Sau cơn bão số 3, mưa lũ bất ngờ ấp đến gây thiệt hại nặng nề, khiến 8 người chết, 11 người mất tích, 47 nhà bị cuốn trôi, sập đổ, 50 nhà bị thiệt hại nặng.
Tai họa thảm khốc đã ập đến bản Na Sá, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa. Khi đó mọi người cũng hô hoán nhau chạy nhưng nước lũ ập vào nhanh, nên không kịp. có người bình tĩnh trèo lên nóc nhà nhưng vẫn bị lũ cuốn trôi cả nhà lẫn người. Hiện, các địa phương đang tiếp tục tìm kiếm người mất tích, huy động các lực lượng cứu trợ, thiết lập, duy trì thông tin liên lạc tại các địa bàn, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, khu vực bị chia cắt.
Người xưa nói “nhất thủy, nhì hỏa” là muốn nói sự nguy hiểm, hậu quả khôn lương do “giặc nước” và “giặc lửa” gây ra.
Cách đây một tháng, cả miền Trung đã phải đối mặt với những trận bão lửa kinh hoàng do cháy rừng. Từ Phú Yên, Thừa Thiên Huế đến Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An… mấy trăm ha rừng chìm trong biển lửa, trong đó thiệt hại nặng nhất là Hà Tĩnh, khoảng 200 ha rừng bị thiêu rụi hoàn toàn. Suốt mấy ngày liền hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an đã bất chấp nguy hiểm lao vào cứu rừng. Ngoài việc dùng thiết bị cơ giới như máy thổi và cưa xăng, lực lượng cứu hỏa sử dụng tất cả những phương pháp đơn giản như dùng dao rựa, cành cây, để tạo ra những hành lang, cắt đứt cái lưỡi tử thần của ngọn lửa. Thật may mắn và cảm động, lưỡi lửa ấy đã không “nuốt” chửng đường dây điện cao thế 500 kV, đoạn chạy qua khu vực cháy rừng và một số khu vực dân cư lân cận.
Nói tới nguyên nhân cháy rừng thì thật buồn! Đó là những ẩn họa năm nào cũng nhắc tới, nhưng rồi vẫn lặp lại những sai lầm chết người này. Vụ cháy vừa rồi là do một nông dân thu gom lá cây ở vườn nhà mình rồi đốt cho… sạch. Thế rồi trong lúc thời tiết nắng nóng gần 40 o C, lại gặp gió mạnh, đám cháy bùng phát rồi loang nhanh biến thành cơn lốc lửa. Người nông dân kia bỗng chốc trở thành tội phạm. Cách đây vài năm xảy ra vụ cháy rừng lớn là do một người mồi lửa để đốt tổ ong. Mọi ân hận, mọi lời xin lỗi đều quá muộn, bởi thiệt hại gây ra là quá lớn.
Lại nói chuyện dập lửa cứu rừng. Chỉ đến khi có những “trận mưa vàng” đổ xuống đám cháy mới bị khống chế hoàn toàn. Còn trước đó là trận đánh không cân sức giữa người và giặc lửa. Nhìn những chiến sĩ trẻ măng, đầu đội mũ cối, khăn bông thấm nước choàng kín mặt, lao vào dập lửa, ngọn lửa hung dữ táp vào mặt, vào lưng, thương quá và lo quá! Đúng là đưa máy bay trực thăng chở nước bay lên và ném “bom nước” xuống để dập lửa có thể là phương án không khả thi và nguy hiểm, vì máy bay của ta nhỏ quá và vì gió to quá. Nhưng nếu như chúng ta trang bị những máy bay cứu hỏa có công suất lớn hơn thì có thể đã khống chế được ngọn lửa. Được biết một số quốc gia đã dùng máy bay cứu hỏa rất thành công. Nghề cứu hỏa “nuôi quân ba năm, động binh một giờ” là vì thế.
Vừa tạm ngưng những đám cháy kinh hoàng ở miền Trung thì bão số 2 (bão Mun), rồi số 3 ập đến gây ra lốc xoáy, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất kinh hoàng ở vùng cao phía Bắc, ở bắc miền Trung. Chẳng lạ những thiên nhiên dở chứng,đúng là ẩn họa khôn lường. Chỉ bất thần một trận lũ có thể qua một đêm cả một làng chìm trong đống đổ nát hoang tàn.
Thiên tai ngày càng khốc liệt, do những tác động của biến đổi khí hậu, do con người tàn phá, hủy hoại môi trường. Không chỉ có giặc thủy, giặc hỏa, còn có động đất, sóng thần, núi lửa. Loài người không thể nào quên được câu chuyện đau thương: Đảo Stroggli thuộc Địa Trung Hải đã bị xóa sổ hoàn toàn bởi một vụ phun trào núi lửa và sóng thần. Tai họa này đã khiến cho nền văn minh Minoan vào khoảng năm 1500 trước công nguyên cũng vĩnh viễn biến mất. Thiên nhiên “nổi giận” là điều khó tránh khỏi. Điều quan trọng là con người ứng xử với thiên nhiên như thế nào.
Cách gì đây để ứng phó với những ẩn họa khôn lường của các loại giặc trời? Người dân các tỉnh phía nam có câu “sống chung với lũ”, ý muốn nói phải luôn luôn chủ động để giảm thiệt hại đến mức thấp nhất. Những ai đang còn lim dim ngủ hãy mau tỉnh lại, hãy tự dội xô nước đá lên đầu. Hãy chủ động hơn nữa, chiến đấu với giặc thủy, giặc hỏa ở tầm cao hơn, từ những chiến lược lớn đến những kế hoạch bài bản, cụ thể. Rút kinh nghiệm sâu sắc là để đầu tư chiều sâu về lực lượng, về trang bị, thiết bị hiện đại; về việc giáo dục ý thức phòng chống thiên tai, bất trắc cho mọi người dân. Và việc cần làm ngay là ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất, phục hồi những cánh rừng bị cháy, những khu dân cư, đường sá, cầu cống bị lũ cuốn trôi.
Chống thiên tai như chống giặc. Câu nói luôn đúng ở mọi thời. Qua thực tế cứu hỏa, ứng phó bão, lũ thời gian qua, cần nhấn mạnh: phân cấp thật rõ ràng, trách nhiệm thật cụ thể cho các cấp chính quyền địa phương, các ngành, cơ quan hữu quan. Đồng thời cần đầu tư lớn, đầu tư có trọng điểm cho việc trang bị phương tiện hiện đại để cứu hỏa, ứng cứu lũ lụt, giống như trang bị vũ khí, khí tài, phương tiện cho quân đội đánh giặc vậy./.
Trận lũ quét 15 phút khiến 10 người mất tích ở Thanh Hoá
Nhiều hộ dân ở bản vùng biên Thanh Hoá đang sơ tán tài sản thì chỉ trong ít phút lũ đổ về cuốn trôi cả ... |
5 người chết, 14 người mất tích do mưa lũ
Sau bão Wipha, Thanh Hoá là tỉnh bị thiệt hại nặng nhất với 3 người chết và 13 nạn nhân mất tích. |
Lũ quét đổ về cuồn cuộn, lở đá, ngập sâu trên diện rộng tại nhều tỉnh phía Bắc sau bão số 3
Do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3, tại các tỉnh như Thanh Hóa, Sơn La, Bắc Kạn, Điện Biên… xảy ra hiện tượng lũ ... |