạn hàng trăm người liên tục đào bới, tìm kiếm đã 6 ngày, không tìm thêm được ai sống sót dưới lớp bùn đất và đổ nát.
Máy xúc, xe ủi đang khẩn trương san đất đá sạt lở, mở đường vào xã Trà Leng. Ảnh: Đắc Thành. |
Bác sĩ A Lăng Nghem, 32 tuổi, khoa Nội, Trung tâm Y tế huyện Nam Trà My, có mặt và túc trực liên tục ở hiện trường từ ngày 29/10 đến nay. Bác sĩ cho biết anh là nhân viên y tế duy nhất đi cùng đoàn cứu hộ 7 người thuộc huyện đội Nam Trà My. Đường từ trung tâm huyện vào Trà Leng khoảng 25 km, ôtô chỉ di chuyển được 5 km đầu tiên, còn lại đoàn mặc áo mưa, lội bộ.
Xốc lại hai chiếc ba lô nặng chừng 20 kg, đựng đầy bông băng, thuốc sát trùng, kháng sinh, giảm đau, dịch truyền và vài gói mì tôm lên vai, bác sĩ phăm phăm nhảy xuống ôtô, đi như chạy dưới trời mưa tầm tã. Anh kể, lúc ấy chỉ muốn tiếp cận được hiện trường nhanh nhất có thể, vì tin rằng "mình đến sớm phút nào, người ta có cơ hội sống thêm phút đó".
Song, hơn chục điểm núi sạt ngang đường đã cản bước chân các anh. Đất đồi ngậm no nước, trở thành thứ bùn sình đặc quánh, lút ngang đầu gối. Vai mang nặng, bác sĩ Nghem không rút nổi chân lên. Anh cố vươn người, bám vào cây cối hoặc tất cả những chỗ có thể, nhấc từng bước nặng nề, tiến về phía trước. Xoay xở đủ kiểu, họ mới trèo qua hết 20 km còn lại, bùn bết khắp áo quần, ướt, lạnh và đói. May mắn, đường đi không có thêm điểm sạt bất ngờ nào.
Sau 6 giờ, gần đến nóc Ông Đề, đoàn tiếp cận được nhóm người dân đầu tiên. Họ đang khiêng một nạn nhân nữ, khoảng 20 tuổi tìm đường đi đến bệnh viện cấp cứu. Nhìn người phụ nữ bầm tím khắp người, khuôn mặt đau đớn và kiệt sức, gần như ngất lịm trên võng, bác sĩ Nghem bảo hai mắt anh đã mờ nước.
Phát hiện nạn nhân tụt huyết áp, sốc mất máu, vết thương hở có dấu hiệu nhiễm trùng, bác sĩ nhanh chóng thiết lập đường truyền dịch qua tĩnh mạch, cho dùng kháng sinh. Hai người đàn ông giữ nguyên chiếc cáng võng trên vai, chờ bác sĩ thao tác. Anh khám nhanh, nạn nhân đa chấn thương, nghiêm trọng nhất là vết thương gãy xương đòn, gãy tay trái, đầu và chân trầy xước nhiều. Khi huyết áp bệnh nhân khá hơn, hai nhóm lại tách ra, tiếp tục hành trình. Bệnh nhân được đưa đến chỗ chờ thuyền trên sông Leng, xuôi về bệnh viện huyện cấp cứu, còn bác sĩ Nghem lại ngược vào núi.
Bé Hà My, 5 tuổi bị gãy chân được cứu khỏi vụ sạt lở. Ảnh: Ngọc Thành - Thanh Lam. |
Càng đến gần nơi, càng thấy bất an, bác sĩ Nghem nhớ lại. Anh nhìn sự tan hoang của làng xóm sau thảm họa, tiên lượng xấu với những nạn nhân còn bị vùi lấp. Dù vậy, anh vẫn hy vọng, con số hàng chục người đang chưa rõ tung tích sẽ bình an, dẫu có bị thương nặng như người phụ nữ vừa rồi. Song niềm hy vọng của bác sĩ người dân tộc Cơ Tu bị dập tắt dần.
Nóc Ông Đề trước kia hơn chục ngôi nhà cùng xôm tụ, nay biến mất không còn dấu vết của sự sống. Đất đá, cây cối, mảnh vỡ bê tông ngổn ngang trong bùn đất. Ngoài những người bị thương đã được lực lượng tại chỗ đưa đi cấp cứu, bác sĩ Nghem sơ cứu thêm 6 nạn nhân khác. Họ chấn thương nhẹ, như gãy tay chân, xây xát da, tinh thần hoảng loạn nhưng không nguy hiểm tính mạng.
Bác sĩ Nghem túc trực sát ở vòng ngoài hiện trường, ngay phía sau các chiến sĩ công an và bộ đội bới đất tìm nạn nhân. Mỗi khi có ai đó kêu lên "ở đây có người", anh lập tức lao đến kiểm tra. Tuy nhiên, những thi thể ngâm trong bùn đất vài ngày trời đã bất động, biến dạng vì chấn thương. Đến lượt thi thể thứ tư, bác sĩ "tuyệt vọng thực sự". Bất lực ở Trà Leng.
"Chỉ cần họ còn một chút hơi thở mong manh thôi, chúng tôi cũng sẽ cố hết sức duy trì. Nhưng phép màu đã không xảy ra", bác sĩ tâm sự.
Lực lượng cứu hộ đào bới, đưa thi thể nạn nhân ra ngoài, chiều 29/10. Ảnh: Đắc Thành |
Ban ngày, đội cứu hộ làm việc không ngừng nghỉ. Nhiều chiến sĩ trong quá trình cứu hộ bị thương và thân nhân người bị nạn quá lo lắng, đau buồn mà kiệt sức, tụt huyết áp. Bác sĩ chịu trách nhiệm chăm sóc y tế cho họ.
Bác sĩ Nghem cho biết lương thực thực phẩm hạn chế, đội cứu hộ chủ yếu ăn mì tôm. Không bát đũa, họ nấu chung 8 gói mì trong một chiếc nồi, chia 12 người ăn. Đến ngày 31/10, bắt được chút sóng điện thoại chập chờn, anh gọi về Trung tâm Y tế báo cáo tình hình. Bác sĩ Trần Văn Thu, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nam Trà My, gửi gạo và đồ khô lên hiện trường tiếp tế đồng nghiệp. Nhóm bác sĩ, cứu hộ tự túc, nấu nướng cơ động.
Nhà dân ở Trà Leng rải rác dọc đường lộ, nằm xen giữa mạng lưới khe suối, sông dày đặc. Đồng bào nghèo, mái nhà đơn giản. Quảng Nam những ngày xảy ra thảm họa luôn mưa trắng trời, trắng đất. Suốt những đêm ngủ nhờ trong nhà dân, bác sĩ Nghem cho biết anh thao thức không yên, sợ núi đồi sạt xuống một lần nữa.
"Sợ chứ. Ở đây đang có hàng trăm con người", anh nói.
Hiện, nhà chức trách nghi ngờ 14 người mất tích đã bị đẩy trôi xuống sông Leng và theo dòng lũ chảy về lòng hồ Thủy điện sông Tranh 2, cách hiện trường khoảng ba km. Lực lượng tìm kiếm quyết định chuyển hướng sang rà soát hai khu vực này.
Bác sĩ Nghem vẫn đang có mặt tại hiện trường tìm kiếm người mất tích.
Thư Anh
Sạt lở ở Trà Leng: Tạm dừng tìm kiếm nạn nhân mất tích trên sông
Lượng rác khổng lồ tràn ngập khắp mặt sông Leng và lòng hồ sông Tranh 2 cùng mưa to khiến việc tìm kiếm nạn nhân ... |
Phóng viên bật khóc khi thấy thi thể bé 2 tuổi ở Trà Leng: Tôi đau đớn tột cùng
Thời khắc bộ đội, công an bới trong đống bùn đất và bế lên thi thể bé 2 tuổi, một phóng viên đang tác nghiệp ... |
Dùng flycam cảm biến nhiệt để tìm kiếm 14 người còn mất tích tại Trà Leng
Song song với đó, lực lượng chức năng cũng huy động 20 cano chạy dọc sông Leng và hồ thủy điện sông Tranh 2 để ... |