Áo thoát hiểm hé lộ phút cuối của thủy thủ tàu ngầm Indonesia

Mảnh áo màu cam vớt từ xác tàu ngầm Nanggala cho thấy thủy thủ đoàn có thể không kịp phản ứng khi xảy ra tình huống khẩn cấp.

Trong cuộc họp báo ngày 25/4, hải quân Indonesia thông báo đã phát hiện xác tàu ngầm KRI Nanggala bị vỡ làm ba đang nằm dưới đáy vùng biển ngoài khơi Bali. Lực lượng cứu hộ cũng tìm thấy một áo thoát hiểm màu cam trôi lơ lửng dưới đáy biển, một chai dầu bôi trơn kính tiềm vọng và mảnh thảm cầu nguyện của tín đồ đạo Hồi.

"Loại áo thoát hiểm này thường được cất trong một chiếc hộp bên trong tàu ngầm. Nó được lấy ra khỏi hộp có nghĩa là đã xảy ra tình huống khẩn cấp", đô đốc Yudo Margono, tham mưu trưởng hải quân Indonesia, nói trong cuộc họp báo. "Họ không thể mặc áo thoát hiểm đủ nhanh, hoặc tàu ngầm đã rung lắc khi họ cố gắng mặc chúng".

Áo thoát hiểm hé lộ phút cuối của thủy thủ tàu ngầm Indonesia
Mảnh áo màu cam vớt từ xác tàu ngầm Nanggala cho thấy thủy thủ đoàn có thể không kịp phản ứng khi xảy ra tình huống khẩn cấp.

Với các vật thể được tìm thấy hôm 24/4, hải quân Indonesia tin rằng tàu ngầm Nanggala đã bị nứt, khiến nước biển tràn vào ở độ sâu lớn và thủy thủ đoàn không có bất cứ cơ hội nào để sống sót.

"Áp suất bên trong tàu ngầm vẫn giữ nguyên cho tới khi thân tàu bị thủng và nước tràn vào, khiến áp suất tăng lên rất nhanh", Frank Owen, chuyên gia Viện Tàu ngầm Australia, cho biết. "Ở độ sâu phù hợp, ví dụ 200 m, cơ thể con người có thể chịu được sức ép. Tuy nhiên, việc áp suất tăng nhanh như vậy là một thảm họa".

Sau khi bị nứt, chiếc tàu ngầm nặng khoảng 1.400 tấn vỡ làm ba dưới sức ép khủng khiếp của nước biển và chìm xuống độ sâu hơn 800 mét. Các chuyên gia quân sự tin rằng với áp suất ở độ sâu này, thi thể của các thủy thủ gần như không còn nguyên vẹn.

Hải quân Indonesia cho biết họ muốn trục vớt tàu ngầm Nanggala cùng thi thể thủy thủ đoàn. Tuy nhiên, chuyên gia Owen đánh giá hoạt động trục vớt sẽ gặp rất nhiều khó khăn về hậu cần và việc trục vớt thi thể mà không đưa xác tàu lên là một thách thức. "Bạn sẽ phải điều khiển tàu lặn không người lái trang bị cánh tay gắp để thu hồi các mảnh thi thể", Owen giải thích.

Chuyên gia này cho biết tàu ngầm hạt nhân Kursk nặng khoảng 20.000 tấn của Nga, gặp nạn và chìm vào tháng 12/2000, nhưng lực lượng cứu hộ phải mất hơn một năm để đưa xác tàu lên, dù nó chỉ bị chìm ở độ sâu hơn 100 m.

Tàu ngầm Nanggala nhỏ và nhẹ hơn nhiều so với tàu Kursk, nhưng chìm ở độ sâu quá lớn. "Nâng một tàu ngầm với lượng giãn nước 1.400 tấn lên khỏi đáy biển đòi hỏi rất nhiều về hậu cần", Owen cho biết.

"Ta phải đưa những con tàu phù hợp vào vị trí, sau đó chuyển thiết bị xuống đáy biển và 840 m là quãng đường rất dài", chuyên gia giải thích. "Sau đó ta phải sử dụng phương pháp nào đó để tàu ngầm nổi lên, ví dụ dùng túi chứa đầy dầu diesel để nâng xác tàu vì thiết bị bơm hơi trở nên vô dụng ở độ sâu này".

Áo thoát hiểm hé lộ phút cuối của thủy thủ tàu ngầm Indonesia
Một phần xác tàu ngầm KRI Nanggala được tìm thấy hôm 25/4. Ảnh: Hải quân Indonesia.

Tàu ngầm KRI Nanggala mang số hiệu 402 của Indonesia liên lạc lần cuối với sở chỉ huy vào 3h ngày 21/4 để xin phép lặn xuống biển, sau đó mất liên lạc hoàn toàn từ 4h30. Hải quân Indonesia xác định toàn bộ 53 người trên tàu đã thiệt mạng.

Hải quân Indonesia cho hay sẽ không đưa ra kết luận về nguyên nhân sự cố cho tới khi trục vớt được xác tàu ngầm, nhưng quá trình này có thể mất rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, lực lượng này đã loại trừ lỗi do con người, cho hay mọi quy trình đều được tuân thủ khi con tàu lặn xuống.

Nguyễn Tiến (Theo ABC)

Hình ảnh tàu ngầm Indonesia sau khi được phát hiện vỡ làm 3 mảnh Hình ảnh tàu ngầm Indonesia sau khi được phát hiện vỡ làm 3 mảnh

Quân đội Indonesia xác nhận tàu ngầm hải quân mất tích ngoài khơi Bali tuần trước đã được tìm thấy bị vỡ thành ít nhất ...

Tìm thấy xác tàu ngầm Indonesia Tìm thấy xác tàu ngầm Indonesia

Lực lượng tìm kiếm phát hiện xác tàu ngầm KRI Nanggala bị vỡ làm ba và đang nằm dưới đáy vùng biển ngoài khơi Bali.

/ vnexpress.net