Việt Nam tiếp tục đấu tranh bên lề yêu cầu Chính phủ Mỹ tẩy độc môi trường, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam.
Mới đây, Tòa án bang California, Mỹ đã ra phán quyết yêu cầu Công ty hóa chất Monsanto bồi thường 289 triệu USD cho ông Dewayne Johnson, người bị ung thư giai đoạn cuối do sử dụng thuốc Roundup của Monsanto để chăm sóc nhiều vườn trường học trong gần 30 năm qua.
Phán quyết này được đánh giá là án lệ bác lại luận điểm trước đây cho rằng chất diệt cỏ mà Monsanto và các công ty hóa chất khác của Mỹ cung cấp cho quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam không có hại cho con người, từ đó Monsanto cũng phải có trách nhiệm khắc phục những hậu quả chất độc da cam/dioxin đã gây ra tại Việt Nam.
Chia sẻ với Đất Việt, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất dộc da cam/dioxin Việt Nam coi phán quyết của Tòa án bang California là sự mở đầu để trấn an dư luận rằng công ty hóa chất Mỹ có quan tâm chuyện này.
Ông cũng cho rằng, phán quyết trên tạo ra cơ sở pháp lý tốt, làm căn cứ cho việc giải quyết các vụ kiện tương tự trong đó có vụ kiện của Hội. Dù vậy, cuộc đấu tranh này còn rất nhiều khó khăn.
Những nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam. Ảnh: Roland Schmid
Theo Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, có khoảng 850.000 lính Mỹ bị nhiễm và phơi nhiễm chất độc rải xuống Việt Nam và mỗi năm các công ty hóa chất phải bồi thường đến 1,5 tỷ USD. Thế nhưng, với nạn nhân Việt Nam, phía các công ty hóa chất Mỹ vẫn im lặng.
Năm 2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đại diện các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam kiện 37 công ty hóa chất của Mỹ, tuy nhiên, vụ kiện này đã bị 3 cấp tòa án Mỹ bác bỏ với lý do chủ yếu là chưa có cơ sở pháp lý.
Năm 2017, Tòa án quốc tế về Monsanto tại La Haye, Hà Lan công bố kết luận rằng công ty Monsanto đã hủy diệt môi trường, gây thiệt hại cho người dân Việt Nam. Tuy nhiên, Monsanto không thừa nhận kết luận phiên tòa.
"Luật pháp nước Mỹ là ai làm người đó chịu, thế nhưng trong vấn đề đó 37 công ty hóa chất của Mỹ sản xuất chất này không đả động gì đến chất diệt cỏ mà họ gọi là chất khai quang để phát triển nông nghiệp.
Ban đầu, đơn kiện của Việt Nam cũng đề cập đến chất diệt cỏ, nhưng luật sư Mỹ có tư vấn cho chúng ta không ghi chữ đó mà chỉ coi là chất khai quang chứa chất độc hóa học.
Trong các đơn kiện của Việt Nam đòi hỏi 2 vấn đề: tẩy độc môi trường và chăm sóc y tế. Riêng về tẩy độc môi trường có 28 điểm nóng phải tẩy độc, trong đó có 3 điểm lớn nhất là Đà Nẵng, Phù Cát và Biên Hòa. Đà Nẵng hiện đã xong giai đoạn 1, còn Phù Cát và Biên Hòa mới ở giai đoạn thăm dò.
Nếu tiếp tục kiện thì phải coi đó là tội ác chiến tranh, trong khi văn bản của Mỹ, đó là chất khai quang phát triển nông nghiệp.
Trong danh sách 37 công ty hóa chất Mỹ mà nạn nhân chất độc da cam kiện, nổi bật nhất là hai công ty Monsanto và Dow Chemical.
Chính vì thế, song song với việc chờ thời cơ thuận lợi để tiếp tục nộp đơn khởi kiện, ông khẳng định, Việt Nam đã và đang tranh thủ đối ngoại, bên lề để yêu cầu Mỹ khắc phục hậu quả chiến tranh, bồi thường cho nạn nhân da cam Việt Nam.
"Việt Nam sẽ tiếp tục đấu tranh cho đến thắng lợi cuối cùng", Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ nhấn mạnh.
Thành Luân
Việt Nam yêu cầu công ty Monsanto bồi thường nạn nhân chất độc da cam
Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng công ty Monsanto cần bồi thường cho các nạn nhân Việt Nam bị nhiễm chất độc da cam ... |
Cảnh đời cơ cực của gia đình có nhiều người bị tâm thần
Cười nói cả ngày nhưng không có niềm vui nào trong ngôi nhà nhỏ của gia đình anh Nguyễn Văn Thêm với ba người bị ... |