Hàng loạt vụ phá rừng quy mô lớn vừa được phát hiện ở Đắk Lắk, Quảng Nam, Đắk Nông… làm dư luận thêm bức xúc. Rừng cạn kiệt, sinh thái điêu tàn từng ngày trước mắt các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Mọi việc đều được đổ thừa cho lâm tặc, nhưng người dân hiểu lâm tặc giờ đây là ai? Lâm tặc nào còn là những người vì miếng cơm manh áo bức bách phải vào rừng chặt gỗ độ nhật. Lâm tặc cũng chẳng còn là những tay bặm trợn lén lút vào rừng hạ cây kiếm tiền. Lâm tặc giờ chính là những người được giao trách nhiệm bảo vệ rừng, là những cán bộ lắm tiền thích chơi trang trại, nhà gỗ quý; là những người đầy quyền hành ký duyệt những dự án kinh tế mà để thực thi nó phải mất hàng trăm, thậm chí cả ngàn hecta rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ.
Những vụ phá rừng lớn như ở Quảng Nam, Đắk Lắk thời gian qua đều có sự tiếp tay hoặc trực tiếp tham gia của lực lượng kiểm lâm. Buồn cười hơn, để chặn nạn phá rừng, một lãnh đạo tỉnh Quảng Nam lại viết tâm thư và yêu cầu kiểm lâm cam kết không tiếp tay cho lâm tặc. Quản lý cán bộ như thế rừng không bị triệt hạ mới là chuyện lạ.
Những người từng làm kiểm lâm cho biết muốn vào rừng phải có đường. Kiểm lâm nếu quyết tâm thì chẳng ai có thể mang một cái cây nào ra khỏi rừng. Còn nhớ cách đây chưa lâu, kiểm lâm tỉnh Hà Giang ra sức truy bắt và xử lý một người đàn ông chở… 2 tấm thớt gỗ chặt thịt. Tưởng chừng lực lượng kiểm lâm tỉnh này nghiêm khắc, quyết liệt với nạn gỗ lậu, nhưng hỡi ơi, rừng Hà Giang trong thời gian qua bị tàn phá nghiêm trọng nhưng chẳng tìm ra thủ phạm và cũng chẳng truy nổi trách nhiệm của kiểm lâm.
Theo thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), Việt Nam là nước có tỉ lệ phá rừng nguyên sinh đứng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Nigeria. Còn theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), từ năm 2012-2017, diện tích rừng tự nhiên bị mất do chuyển mục đích sử dụng rừng tại các dự án được duyệt chiếm 89% tổng diện tích rừng bị giảm; còn lại là do phá rừng trái pháp luật. Từ tổng hợp của 58 tỉnh, thành trong khoảng 5 năm qua, các cơ quan nhà nước đã phê duyệt chuyển mục đích sử dụng rừng gần 38.300 ha/1.892 dự án. Trong đó, rừng tự nhiên gần 19.000 ha, rừng trồng hơn 15.800 ha, đất chưa có rừng quy hoạch cho lâm nghiệp trên 3.500 ha. Chính việc xử lý thiếu kiên quyết, không nhất quán, thậm chí có biểu hiện né tránh trách nhiệm, làm ngơ, tiếp tay cho người phá rừng, gây thiệt hại lớn đối với tài nguyên rừng, gây bức xúc trong xã hội.
Tài nguyên rừng mất là thực trạng đau xót sau những tài nguyên quan trọng khác của quốc gia bị khai thác cạn kiệt. Tài nguyên biển bị tận diệt bằng cả lưới cào và thuốc nổ gần bờ. Đất đai bị băm nhỏ đổ bê-tông làm kinh tế mà nguồn lợi của nó không phải lúc nào người dân cũng được hưởng. Khoáng sản bị móc sạch bất kể ngày đêm. Ngay nguồn than đá dồi dào ở phía Bắc cũng đã bị vét sạch đem bán thô. Nay đang tính chuyện phải nhập than đá từ Trung Quốc để phục vụ phát triển công nghiệp…
Tài nguyên quốc gia là của để dành cho thế hệ mai sau phát triển đất nước. "Ăn" đến sạch sẽ như thế thì con cháu đời sau lấy gì mà dùng?
Hiếu Nghi
Những vụ án phá rừng rúng động Tây Nguyên trước khi trùm lâm tặc Phượng "râu" bị bắt
Dù Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đóng cửa rừng tự nhiên, khôi phục và phát triển bền vững rừng Tây Nguyên nhưng thời ... |
Đắk Lắk: Bộ Công an bắt vụ phá rừng lớn tại vườn Quốc gia Yok Đôn
Các cán bộ chiến sĩ C49 (bộ Công an) đã phối hợp với Công an tỉnh Đắk Lắk mật phục và bắt giữ được một ... |
Kiên Giang vào cuộc xử lý nạn phá rừng ở Phú Quốc
Trong ba tháng liên tiếp, đoàn kiểm tra liên ngành ở Kiên Giang sẽ kiểm tra, xử lý nạn chặt phá, lấn chiếm đất rừng ... |
Kiểm lâm bị tố làm ngơ với nạn phá rừng: Gỗ lậu cất giấu gần trạm bảo vệ rừng
Ngày 10-4, ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND huyện Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk), cho biết đã chỉ đạo cơ quan chức năng vào ... |