Australia đối mặt nguy hiểm vì lửa vẫn tiếp tục cháy

Ngày 9.1, chính quyền đã đưa ra những cảnh báo mới và thông báo sơ tán trên toàn miền đông nam Australia , do thời tiết nóng nực đã thổi bùng lên những đám cháy lớn đe dọa một số thị trấn và cộng đồng dân cư.

Hình ảnh cột khói khổng lồ từ vụ cháy chụp hôm 4.1 tại bờ biển đông Gippsland, bang Victoria. Ảnh: Reuters

Reuters dẫn nguồn tin từ Melbourne cho biết, cảnh báo mức độ thảm họa trên phần lớn các vùng thuộc bang Victoria được thực hiện từ tuần trước, đã kéo dài thêm 48 giờ và người dân trong các khu vực nguy hiểm được khuyên rời đi nếu có thể.

Người đứng đầu Cơ quan dịch vụ khẩn cấp bang Victoria, Lisa Neville, phát biểu trên truyền hình rằng "Chúng ta đừng chủ quan khi thấy có mưa trong thời gian gần đây" khi đề cập đến thời tiết mát mẻ khiến cho lực lượng cứu hỏa có thể tăng cường khoanh vùng khống chế khu vực các đám cháy lớn đã diễn ra trong nhiều tháng qua. "Các đám cháy đó vẫn tiếp tục lan nhanh và mạnh hơn hơn ở các vùng đất của chúng ta, tạo ra nguy cơ rủi ro đáng kể tới nhiều cộng đồng dân cư".

26 người đã chết, hàng ngàn người mất nhà cửa, các học giả tin rằng hơn 1 tỷ con động vật đã chết hoặc bị thương trong các đám cháy kinh hoàng, hơn 10,3 triệu ha đất bị đốt cháy – bằng diện tích của Hàn Quốc.

Rất nhiều thị trấn trong tình trạng không điện, mất thông tin liên lạc và một vài nơi nguồn cấp nước sinh hoạt đang cạn dần. Khói bụi phủ kín các thành phố lớn, bao gồm cả Sydney, Melbourne và Canberra, xuyên qua Thái Bình Dương, ảnh hưởng tới các thành phố ở Nam Mỹ.

Khói bụi bao phủ các ngọn núi, nhìn từ trên cao tại Cooma, New South Wales, Australia. Ảnh: Reuters

Lực lượng chữa cháy đã được tạm nghỉ ngơi trong vài ngày thời tiết mát mẻ và chuẩn bị cho sự quay trở lại của gió và hơi nóng bắt đầu từ nửa cuối tuần này, có thể sẽ thổi bùng lên các ngọn lửa đang âm ỉ và châm ngòi các đám cháy mới.

Cơ quan khí tượng Australia ngày 9.1 nói rằng không có dấu hiệu việc thời tiết hạ nhiệt hoặc lượng mưa đáng kể trong vài tháng tới, thêm vào đó năm 2019 là năm nóng nhất và khô nhất trong lịch sử tại đất nước này.

Do các đám cháy bùng phát suốt đêm, một cảnh báo sơ tán cho người dân ở khu vực phía đông bắc bang Victoria đã được đưa ra, nhưng sau đó đã được đổi sang tình trạng “chờ đợi và theo dõi” trong khi các cơ quan chức năng theo dõi tình hình. Một thị trấn trên đảo Kangaroo, nơi bị tàn phán bởi các đám cháy, đã được sơ tán do lo ngại các đám cháy đang âm ỉ ở đây sẽ tiếp tục bùng phát.

Các nhà chức trách cho biết, các đám cháy lớn đã phá hủy phần lớn bờ biển phía đông của Australia ở bang New South Wales, cho đến nay có 1.870 ngôi nhà đã bị phá hủy tại đây.

Bang New South Wales hôm 9.1 đã công bố khoản quỹ trị giá 1 tỷ AUD (686,50 triệu USD) dành cho việc xây dựng lại cơ sở hạ tầng và cộng đồng cư dân bị ảnh hưởng bởi vụ cháy rừng trên toàn bang.

“Chúng tôi mong muốn không đơn giản chỉ là xây dựng lại cộng đồng, chúng tôi muốn họ phát triển mạnh mẽ. Và khoản đầu tư trị giá 1 tỷ AUD này sẽ làm được điều đó” - Người đứng đầu bang New South Wales Gladys Berejiklian phát biểu trước các phóng viên trong một cuộc họp báo ngắn.

Mùa cháy ở Australia bắt đầu sớm hơn bình thường do đợt hạn hán kéo dài 3 năm đã để lại hậu quả những vùng đất khô cằn dễ bắt cháy.

Thủ tướng Scott Morrison hôm 8.1 đã kêu gọi khách du lịch nước ngoài hãy đến Australia du lịch, và lo ngại các vụ cháy rừng diễn ra ở Australia khiến lượng khách du lịch giảm sút có thể gây tổn hại cho nền kinh tế. Hiện nay, một số khu nghỉ mát từng sầm uất và đông đúc ở Australia đã biến thành các thị trấn ma.

Dưới đây là những thông tin nổi bật về khủng hoảng cháy rừng ở Australia:

- Các phân tích của Moody cho thấy thiệt hại của do vụ hỏa hoạn Australia vượt xa vụ hỏa hoạn lịch sử "Thứ bảy đen tối"  tại Australia năm 2009, phá hủy 450.000 ha đất, thiệt hại khoảng 4,4 tỷ AUD.

- Thủ tướng Morrison đã cam kết chi 2 tỷ AUD (1,37 tỷ USD) cho Cơ quan Phục hồi cháy rừng quốc gia mới được thành lập.

 

- Các nhà kinh tế học tại Đại học Sydney ngày 8.1 đã tăng gấp đôi ước tính số lượng động vật chết và bị thương trong đám cháy lên con số 1 tỷ.

- Các đám cháy đã thải ra 400 triệu tấn khí các-bon vào khí quyển và tạo ra các chất gây ô nhiễm có hại, theo số liệu từ Chương trình Giám sát Copernicus của Liên minh Châu Âu.

- Tổ chức Khí tượng Thế giới của Liên hiệp quốc cho biết khói từ các đám cháy ở Australia đã bay khắp Thái Bình Dương, ảnh hưởng tới các thành phố ở Nam Mỹ và có thể đã đến tận Nam Cực.

Phương Linh

 

 

 

 

/ laodong.vn