Số lượng chuỗi cung ứng và lắp ráp thiết bị Apple tại Trung Quốc giai đoạn 2015 - 2019 ngày càng tăng, thay vì giảm đi.
'Bám rễ' tại Trung Quốc
Rất ít công ty Mỹ nào liên kết chặt chẽ với Trung Quốc - nền kinh tế lớn nhất châu Á - như Apple. Tại đây, công ty Mỹ bắt tay với một loạt nhà máy của Hon Hai Precision Industry như Foxconn, Pegatron Corp, Wistron Corp và hàng loạt doanh nghiệp khác trong lĩnh vực gia công, sử dụng hàng trăm nghìn công nhân để lắp ráp sản phẩm cho Apple.
Số lượng nhà máy lắp ráp các sản phẩm Apple trên thế giới. Ảnh: Reuters. |
Trong những năm gần đây, hợp đồng của Apple không dừng lại ở Trung Quốc, mà đã mở sang Ấn Độ, Brazil và Mỹ. Dữ liệu Reuters thu thập từ 2015 - 2019 cho thấy, Ấn Độ trong 2015 chưa có cơ sở lắp ráp iPhone nào, thì đến 2019 đã có ba nhà máy, bao gồm một khu xưởng sản xuất iPhone X. Việc chuyển sang Ấn Độ được cho là để tránh thuế nhập khẩu, tương tự điều Apple làm trước đó khi đặt nhà máy tại Brazil.
Thế nhưng, giai đoạn này cũng chứng kiến sự bùng nổ về số lượng nhà máy lắp ráp sản phẩm cho Apple. Theo số liệu, Foxconn đã mở rộng từ 19 địa điểm trong năm 2015 lên 29 vào năm 2019, trong khi Pegatron cũng xây dựng thêm 4 nhà máy, từ 8 lên 12. Bên cạnh sản xuất iPhone, iPad hay MacBook, những cơ sở này đảm nhận các dòng sản phẩm mới, như smartwatch, loa thông minh và tai nghe không dây.
Không những tăng số lượng nhà máy sản xuất, Apple ngày càng "bám rễ" vào Trung Quốc khi một chuỗi nhà cung ứng của công ty Mỹ cũng hoạt động tại quốc gia này. Họ là các doanh nghiệp chuyên về bán chip, kính, vỏ nhôm, dây cáp, bảng mạch... Thống kê cho thấy, có tới 47,6% đối tác cung ứng của Apple có trụ sở hoặc hoạt động chủ yếu tại Trung Quốc năm 2019, tăng so với mức 44,9% của 2015. Số liệu cho thấy, công ty iPhone hiện có khoảng 200 nhà cung ứng chủ chốt tại Trung Quốc và con số này có thể tăng thêm thời gian tới.
Không có lựa chọn nào khác ngoài Trung Quốc
Apple phải đối mặt với những trở ngại trong việc đa dạng hóa đối tác lắp ráp ngoài Trung Quốc. Trong khi những Google, Amazon... đang bắt đầu dời nhà máy về Việt Nam và các nước Đông Nam Á, Apple vẫn "mắc kẹt" tại quốc gia đông dân nhất thế giới với nhiều lý do. Điều quan trọng nhất, là nơi có cụm nhiều nhà cung cấp cho phép họ tạo ra hàng trăm triệu thiết bị mỗi năm trong khi chỉ giữ hàng tồn kho vài ngày.
Tim Cook trong một chuyến thăm nhà máy Foxconn. Ảnh: Tomsguide. |
Bên cạnh đó, Trung Quốc là nơi sở hữu lực lượng lao động lớn nhất hiện nay, rất ít quốc gia khác có điều tương tự. Quy mô của Apple không cho phép công ty mạo hiểm rời nhà máy sang Việt Nam hay Ấn Độ, nơi có lượng công nhân có tay nghề thấp hơn rất nhiều. Điều này đồng nghĩa với sản lượng thiết bị sản xuất được cũng giảm đi đáng kể.
Thực tế, các nhà máy tại Brazil hay Ấn Độ chỉ tạo đủ lượng iPhone, iPad cung cấp cho thị trường Mỹ, trong khi phần còn lại vẫn xuất phát từ Trung Quốc. Dave Evans, giám đốc điều hành một đối tác thuộc chuỗi cung ứng Apple cho biết, hầu như không có cơ sở hạ tầng nào trên thế giới, trừ Trung Quốc, có thể sản xuất 600.000 điện thoại mỗi ngày.
Đối mặt với khoản thuế khổng lồ
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang ngày càng leo thang. Cả hai nước liên tục áp hàng loạt mức thuế lên hàng hóa của nhau, khiến giá cả của chúng có thể dự đoán tăng mạnh thời gian tới.
Cho đến nay, Apple được miễn thuế hoặc đánh thuế thấp đối với hầu hết sản phẩm nhập vào Mỹ. CEO Apple Tim Cook cũng xây dựng mối quan hệ chặt chẽ Tổng thống Donald Trump bằng một số cuộc gặp riêng. Tuy nhiên, công ty vẫn tin rằng sản phẩm của họ sẽ có giá cao hơn thời gian tới do mức thuế mới.
Đến hết 2019, hầu hết sản phẩm Apple sẽ bị áp thuế mới. Ảnh: Reuters. |
Apple hiện có khoảng 50 sản phẩm và hầu hết được sản xuất tại Trung Quốc. Thiết bị đầu tiên phải chịu thuế là chiếc ổ đĩa USB SuperDrive (giá 79 USD), với mức thuế 25%, bắt đầu từ 23/8.
Đến 24/9, khi hàng rào thuế quan 10% được áp dụng, hàng loạt thiết bị ngoại vi như chuột, trackpad, cáp... sẽ bị ảnh hưởng. Chúng sẽ bị áp thuế lên 30% vào 1/10.
Từ 1/9, chính quyền Trump sẽ áp thuế 15% đối với các sản phẩm chính của Apple bao gồm Apple Watch và AirPods. Đến 15/12, iPhone và MacBook lắp ráp tại Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng. Đến hết 2019, có 46/50 sản phẩm bị áp thuế.
Theo George R. Tuttle III, một luật sư chuyên về xuất nhập khẩu, Apple có thể chế tạo bảng mạch cũng như các bộ phận quan trọng khác ở bên ngoài Trung Quốc, sau đó mang về lắp ráp ở quốc gia này để tránh thuế. Tuy vậy, Apple cho biết họ không có kế hoạch nào như vậy.
Bảo Lâm (theo Reuters)