Anh, Đức, Pháp bày tỏ quan ngại về tình hình trên Biển Đông, kêu gọi giải quyết các bất đồng trong khu vực này thông qua đàm phán.
Lời kêu gọi trên được đưa ra trong thông cáo chung 3 nước và được Bộ Ngoại giao Anh công bố hôm 29/8.
"Chúng tôi lo ngại tình hình ở Biển Đông có thể dẫn đến tình trạng mất an toàn và ổn định trong khu vực. Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia ven biển trong khu vực thực hiện các biện pháp giảm căng thẳng và góp phần duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn trong khu vực, bao gồm quyền của các quốc gia ven biển trong vùng biển của họ, quyền tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông", thông cáo nhấn mạnh.
Trong thông cáo, 3 quốc gia châu Âu lưu ý rằng với tư cách là các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, Pháp, Đức và Anh kêu gọi tất cả các quốc gia trong khu vực tuân thủ Công ước này.
Anh, Pháp, Đức ra thông cáo bày tỏ quan ngại về tình trạng trên Biển Đông. (Ảnh: CCO) |
"Công ước này đưa ra khuôn khổ pháp lý toàn diện, trong đó tất cả các hoạt động ở đại dương và biển bao gồm cả Biển Đông phải được thực hiện và tạo cơ sở cho sự hợp tác quốc gia, khu vực và toàn cầu trong lĩnh vực hàng hải", thông cáo nêu rõ.
"Bộ ba" hoan nghênh các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông đang diễn ra giữa các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc.
Thông báo chung của Anh, Đức, Pháp được phát đi trong bối cảnh cộng đồng quốc tế thời gian qua liên tục bày tỏ quan ngại về các diễn biến mới trên Biển Đông, đặc biệt là hành vi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam của nhóm tàu khảo sát Trung Quốc.
Trong thông báo đưa ra hôm 28/8. Liên minh châu Âu (EU) khẳng định các hành động đơn phương trong các tuần vừa qua trên Biển Đông khiến căng thẳng gia tăng và gây tổn hại môi trường an ninh hàng hải, là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự bình yên phát triển kinh tế của khu vực.
Theo EU, tất cả các bên trong khu vực cần kiềm chế, có những bước đi cụ thể hướng tới khôi phục nguyên trạng trước đây, kiềm chế, không quân sự hóa khu vực và giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Thông cáo của EU nhấn mạnh, các bên cũng có thể tìm kiếm sự hỗ trợ của bên thứ ba dưới hình thức hòa giải hoặc trọng tài phân xử để tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết các khiếu nại của mỗi bên.
Các cơ quan ngoại giao, quốc phòng của Mỹ trong hơn 1 tháng qua liên tục đưa ra các thông báo chỉ trích hành vi bắt nạt và can thiệp của Trung Quốc vào các hoạt động khai thác và sản xuất dầu khí lâu đời của Việt Nam.
"Trung Quốc nên chấm dứt hành vi bắt nạt, kiềm chế các hành động khiêu khích và gây bất ổn khu vực", Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh ở tuyên bố đưa ra ngày 20/7.
Trong thông cáo phát đi hôm 26/8, Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định các hành động của Trung Quốc cũng đi ngược với tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, nơi các nước dù lớn hay nhỏ đều được đảm bảo về chủ quyền, không bị chèn ép và được theo đuổi tăng trưởng kinh tế đi cùng với các quy định và quy tắc quốc tế được chấp nhận.
Các nước Nhật Bản, Ấn Độ mới đây cũng bày tỏ quan ngại trước tình hình gia tăng căng thăng gần đây trên Biển Đông.
Trong khi Tokyo kêu gọi cộng đồng quốc tế phản đối bất cứ hành động đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng và bất cứ hành động nghiêm trọng mang tính cưỡng ép của bất cứ quốc gia nào, New Delhi nhấn mạnh tầm quan trong của việc giải quyết bất đồng trên Biển Đông một cách hòa bình, tôn trọng các quy trình pháp lý và ngoại giao, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực.
(Nguồn: Spuntik)