Cuộc chiến nào cũng gây cạn kiệt ngân sách quốc gia, nguồn tài nguyên và nhân lực. Để tránh rơi vào thế khó, chính phủ nhiều nước phương Tây đã đưa ra các biện pháp tiết kiệm rất sáng tạo trong thời Thế chiến thứ nhất và thứ hai.
1. Đàn cừu Nhà Trắng
Trong khoảng thời gian Thế chiến thứ Nhất nổ ra, năm 1918, du khách tới tham quan Nhà Trắng ở số 1600 Đại lộ Pennsylvania (Washington D.C., Mỹ) đều bắt gặp một cảnh tượng lạ lẫm: Đàn cừu nhởn nhơ trong sân vườn tòa Bạch Ốc. Tổng thống Woodrow Wilson đã mua những “cỗ máy cắt cỏ bốn chân” này để tiết kiệm chi phí làm vườn và lấy phân bón cho cây cối. Ngoài ra, đàn cừu khoảng 48 con được xén lông mỗi năm một lần và số lông này được mang đi bán đấu giá để lấy kinh phí hỗ trợ cho Hội Chữ thập đỏ với mức giá cao kỷ lục là 52.823 USD. Đàn cừu Nhà Trắng chính là một biểu tượng rõ rệt cho sự ủng hộ của hậu phương dành cho những binh sĩ Mỹ phải tham chiến ở nước ngoài.
2. Cấm rượu bia
Ngay khi Mỹ can dự vào Chiến tranh thế giới thứ nhất, chuyên gia kinh tế Irving Fisher đã kêu gọi sử dụng số lúa mạch để nấu rượu bia làm thành bánh mỳ cung cấp cho các binh sĩ. Rất nhiều nhà hoạt động yêu nước khác cũng đồng tình với quan điểm của ông Fisher bởi họ nhận thấy rượu bia là một sản phẩm xa xỉ, hao tổn nguồn ngũ cốc quý giá mà lại khiến các binh sĩ say xỉn nhất là khi chiến sự đang trong giai đoạn nước sôi lửa bỏng. Lời kêu gọi này cuối cùng cũng đạt kết quả bằng một lệnh cấm rượu bia. Từ năm 1917 - 1918, chính phủ Mỹ cấm bán rượu ở gần các căn cứ quân sự, nhà máy quốc phòng, đồng thời kiểm soát chặt chẽ lượng ngũ cốc phân bổ cho các nhà sản xuất bia.
Nhiều quốc gia khác cũng đã thực hiện các biện pháp tương tự để giữ cho người dân luôn được tỉnh táo. Nước Anh đã rút ngắn giờ mở cửa các quán rượu. Thậm chí vua George V đã cố làm gương khi cam kết không uống rượu bia trong thời chiến. Tại Nga, Sa hoàng Czar Nicholas II còn cấm mọi hoạt động sản xuất và mua bán rượu vodka.
3. Vườn chiến thắng
Hai cuộc Đại chiến thế giới đã khiến rất nhiều quốc gia châu Âu bị hao hụt nghiêm trọng về sức người sức của. Các loại thực phẩm như đường, thịt, bơ và thức ăn đóng hộp buộc phải phân chia thành các khẩu phần, tem phiếu chặt chẽ. Nhằm đảm bảo nguồn thức ăn, chính phủ nhiều nước như Mỹ, Anh, Canada, Đức… đã khuyến khích người dân lập ra những khu “vườn chiến thắng” ở ngay trên đất nhà mình và các công viên công cộng để tự trồng lấy các loại rau, quả. Phong trào tự trồng trọt đã thực sự lan rộng vào thời Thế chiến thứ Hai.
Người dân Mỹ đã trồng được hơn 20 triệu “vườn chiến thắng” tại sân nhà của họ và thu hoạch được gần một nửa sản lượng rau của cả nước. Đệ nhất Phu nhân Eleanor Roosevelt cũng đã trồng một “vườn chiến thắng” ngay trong Nhà Trắng.
4. Quyên góp tất dệt kim
Song song với việc chia khẩu phần thực phẩm, cao su và xăng dầu, cuộc Đại chiến thế giới thứ Hai đã buộc chính phủ Mỹ phải hạn chế bán các sản phẩm liên quan tới nylon và vật liệu tổng hợp để ưu tiên sản xuất dây thừng, lưới cũng như các thiết bị quân sự khác. Đây là một tin buồn với các cô gái Mỹ, những người vô cùng ưa chuộng thứ phụ kiện tất dệt sợi nylon.
Năm 1942, các sản phẩm từ nylon đã chính thức biến mất khỏi mọi cửa hiệu. Đồng thời với lòng yêu nước, rất nhiều phụ nữ đã chấp nhận đi chân trần và tặng lại những đôi tất dệt kim cũ của họ cho quân đội Mỹ để tái sản xuất thành dù và túi đựng thuốc súng.
5. Vặn sớm đồng hồ
Nhằm tiết kiệm tối đa nguồn nhiên liệu trong thời chiến, Đức đã là quốc gia đầu tiên triển khai giờ “tiết kiệm ánh sáng ban ngày” (DST) và chính thức vặn sớm đồng hồ lên 1 tiếng từ 23 giờ ngày 10.4.1916. Mọi sinh hoạt và làm việc của chính phủ, người dân và các tổ chức sẽ tuân theo giờ mới để tận dụng nguồn ánh sáng ban ngày, hạn chế việc sử dụng đèn thắp sáng rồi chuyển toàn bộ số nhiên liệu tiết kiệm được như than củi, dầu ra chiến trường. Rất nhiều cường quốc gồm cả Anh và Mỹ đã học tập biện pháp này ngay sau đó. Giờ DST hiện vẫn được áp dụng tại hơn 70 nước. Liên minh châu Âu đã lấy quy ước “giờ mùa hè” của Anh làm giờ chung cho khu vực, trong đó kỳ DST bắt đầu từ ngày chủ nhật cuối cùng của tháng 3 và kết thúc vào ngày chủ nhật cuối của tháng 10.
6. Cấm bánh mì cắt lát sẵn
Trong Đại chiến thế giới thứ Nhất, Mỹ đã kêu gọi người dân giảm tiêu thụ bánh mì bằng cách phát động ngày “Thứ 4 không bột mỳ”. Bước sang cuộc Đại chiến thứ Hai, chính phủ nước này buộc phải có những bước đi xa hơn. Tháng 1.1943, Cục lương thực chiến tranh Mỹ đã ban hành lệnh cấm bánh mì cắt lát sẵn - sản phẩm được các bà nội trợ đánh giá là “bước tiến vĩ đại nhất của ngành công nghiệp bánh mì” - nhằm tiết kiệm giấy sáp và kim loại. Bởi theo các quan chức thì bánh mì cắt lát cần nhiều giấy để gói bảo quản hơn là một ổ bánh mì còn nguyên và các xưởng bánh sẽ không cần mua nhiều dao để cắt bánh. Tuy nhiên, lệnh cấm này đã bị rút lại 3 tháng sau đó do vấp phải quá nhiều sự phản đối của các bà nội trợ. Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Claude Wickard thừa nhận rằng: “Số nguyên liệu tiết kiệm đã không nhiều như trông đợi”.
Nhà đàm phán kỳ tài thời Chiến tranh Lạnh (Kỳ 1): Cuộc đời lên phim
Luật sư James B. Donovan được coi là một trong những nhà đàm phán huyền thoại trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Ông là “kiến ... |
Khám phá khu giải trí của lính Mỹ thời chiến tranh Việt Nam
Trong suốt giai đoạn chiến tranh Việt Nam, “Sin City“ được coi là trung tâm giải trí quy mô của lính Mỹ. |