Việc rà soát lại sự công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) năm 2017 đã xong bước đầu và theo thông tin thì có tới 94 người bị phản ánh là chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn GS, PGS như thiếu giờ giảng, thiếu bài báo nghiên cứu khoa học…
Đến thời điểm này, mới có 1 tân phó giáo sư của Trường ĐH Công nghiệp TPHCM xin rút khỏi danh sách phó giáo sư.
94 người bị phản ánh bước đầu. Nhưng đó cũng mới chỉ là phản ánh, có thể phản ánh đó không đúng, hoặc cũng có thể đúng.
Nếu không đúng, thực sự cũng nên mừng, vì như vậy là quá trình xét duyệt hồ sơ để phong GS, PGS chuẩn xác, đúng đối tượng.
Nhưng nếu phản ánh là đúng, thì cũng có thể, con số 94 người qua rà soát bước đầu, cũng chỉ mới là một phần của những gì “chưa bị lộ” hết.
Các tiêu chí về điều kiện, tiêu chuẩn để được phong tặng hay công nhận chức danh GS, PGS là rất rõ ràng, cụ thể. Cứ chiếu theo các tiêu chí đó, ngay từ các ứng viên, có thể nhận biết được tới trên 95% là mình có thể “khớp” được chức danh đó hay không, còn hội đồng xét duyệt hơn ai hết càng nắm vững các tiêu chí và thấy rõ ứng viên đạt hay không đạt.
Cần phải nhấn mạnh và khẳng định thẳng thừng như vậy để thấy rằng, còn không ít người, vẫn hám những danh hiệu, chức danh trong khi về thực lực, hay các điều kiện, tiêu chuẩn của bản thân mình không thể “khớp” được. Tình trạng này đang diễn ra trong xã hội như một vấn nạn, nhưng lại phần lớn rơi vào những người thường có trình độ nhất định về học thức, có quyền hành, có điều kiện kinh tế khá giả. Và gần đây thậm chí nó lan sang cả lĩnh vực nhan sắc.
Đó là cô Á khôi 1 Nguyễn Thị Thành của cuộc thi Hoa khôi Du lịch Việt Nam, dù đã đi phẫu thuật thẩm mĩ răng, là đã không đáp ứng về điều kiện tiêu chí của cuộc thi nhưng vẫn được tham dự, cuối cùng “bị lộ” và bị tước danh hiệu. Đó là Hoa hậu Đại dương 2017 Lê Âu Ngân Anh cũng đã bị Bộ VH-TT&DL yêu cầu Ban tổ chức cuộc thi tước vương miện Hoa hậu của cô vì vi phạm qui định cuộc thi khi đã làm thẩm mĩ mũi.
Hai người đẹp không đáp ứng được điều kiện, tiêu chuẩn để dự thi hai cuộc thi sắc đẹp, dù đạt được danh hiệu rồi nhưng đã bị tước – một sự mê muội danh hiệu về nhan sắc để rồi phải nếm trái đắng, và dư luận đã không chấp nhận.
Nhưng sự mê muội về chức danh của tri thức, thì càng không thể chấp nhận. Bởi chức danh GS, PGS phải đến từ thực lực về sự học, giảng dạy và nghiên cứu của chính bản thân mỗi người, có thể đóng góp thiết thực cho nền giáo dục, nghiên cứu khoa học và xã hội, chứ không phải một “tấm áo” khoác lên người để trình diễn hay khoe khoang.
Hơn ai hết, người trí thức phải có lòng tự trọng rất cao để tự chấm dứt cơn mê muội danh hiệu/chức danh của chính mình.
Đề xuất bỏ viết sách khỏi tiêu chí xét công nhận giáo sư
Nhiều chuyên gia cho rằng, lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật không nhất thiết cần sách để thể hiện trình độ của ứng ... |
Chỉ phát hiện 1 ứng viên PGS không đạt chuẩn, 93 ứng viên kia ở đâu?
Theo báo cáo của Bộ GDĐT, có 94 hồ sơ giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) cần xác minh thêm sau kết quả rà ... |