Đáp lại việc Anh đưa nhóm tàu sân bay vào khu vực, hải quân Trung Quốc mới đây vừa tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc tập trận quy mô lớn trên Biển Đông trong tuần này.
Cả Mỹ và Trung Quốc đều cáo buộc lẫn nhau đang làm mất đi sự ổn định ở Biển Đông thông qua các hoạt động quân sự trong khu vực, thế nhưng nước Anh - một quốc gia có đường bờ biển cách xa tới hàng ngàn dặm và không sở hữu bất cứ vùng lãnh thổ nào ở Biển Đông cũng muốn tăng cường hiện diện ở đây.
Bằng việc đưa nhóm tấn công tàu sân bay Queen Elizabeth đến châu Á – Thái Bình Dương, London muốn khẳng định lại vị thế cường quốc của mình và thể hiện nước này giữ vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định ở Biển Đông.
Đáp lại việc Anh đưa nhóm tàu sân bay vào khu vực, hải quân Trung Quốc mới đây vừa tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc tập trận quy mô lớn trên Biển Đông trong tuần này. Đây được xem là cách Bắc Kinh dằn mặt London trước khi tàu sân bay HMS Queen Elizabeth cùng nhóm tàu hộ tống tiến vào Biển Đông hôm nay 28/7.
Hải quân Trung Quốc nhiều khả năng sẽ điều động tàu sân bay tham gia cuộc tập trận Biển Đông nhằm đáp trả sự xuất hiện của tàu chiến Anh. (Ảnh: The Defense Post) |
Cũng theo tuyên bố trên, hải quân Trung Quốc sẽ tiến hành phong tỏa một số vùng biển ngoài khơi tỉnh Quảng Đông và phía Nam Trung Quốc giáp với Biển Đông từ ngày 26/7 đến 29/7, một số hoạt động hàng hải trong khu vực cũng sẽ bị gián đoạn.
Tuy nhiên, phía Trung Quốc lại không thông tin về việc họ sẽ điều động các tàu chiến nào tham gia cuộc tập trận trên.
Dựa trên một số hình ảnh vệ tinh do Cơ quan Vũ trụ châu Âu công bố vào cuối tuần trước, tàu sân bay Sơn Đông và tàu tấn công đổ bộ Hải Nam của hải quân Trung Quốc đang hoạt động gần hai khu vực sẽ diễn ra tập trận. Hiện vẫn chưa rõ chúng có tham gia hay không.
Còn theo tờ Thời báo Hoàn cầu, hải quân Trung Quốc có thể sẽ không ấn định trước ngày tổ chức cuộc tập trận bởi họ muốn nó diễn ra vào đúng thời điểm nhóm tấn công tàu sân bay Anh di chuyển vào Biển Đông. Các đơn vị tham gia cuộc tập trận đều được đặt trong trạng thái sẵn sàng.
Đối với hải quân Trung Quốc mà nói họ luôn duy trì một lực lượng nhất định ở Biển Đông trong những năm gần đây nhằm đối phó với sự gia tăng rõ rệt các hoạt động của hải quân Mỹ và đồng minh trong khu vực.
Hiện tại, nhóm tàu sân bay Queen Elizabeth đang có cuộc tập trận chung với hải quân Singapore trên vùng biển quốc tế ở phía nam Biển Đông.
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh tập trận cùng tàu chiến Singapore ở phía Nam Biển Đông. (Ảnh: Hải quân Singapore) |
Nhiệm vụ đặc biệt của tàu sân bay Anh
HMS Queen Elizabeth (R08), là tàu sân bay mới nhất của Hải quân Hoàng gia Anh, hành trình đến châu Á – Thái Bình Dương là nhiệm vụ dài ngày trên biển đầu tiên của nó, bắt đầu từ tháng 5. Trên đường đến châu Á, nhóm tấn công tàu sân bay do HMS Queen Elizabeth dẫn đầu cũng đã thực hiện các cuộc tập trận chung với một số quốc gia.
Tháng trước, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nói với ủy ban đối ngoại tại Hạ viện rằng: “Việc chúng ta thực thi và bảo vệ các quyền tự do hàng hải là hành động hoàn toàn đúng đắn, và nước Anh sẽ làm như vậy từ lãnh hải Ukraine cho đến Biển Đông”.
Bộ Quốc phòng Anh tuần trước cũng tiết lộ rằng hai tàu chiến của hải quân Anh sẽ được triển khai vĩnh viễn ở châu Á – Thái Bình Dương vào cuối năm nay sau khi sứ mệnh của HMS Queen Elizabeth kết thúc. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace không đưa ra dấu hiệu nào cho biết họ sẽ để lại tàu nào ở khu vực cũng như việc sẽ sử dụng căn cứ nào, mặc dù London có các cơ sở quân sự ở Brunei và Singapore.
Đáp lại thông báo và trước sự xuất hiện của HMS Queen Elizabeth, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết, Bắc Kinh kiên quyết phản đối động thái phô trương sức mạnh quân sự của Mỹ và đồng minh, đồng thời cho rằng hành động này đang ảnh hưởng xấu đến chủ quyền, an ninh của Trung Quốc và phá hoại hòa bình cũng như ổn định của khu vực.
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Hải quân Hoàng gia Anh. (Ảnh: Saturn Ecplise) |
Tuy nhiên, ông Triệu Lập Kiên cũng nhấn mạnh rằng nếu các tàu chiến của Anh hoạt động trong vùng biển quốc tế thì phía Bắc Kinh sẽ tôn trọng mọi hoạt động riêng của họ.
Dù vậy, những lo ngại về việc hải quân Anh sẽ có hành động gây hấn nhằm vào Trung Quốc ở Biển Đông không phải là không có cơ sở bởi chỉ vài tuần trước một trong những tàu chiến hộ tống HMS Queen Elizabeth – khu trục hạm HMS Defender đã có hành động Moskva cho là vi phạm lãnh hải Nga ngoài khơi bán đảo Crưm.
Thế nhưng, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết tàu chiến nước này chưa bao giờ đi vào vùng biển của Nga - vì London không công nhận cuộc trưng cầu dân ý năm 2014 của Crưm và vùng biển họ hoạt động thuộc về Ukraine.
Anh là một trong nhiều nước châu Âu ủng hộ các nỗ lực của Mỹ nhằm phản đối các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc đối với một số nhóm đảo ở Biển Đông trùng lặp với các yêu sách của các quốc gia khác trong khu vực, bao gồm Đài Loan, Philippines, Brunei, Malaysia và Việt Nam.
Yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông “không có căn cứ trong luật quốc tế”
Người đứng đầu Lầu Năm Góc Lloyd Austin khẳng định yêu sách đối với phần lớn Biển Đông mà Bắc Kinh đưa ra là "không ... |