'Bà đầm thép' lèo lái nền kinh tế Nga qua 2 lần khủng hoảng

Chỉ trong vòng 10 năm, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina hai lần lèo lái nền kinh tế xứ bạch dương đương đầu với các cuộc khủng hoảng.

Năm 2014, khi bà Nabiullina mới nhậm chức Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga được một năm, giá trị đồng rúp giảm mạnh và lạm phát tăng vọt. 

Để đối phó với tình trạng trên, bà quyết định nâng lãi suất. Động thái này sau đó giúp giảm tốc nền kinh tế, ngăn giá cả tăng cao và khiến cộng đồng quốc tế nhắc tới bà như một nhà hoạch định cứng rắn. 

Trong giới thống đốc điều hành các ngân hàng trung ương, Nabiullina nổi bật với khả năng sử dụng các chính sách chính thống để quản lý nền kinh tế đầy bất ổn và phụ thuộc vào giá dầu.

Năm 2015, bà được tạo chí Euromoney vinh danh là Thống đốc của năm. Các năm sau, bà nhận về lời khen có cánh từ nhiều nhân vật tầm cỡ, trong đó có cựu Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).

Khủng hoảng nối khủng hoảng

Hiện tại, khi Nga bị phương Tây cô lập sau khi phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, trọng trách lèo lái nền kinh tế Nga vượt qua khủng hoảng và duy trì hệ thống tài chính trước các lệnh trừng phạt lại được đặt lên vai người phụ nữ 58 tuổi. 

1-11464000
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina. (Ảnh: Reuters)

Đây được xem là thách thức không nhỏ với Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga sau nhiều năm bà giúp xây dựng Moskva thành pháo đài chống lại loạt cấm vận từ phương Tây.  

Thời điểm cuối tháng 2, đầu tháng 3, đồng rúp trải qua cú giảm lịch sử khi mất tới 25% giá trị. Ngân hàng Trung ương Nga đã triển khai một loạt biện pháp để ngăn dòng tiền chảy khỏi đất nước cũng như làm dịu cơn hoảng loạn trên thị trường. Điều này là một phần nguyên nhân giúp đồng rúp phục hồi đáng kinh ngạc. 

Cuối tháng 4, Quốc hội Nga phê chuẩn bà Nabiullina tiếp tục giữ chức thêm một nhiệm kỳ 5 năm. 

"Bà ấy là biểu tượng cho sự ổn định của nền kinh tế Nga. Quyết định bổ nhiệm đó chỉ mang ý nghĩa biểu tượng", Elina Ribakova - nhà kinh tế tại Viện Tài chính Quốc tế (IIF) đánh giá. 

Khi kinh tế Nga đối mặt với vô vàn khó khăn hồi năm 2014, bà Nabiullina biến thách thức thành cơ hội. 

Thời điểm đó, Nga trải qua 2 cú sốc kinh tế: giá dầu giảm mạnh làm giảm nguồn thu của từ Moskva từ mặt hàng này và các lệnh trừng phạt áp lên Nga sau khi sáp nhập Crimea.

Trước việc đồng rúp cũng rớt giá mạnh, Nabiullina từ bỏ các chính sách truyền thống như dành dự trữ ngoại tệ để hỗ trợ tỷ giá hối đoái. Thay vào đó, bà chuyển trọng tâm của ngân hàng trung ương sang quản lý lạm phát, nâng lãi suất lên 17% và duy trì ở mức cao trong nhiều năm. 

Đó là một sự điều chỉnh "đau đớn" khi nền kinh tế Nga chìm trong suy thoái suốt một năm rưỡi. Nhưng tới giữa năm 2017, mọi thứ trở lại guồng quay. Tỷ lệ lạm phát giảm xuống dưới 4%, mức thấp nhất trong thời kỳ hậu Xô Viết.

"Bà ấy là hình mẫu của một thống đốc ngân hàng hiện đại. Bà ấy làm những gì cần phải làm ngay cả khi vấn đề đó liên quan đến chính trị", Richard Portes, Giáo sư kinh tế tại Trường Kinh doanh London đánh giá. 

Dưới sự chỉ đạo của Nabiullina, Ngân hàng Trung ương Nga tiếp tục nỗ lực hiện đại hóa. Cơ quan này cải thiện khâu truyền thông bằng cách lên lịch cho những quyết định quan trọng, cung cấp hướng dẫn về các chính sách, gặp gỡ các nhà phân tích và sẵn sàng tiếp nhận phỏng vấn từ báo giới. 

Nhiều năm qua, ngân hàng này vẫn duy trì vai trò là đầu não kinh tế quan trọng Nga, thu hút các nhà kinh tế từ khu vực tư nhân.

"Chống tham nhũng trong ngành ngân hàng là việc dành cho người rất can đảm", Sergei Guriev, một nhà kinh tế học người Nga hiện sống tại Paris đánh giá. Guriev nói rằng ông chưa bao giờ nghi ngờ tính chính trực của bà Nabiullina. 

Tín nhiệm

Nabiullina là quan chức cấp cao trong chính quyền Putin suốt 2 thập kỷ qua. Bà giữ vai trò cố vấn kinh tế cho ông Putin khoảng một năm trước khi được bổ nhiệm làm thống đốc Ngân hàng trung ương năm 2013. Bà cũng từng có thời gian đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Bộ Phát triển kinh tế.

"Bà ấy có được sự tín nhiệm từ chính phủ và tổng thống", Sofya Donets – nhà kinh tế học tại Renaissance Capital ở Moskva cho biết.

Chuyên gia này lưu ý rằng trong những năm gần đây, hầu hết vấn đề liên quan tới tới lĩnh vực tài chính đều được giao cho ngân hàng trung ương. 

Sự tin tưởng này được gây dựng khi bà giúp Nga tăng cường khả năng phòng thủ trước các lệnh trừng phạt của phương Tây. Năm 2014, Mỹ chặn hàng loạt công ty lớn của Nga tiếp cận thị trường vốncủa Washington. Hầu hết các công ty này có khối nợ ngoại tệ lớn, làm dấy lên nghi vấn về khả năng trả nợ của họ. 

1-11472878
Bà Nabiullina trao đổi với Tổng thống Putin tại điện Kremlin. (Ảnh: Reuters)

Bà Nabiullina tìm cách thắt chặt việc sử dụng USD trong nền kinh tế giúp các các công ty và ngân hàng Nga sẽ ít bị tổn thương hơn nếu Washington hạn chế hơn nữa quyền tiếp cận đồng USD. Bà đồng thời tăng dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương bằng vàng, euro và NDT.

Ngay cả sau khi các lệnh trừng phạt đóng băng nguồn dự trữ ở nước ngoài của ngân hàng, Nga vẫn có "đủ" dự trữ vàng và đồng NDT, bà nói với các nghị sỹ. 

Một nỗ lực khác của Ngân hàng Trung ương Nga là thiết lập hệ thống thay thế SWIFT Mạng lưới Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng. Hệ thống này vẫn đang tiếp tục được phát triển. 

Ngoài ra, bà Nabiullina cũng chỉ đạo thay thế hạ tầng thanh toán xử lý các giao dịch thẻ tại nước này. Nhờ đó, trong trường hợp Visa và Mastercard rút khỏi Nga, điều đó cũng không gây ra nhiều ảnh hưởng.

Khi phương Tây áp dụng loạt cấm vận với Nga từ cuối tháng 2, Nabiullina buộc phải từ bỏ các chính sách ưa thích của mình. Bà tăng gấp đôi lãi suất lên 20%, sử dụng các biện pháp kiểm soát vốn để hạn chế dòng tiền chảy khỏi đất nước; giao dịch chứng khoán trên Sở giao dịch Moscow và nới lỏng các quy định cho vay đối với ngân hàng.

Các biện pháp này giúp ngăn cơn hoảng loạn và giúp đồng rúp phục hồi. Dù vậy, trong bối cảnh tiếp tục bị phương Tây cô lập, Nga vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ suy thoái. 

Hôm 29/4, Ngân hàng Trung ương Nga hạ lãi suất xuống 14%, dấu hiệu cho thấy họ đang tìm cách giảm thiểu tác động kéo dài của các lệnh trừng phạt đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp trong bối cảnh lạm phát tăng nhanh và các công ty buộc phải tái tạo lại chuỗi cung ứng do cạn kiệt hàng nhập khẩu. 

Lạm phát Nga dự kiến sẽ chạm mốc 23% trong năm nay. Nền kinh tế Nga cũng đứng trước nguy cơ giảm tới 10%. 

“Chúng ta đang ở trong vùng bất ổn”, bà Nabiullina đánh giá.