Ba vũ khí Israel và Ukraine đều cần từ Mỹ

Ukraine và Israel đang tham gia vào xung đột và một số hệ thống vũ khí mà 2 nước này sở hữu có thể sớm bị thiếu hụt nếu giao tranh tiếp diễn trong nhiều tháng.

Với cam kết ban đầu là gửi thêm vũ khí cho cả Ukraine và Israel, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 19/10 làm rõ chính quyền ông không xem nhẹ 2 cuộc xung đột Nga - Ukraine hay Israel - Hamas.

Tuy nhiên, vài giờ trước đó, tờ New York Times dẫn nguồn quan chức Bộ Quốc phòng cho biết hàng chục nghìn quả đạn pháo 155mm vốn được Nhà Trắng cam kết gửi cho Ukraine đã được chuyển tới Israel.

Những đạn pháo 155mm được cho là cần thiết cho cả Ukraine và Israel. Mỹ đang muốn linh hoạt trong khâu viện trợ quân sự cho các đồng minh, nhất là khi Israel đang dồn lực cho cuộc tấn công trên bộ ở Gaza nhằm đáp trả các cuộc tấn công của Hamas.

Tuần trước, Sabrina Singh - phó phát ngôn viên Lầu Năm Góc, cho biết: “Bạn có thể sẽ thấy dòng vũ khí tiếp tục chảy vào Israel”. Một số chuyến hàng vũ khí Mỹ chuyến cho Israel có thể cùng loại pháo và bom mà Ukraine đã sử dụng trong cuộc giao tranh với Nga.

Trong những tháng gần đây, cuộc phản công của Ukraine đã vấp phải sự kháng cự gay gắt từ mìn, chiến hào và các hệ thống phòng thủ của Nga, và chiến dịch pháo binh của Kiev giờ đây biến thành một cuộc chiến tiêu hao.

Israel đang chuẩn bị phát động cuộc tấn công trên bộ rất khác - cuộc giao tranh ở đô thị ở dải Gaza đông dân cư, nơi đã hứng chịu các cuộc không kích của Israel kể từ các cuộc tập kích của Hamas vào ngày 7/10.

Theo các quan chức quốc hội và an ninh Mỹ, Ukraine và Israel đang tham gia vào các loại xung đột khác nhau, do đó nhu cầu cũng khác nhau. Michael J. Morell, cựu Phó Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ, cho biết: “Sẽ có rất ít sự trùng lặp về số vũ khí mà Mỹ cung cấp cho Israel và cho Ukraine” .

Ukraine sắp nhận được khoảng 61 tỷ USD viện trợ quân sự mới - hơn một nửa trong gói ngân sách khẩn cấp trị giá 105 tỷ USD hỗ trợ nước ngoài mà Nhà Trắng đề xuất. Israel - quốc gia có quân đội được trang bị tốt hơn nhiều so với Ukraine, sẽ nhận được khoảng 14 tỷ USD cho hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không theo đề xuất Nhà Trắng công bố hôm 20/10.

Theo Mark F. Cancian, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington cho rằng, với kho dự trữ đạn pháo 155mm và các hệ thống vũ khí khác trên toàn cầu đã cạn kiệt, trong khi các nhà sản xuất vũ khí đang phải vật lộn để theo kịp nhu cầu, Mỹ “sẽ có sự đánh đổi” trong việc viện trợ vũ khí cho Ukraine và Israel.

Dưới đây là ba hệ thống vũ khí quan trọng mà Israel và Ukraine có thể cần từ Mỹ.

Đạn pháo 155mm. (Ảnh: Lục quân Mỹ)

Đạn pháo 155mm. (Ảnh: Lục quân Mỹ)

Đạn pháo

Hơn bất kỳ loại vũ khí nào khác, nhu cầu đối với đạn pháo 155mm tiêu chuẩn NATO sẽ là lớn nhất. Cả Israel và Ukraine đều sử dụng chúng để tấn công các mục tiêu trong phạm vi 20-30km.

Mỹ đã gửi cho Ukraine hơn hai triệu viên đạn 155mm, trong khi châu Âu đã giao thêm hàng trăm nghìn viên đạn này cho Kiev kể từ tháng 2/2022. Đô đốc Rob Bauer, Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO gần đây cho biết kho dự trữ quân sự của phương Tây hiện đã gần “đến đáy”. 

Vào tháng 1, Lầu Năm Góc cho hay, họ sẽ khai thác kho dự trữ của Mỹ ở Israel và vận chuyển hàng trăm nghìn quả đạn pháo 155mm tới Ukraine. Kho dự trữ được đặt tại Israel - đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Trung Đông, nhằm nhanh chóng cung cấp vũ khí cho toàn khu vực khi cần thiết.

Khoảng một nửa số đạn pháo trong kho dự trữ ở Israel đã được chuyển đi vào mùa đông năm ngoái. Quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Lầu Năm Góc hiện có kế hoạch chuyển số đạn 155mm còn lại sang quân đội Israel.

 

Thiếu tá Charlie Dietz, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu của Mỹ “là đảm bảo Israel có các nguồn lực cần thiết trong thời gian này”.

Một quan chức khác của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, Israel và Ukraine có thể nhận được các biến thể đạn dược khác nhau để tránh trùng lặp. Quan chức này cho rằng, Mỹ có thể cung cấp cho Israel đạn pháo dẫn đường chính xác để tấn công các mục tiêu ở khu vực đô thị đông đúc, trong khi đạn chùm đang được gửi tới Ukraine có thể hiệu quả hơn khi tấn công các vị trí trải rộng trên chiến trường.

Tuy nhiên, Ukraine đã bắn hàng nghìn quả đạn pháo mỗi ngày trong cuộc phản công của nước này. Giới chức quân sự ở Kiev cũng như NATO từ lâu lo ngại số đạn này sẽ sớm cạn kiệt.

Các nhà sản xuất vũ khí ở Mỹ và châu Âu đang đẩy mạnh sản xuất đạn dược nhưng có thể sẽ phải mất nhiều năm mới có thể bổ sung đầy đủ vào kho dự trữ của NATO và đáp ứng nhu cầu của Ukraine, chưa kể đến Israel.

Bom thông minh

Sau khi Hamas tập kích vào Israel, lô vũ khí đầu tiên mà Mỹ gửi cho Israel bao gồm khoảng 1.000 quả bom đường kính nhỏ, nặng khoảng 113kg mỗi quả và sử dụng hệ thống định vị GPS để theo dõi và tấn công các mục tiêu.

Theo giới chức quân sự Mỹ, Israel đang hối thúc Mỹ cung cấp thêm bom được phóng từ máy bay. Nhà Trắng cũng cam kết cung cấm phiên bản bom trên mặt đất cho Ukraine và dự kiến ​​sẽ được giao vào mùa thu này.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, kể từ năm 2010, Israel đã mua hơn 8.500 quả bom đường kính nhỏ từ Mỹ. Tờ New York Times dẫn nguồn chuyên gia quân sự Mỹ cho biết, Lầu Năm Góc đã mua hơn 34.000 quả bom kể từ năm 2018. Điều đó có nghĩa là Ukraine và Israel sẽ không phải cạnh tranh về bom.

Bradley Bowman, cựu sĩ quan quân đội Mỹ và chuyên gia quân sự cấp cao tại Tổ chức Quốc phòng Dân chủ ở Washington, cho biết: “Mỹ có thể đáp ứng nhu cầu của cả Israel và Ukraine trong thời điểm hiện tại”.

Tên lửa phòng không vác vai Stinger. (Ảnh: EurAsian Times)

Tên lửa phòng không vác vai Stinger. (Ảnh: EurAsian Times)

Tên lửa Stinger

Israel và Ukraine dựa vào các hệ thống rất khác nhau để phòng vệ trước các cuộc không kích. Hệ thống Vòm Sắt được ca ngợi của Israel là xương sống của lực lượng phòng không nước này. Trong khi Ukraine sử dụng hệ thống phòng không do phương Tây cung cấp, bao gồm các hệ thống Patriot của Mỹ.

Chuyên gia Mark F. Cancian nói rằng cả Israel và Ukraine đều có tên lửa Stinger. Ukraine đã sử dụng để bắn hạ máy bay không người lái và các cuộc tấn công trên không của Nga. Israel có thể đặc biệt cần loại vũ khí này khi thực hiện cuộc tấn công trên bộ.

Các tên lửa này có thể lý tưởng cho tác chiến đô thị ở dải Gaza do nhẹ, nhỏ và có tính cơ động cao, đồng thời tên lửa Stingers được bắn từ bệ phóng trên vai.

Ngoài ra, không loại trừ khả năng Israel yêu cầu Mỹ cung cấp hệ thống xe phóng tên lửa tự hành Avenger, có thể bắn liên tiếp 8 tên lửa Stinger. Kiev đã nhận được 20 chiếc Avengers từ Mỹ kể từ cuối tháng 11 năm ngoái.

Israel và Ukraine cũng có hệ thống phòng không Patriot. Thế nhưng, hệ thống tên lửa Stinger rẻ hơn nhiều so với tên lửa Patriot. Điều đó sẽ giúp Israel tiết kiệm chi phí hơn khi sử dụng loại tên lửa này để bắn hạ máy bay không người lái và tên lửa pháo binh rẻ tiền của Hamas.

Tuy nhiên, chuyên gia Mark F. Cancian cho biết, lượng tồn kho của tên lửa Stinger “là rất hạn chế” và loại tên lửa này ít sản xuất. "Mỹ đã cung cấp cho Ukraine hơn 2.000 hệ thống Stinger và Đài Loan có thể cũng đã nhận được các hệ thống này để phòng vệ", ông nói.

https://vtc.vn/ba-vu-khi-israel-va-ukraine-deu-can-tu-my-ar828979.html

KÔNG ANH(Nguồn: The New York Times) / VTC News