Chỉ còn vài ngày nữa, một năm học mới lại bắt đầu. Tình trạng ùn tắc sẽ được cải thiện như thế nào trong bối cảnh quỹ đất không còn nhiều, dân số đang có xu hướng tăng đè nặng áp lực giao thông khu vực nội thành. Theo đề xuất của các chuyên gia thì Hà Nội cần phải thực hiện quyết liệt và đồng bộ hàng loạt giải pháp, mới hy vọng “giảm nhiệt” ùn tắc…
Lưu lượng giao thông quá tải cao gấp 6 lần so với công suất thiết kế
Tuyến đường Nguyễn Trãi gần đây lại được đặt dải phân cách cứng phân làn đường. Đây không phải lần đầu tiên Sở GTVT Hà Nội tiến hành phân làn ở tuyến đường này, nhưng những lần trước đó dường như chưa mang lại hiệu quả.
Còn lần này, Sở GTVT cho rằng, bước đầu đã có biến chuyển, về lâu dài thế nào thì cần phải có thời gian đánh giá. Đồng thời, theo Sở GTVT, công tác tổ chức giao thông để xử lý ùn tắc là công việc phức tạp, liên quan nhiều yếu tố, đặc biệt là lưu lượng phương tiện giao thông rất lớn hiện nay và phụ thuộc nhiều vào ý thức chấp hành của người tham gia giao thông.
Một số ý kiến khác lại cho rằng, tuyến đường Nguyễn Trãi có nhiều điểm giao cắt, việc triển khai lắp dải phân cách cứng sẽ khó đem lại hiệu quả. Theo PGS.TS Phạm Hoài Nam, nguyên Trưởng khoa Ôtô và Cầu đường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, với những làn đường rộng như đường Nguyễn Trãi, các xe sẽ chuyển hướng, đan xen nhau gây ùn tắc và lộn xộn, dẫn đến thời gian đi qua nút giao cộng với thời gian tiết kiệm được không hiệu quả gì, trong khi chúng ta phải bỏ tiền ra để làm dải phân cách.
Cho nên việc này cần phải dựa trên các mô phỏng giao thông và dựa trên các khoảng cách nút giao xác đáng thì chúng ta mới nên làm. Ở khía cạnh khác, có người lại cho rằng, nên xử phạt người đi sai làn để tạo sức răn đe. Tuy nhiên, Cảnh sát giao thông Hà Nội cũng đưa ra ý kiến, những ngày đầu thực hiện thí điểm thì chỉ nên nhắc nhở người dân, hướng dẫn họ làm quen với việc phân làn, chứ không nên “chăm chăm” xử phạt.
Theo thông tin từ Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Hà Nội, mạng lưới giao thông của Thủ đô chủ yếu là các nút giao cắt đồng mức, mặt cắt các tuyến phố nhỏ, hẹp với tổng chiều dài 13.930 km, trong đó 15 tuyến quốc lộ, tuyến trục chính ra vào thành phố; mạng lưới đường đô thị theo dạng hướng tâm kết hợp với đường vành đai có tổng chiều dài với trên 935 tuyến phố; 4.845 giao cắt (trong đó 4.611 giao cắt đồng mức, 234 giao cắt khác mức).
Trong khi đó, tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông mới đạt 8,65% diện tích đô thị (theo quy hoạch các nước tiên tiến trên thế giới là: 20 - 25%). Trên địa bàn thành phố có 935 tuyến trong đó tuyến đường có mặt cắt dưới 11m là 690 tuyến (73,7%), tuyến đường có mặt cắt trên 11m 245 tuyến (tương đương 26,3 %).
Phía Cảnh sát giao thông Hà Nội cũng cho biết, lực lượng gặp khó trong vấn đề đảm bảo an toàn giao thông. Cụ thể, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được sự gia tăng của các loại phương tiện; mạng lưới giao thông chủ yếu là các nút giao cắt đồng mức, mặt cắt các tuyến phố nhỏ, hẹp dẫn đến xung đột giữa các dòng phương tiện, trong giờ cao điểm lưu lượng giao thông quá tải cao gấp 6 lần so với công suất thiết kế.
Chưa có giải pháp hiệu quả để hạn chế phương tiện cá nhân. Cùng đó là sự mất cân đối trong quy hoạch hạ tầng giao thông. Hệ thống bến bãi, điểm trông giữ phương tiện, điểm dừng đón trả khách cho các phương tiện công cộng như xe buýt, xe taxi còn hạn chế (hệ thống điểm đỗ mới đạt 1,2% - trong khi đó các nước tiên tiến là từ 5->6%).
Công tác tổ chức giao thông tại một số tuyến, nút, tại một số thời điểm còn chưa khoa học, chưa được đổi mới, chưa phù hợp để đáp ứng việc đi lại thuận tiện cho nhân dân, nhiều điểm mở quay đầu còn chưa hợp lý; hệ thống vạch sơn, biển báo, gờ giảm tốc, phân làn, phân tuyến còn chưa khoa học.
Phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh (trung bình hàng năm tăng 6,1%), Ngoài ra còn các phương tiện mang biển ngoại giao, biển quốc tế, biển số của xe của các cơ quan trung ương do Cục CSGT quản lý (trên 20 nghìn phương tiện), xe quân đội (trên 6 nghìn phương tiện) hoạt động trên địa bàn thành phố.
Dân số của Hà Nội hiện nay là trên 7,5 triệu người, lưu lượng người, phương tiện tham gia giao thông từ các tỉnh về Hà Nội học tập, lao động, buôn bán lớn, dẫn đến dân số cơ học có thể lên tới 10 triệu người gây áp lực về trật tự giao thông trên địa bàn Thủ đô, đặc biệt là khu vực nội thành.
Mở rộng quỹ đất cho giao thông vẫn là cốt lõi
Để góp phần giảm ùn tắc giao thông, đặc biệt là thời điểm năm học mới sắp bắt đầu, đồng chí Đào Việt Long, Phó trưởng Phòng CSGT Hà Nội chia sẻ, trong các khung giờ cao điểm (buổi sáng từ 6h30 đến 9h; buổi chiều từ 16h đến 20h, kể cả buổi trưa khi tình hình phức tạp), CSGT sẽ huy động các lực lượng phối hợp với các lực lượng ngoài ngành như: Thanh tra giao thông, dân phòng, sinh viên tình nguyện…; bố trí lực lượng làm nhiệm vụ chỉ huy, điều khiển, phân luồng giao thông tại các nút giao trọng điểm, các điểm giao cắt giữa đường chính và ngõ, điểm mở quay đầu phức tạp về trật tự ATGT, có nguy cơ cao dẫn đến ùn tắc giao thông trên các tuyến nội thành, tuyến quốc lộ, các tuyến trục chính ra, vào thành phố, tuyến vành đai, các tuyến thường xuyên phục vụ công tác dẫn, bảo vệ đoàn.
Phối hợp nghiên cứu, tổ chức phân làn xe hợp lý trên các tuyến giao thông, điều chỉnh các chu kỳ đèn tín hiệu giao thông nhằm nâng cao hiệu quả, tối đa hóa khả năng thông xe tại các nút giao. Nghiên cứu tổ chức giao thông 1 chiều, 2 chiều tại các tuyến giao thông đảm bảo phù hợp thực tế. Quy định các biện pháp nhằm hạn chế lưu lượng phương tiện giao thông tại các tuyến đường hạn chế vào khung giờ cao điểm…
Dưới góc nhìn của nhà chuyên môn, PGS. TS Nguyễn Thị Thu Thủy, chuyên gia giao thông cho rằng, giải pháp giảm ùn tắc là cần tăng quỹ đất. Để đạt được mục tiêu tăng quỹ đất cho giao thông, Hà Nội cần có những giải pháp đột phá, đi kèm là quyết tâm nỗ lực thực hiện. Theo bà Thủy, cùng với phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, di dời cơ quan, trường học ra khỏi nội đô, cần ưu tiên cho giao thông công cộng. Đồng thời, nhiều tuyến đường trong thời gian tới cần phải được mở rộng hơn, bởi các tuyến này đa phần được xây dựng từ 10 - 20 năm trước, khi phương tiện còn chưa lớn như hiện nay.
Một trong những giải pháp để tăng diện tích mặt đường là đấu giá quỹ đất một cách công khai, minh bạch; có chỉ tiêu cho giao thông rõ ràng để doanh nghiệp đầu tư nhà ở, khu đô thị cần phải quan tâm đến tỷ lệ đất giao thông dành cho cư dân đến sinh sống và làm việc. Bên cạnh đó, tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông phải được thực hiện đồng thời với nâng thị phần của vận tải hành khách công cộng; quyết liệt thực hiện hạn chế phương tiện cá nhân. Giao thông công cộng cần được ưu tiên nguồn vốn và đường dành riêng tương xứng, đặc biệt là những hành lang kết nối các khu công nghiệp, khu đô thị, trung tâm dịch vụ, trường đại học...
Về phía Sở GTVT Hà Nội sẽ có giải pháp gì để giải quyết nạn ùn tắc? Phóng viên Báo CAND có gửi tới Sở GTVT Hà Nội một số câu hỏi, trong đó có nhắc việc Sở GTVT nhìn nhận thế nào về các giải pháp mà Sở đã đưa ra nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc trong 5 năm qua, đâu là giải pháp hữu hiệu nhất và Sở đã “làm tròn” chức năng, nhiệm vụ được giao?
Hồi đáp lại Báo CAND, Sở GTVT “né” câu trả lời “đã làm tròn trách nhiệm hay chưa?”, và cho hay, với vai trò là cơ quan tham mưu cho thành phố về lĩnh vực giao thông vận tải, Sở GTVTđã chủ động, tích cực tham mưu cho thành phố triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an toàn giao thông, giảm thiểu ùn tắc, trong đó tập trung vào 6 nhóm giải pháp.
Cụ thể, nhóm giải pháp 1 là huy động mọi nguồn lực, tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đảm bảo kết nối đồng bộ các tuyến vành đai, các trục hướng tâm, các cầu qua sông và các tuyến có tính liên vùng, các công trình cấp bách giải quyết ùn tắc giao thông (đây là nhóm giải pháp cơ bản có tính bền vững và lâu dài).
Nhóm giải pháp 2 là tăng cường công tác duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế giao thông, phát huy tối đa hiệu quả cơ sở hạ tầng giao thông hiện có (đây là nhóm giải pháp thường xuyên).
Nhóm giải pháp 3 là phát triển đồng bộ các loại hình vận tải hành khách công cộng, trong đó tập trung triển khai và sớm đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị số 2A, 3.1. Tiếp tục đầu tư các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch (đây là nhóm giải pháp quan trọng nhằm phát triển mạng lưới vận tải hành khách, vận tải công cộng).
Nhóm giải pháp 4 là đưa ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý, điều hành giao thông. Nhóm giải pháp 5 là nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông cho người tham gia giao thông và xây dựng văn hóa giao thông, chú trọng đưa chương trình giáo dục về ATGT vào trong hệ thống giáo dục ngay từ các cấp học đầu tiên (đây là nhóm căn bản và lâu dài để đảm bảo ATGT một các bền vững).
Nhóm giải pháp 6 gồm tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải (đây là nhóm giải pháp thường xuyên, tích cực góp phần nâng cao hiệu quả răn đe các hành vi vi phạm, nâng cao ý thức người tham gia giao thông)… Tuy nhiên, hiệu quả của từng nhóm giải pháp này được thực hiện đến đâu thì Sở GTVT chưa có đánh giá…
Liên quan đến giải pháp về phương tiện công cộng, lãnh đạo Sở GTVT cho biết, từ cuối tháng 4/2022 đến nay, sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, lượng hành khách đi tàu đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã tăng khoảng 2,5 lần so với trong thời gian giãn cách xã hội; bình quân vận chuyển hằng ngày trên 20.000 hành khách. Tỷ lệ hành khách đi vé tháng bình quân trong ngày khoảng 50%. Vào giờ cao điểm hành khách sử dụng vé tháng chiếm 75-80%. Vào những ngày chủ nhật, hoặc ngày lễ sản lượng hành khách tăng mạnh gấp 2,4 lần ngày bình thường (49.000 hành khách). “Như vậy việc đưa vào vận hành tuyến đường sắt số 2A Cát Linh – Hà Đông có ý nghĩa vô cùng quan trọng và đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên trong cả nước, là một loại hình vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn vận chuyển khách để giảm tải người và phương tiện lưu thông trên đường nói riêng và vấn đề chống ùn tắc ở Thủ đô nói chung, được nhân dân đồng tình ủng hộ”, lãnh đạo Sở GTVT nhận định.