Việc 2 cựu thủ tướng lưu vong nhà Shinawatra liên tục xuất hiện gần đây được cho là nhằm tạo tác động trước thềm cuộc bầu cử dự kiến vào tháng 2.
Người ủng hộ cầm ảnh 2 anh em cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin và Yingluck Shinawatra. Ảnh: AFP |
Trong những ngày đầu năm 2019, hình ảnh và thông tin về 2 cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra cùng em gái Yingluck bỗng xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông cũng như mạng xã hội. “Phát pháo” đầu tiên là chuyến thăm nguyên quán thu hút nhiều sự chú ý tại TP.Sán Đầu thuộc tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc. Ông cố của anh em 2 cựu thủ tướng Thái Lan ban đầu mang họ Khâu, di cư sang Thái Lan hồi năm 1860 và đổi thành họ Shinawatra. Ngay sau đó tiếp tục rộ lên thông tin bà Yingluck sử dụng hộ chiếu Campuchia để đăng ký thành lập công ty và mua lại quyền quản lý, vận hành một cảng lớn tại Sán Đầu. Campuchia nhanh chóng bác bỏ đã cấp hộ chiếu cho cựu thủ tướng Thái còn Trung Quốc chưa đưa ra bình luận nào. Theo giới quan sát, những bước đi này của anh em nhà Thaksin nhằm chứng tỏ họ “vẫn được quốc tế ủng hộ”, ngay cả tại những quốc gia có quan hệ tốt với chính phủ hiện nay của Thái Lan như Trung Quốc.
Đến đầu tuần này, ông Thaksin tiếp tục gây xôn xao khi khởi động chương trình phát thanh vào thứ hai hằng tuần trên internet mang tên Good Monday để “chia sẻ thông tin về kinh tế và công nghệ với người dân Thái Lan”. Tuy nhiên, động thái này được cho là nhằm quảng bá những ý tưởng của cựu thủ tướng lưu vong cũng như cạnh tranh với chương trình truyền hình thứ sáu hằng tuần của đương kim lãnh đạo Prayuth Chan-ocha. Kết quả khảo sát của tờ Matichon cho thấy 91% số người được hỏi nói muốn theo dõi chương trình Good Monday.
Ngoài muốn gửi thông điệp thách thức chính phủ đương nhiệm rằng họ “chưa từ bỏ cuộc chơi”, sự xuất hiện dày đặc của anh em nhà Shinawatra được cho là còn nhằm xóa đi hình ảnh “tội phạm trốn truy nã” trong mắt người dân Thái. Họ cũng nhắm đến mục tiêu lên tinh thần cho các thành viên trong 2 đảng thân hữu của gia tộc Shinawatra là Pheu Thai và Thai Raksa Chart trước cuộc tổng tuyển cử dự kiến vào tháng 2. “Ông ấy muốn hình ảnh của mình luôn được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông. Cái tên Thaksin sẽ khó phai nhạt trong chính trường và dư luận xã hội, dù là ủng hộ hay chống đối. Ông ấy sẽ còn tiếp tục tác động vào Thái Lan”, Giáo sư Yuthaporn Issarachai thuộc Đại học Sukhothai Thammathirat nhận định với Thanh Niên.
Thái Lan triệu tập những người gặp ông Thaksin Ủy ban Bầu cử Thái Lan ra lệnh triệu tập những thành viên 2 đảng Pheu Thai và Thai Raksa Chart từng xuất ngoại để gặp anh em nhà Shinawatra vì nghi ngờ họ đi nhận chỉ đạo từ cựu Thủ tướng Thaksin, vi phạm điều cấm của luật về đảng phái chính trị. Đáp lại, ông Plodprasop Suratwadee, Phó chủ tịch Pheu Thai, ngày 17.1 tuyên bố việc đi thăm 2 cựu thủ tướng là “quyền riêng tư của các thành viên, không liên quan đến chính trị hay hoạt động của đảng”. Trước đó, chính quyền quân sự Thái Lan nhiều lần cảnh báo sẽ đưa Pheu Thai ra tòa để yêu cầu giải thể với cáo buộc vi phạm điều cấm người ngoài đảng can thiệp vào hoạt động nội bộ. Ngoài ra, chính phủ cũng đã ra lệnh cấm sử dụng hình ảnh của ông Thaksin và bà Yingluck trong quá trình vận động tranh cử. |
Tình tiết mới liên quan tới thời hạn visa Anh của bà Yingluck
Anh được cho là đã cấp thị thực (visa) 10 năm cho cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra, người đã bị kết án vắng ... |
Từ Hong Kong và Singapore, Thaksin bày mưu giành lại ảnh hưởng
Việc cựu thủ tướng lưu vong Thái Lan Thaksin Shinawatra gặp những lãnh đạo đảng Pheu Thai cho thấy ông đang cố vận dụng sức ... |