Ngoài cua, du khách nên thử cá thòi lòi, bồn bồn hoặc vọp nướng chấm muối tiêu.
Cua Cà Mau nổi tiếng ngon, chắc thịt do được thiên nhiên ưu ái với hệ sinh thái rừng ngập mặn, nguồn thức ăn phong phú. Khách sành ăn thường tìm mua cua được bắt trong tự nhiên vì thịt ngon, ngọt hơn nhiều so với cua nuôi. Cua tự nhiên thường có lớp vỏ chắc, màu sậm chứ không phải màu trắng, xanh trong. Nhiều hàng quán chế biến cua thành nhiều món khác nhau, từ đơn giản như luộc, hấp, nướng than đến cầu kỳ hơn như rang me, lẩu, bánh canh cua…
Cá thòi lòi trông khá kỳ dị nhưng lại là đặc sản của vùng đất Mũi Cà Mau. Loài cá này sống ở vùng đầm lầy, vừa có thể bơi dưới nước lại di chuyển được trên cạn, thậm chí có thể bám vào thân cây đước, cây sú. Thịt cá chắc, ngon và không tanh. Cá thòi lòi thường được nướng muối ớt, chiên giòn hoặc nấu canh chua, kho tương.
Ốc len còn có tên gọi khác là ốc linh hoa, sống phổ biến ở các khu rừng ngập mặn. Ốc được khai thác hoàn toàn trong tự nhiên, chủ yếu bám vào thân cây và ăn các loại tảo đáy hoặc mùn bã hữu cơ. Có nhiều cách chế biến nhưng ốc len xào dừa vẫn nổi tiếng nhất. Trước khi nấu, ốc phải được ngâm trong nước gạo 1-2 tiếng để nhả hết nhớt. Khi chín thịt ốc sẽ chuyển từ màu đỏ sang xanh ngọc trông khá bắt mắt. Đầu bếp thường chặt bỏ phần đuôi để du khách có thể hút từ miệng ốc mà không cần tăm để gẩy.
Vọp nướng là món đặc trưng của đất Mũi. Vọp có hình dáng giống con nghêu nhưng kích thước lớn hơn và thường sống trong các bãi bồi, cửa biển, rừng ngập mặn. Vọp đất Mũi thường dai và ngọt hơn nhiều so với các vùng khác. Sau khi được rửa sạch, vọp có thể nấu canh chua, luộc, hấp, xào hay nướng mỡ hành.
Bồn bồn vốn là loại cỏ dại, mọc nhiều ở vùng rìa các đầm, ao hồ nhưng lại là đặc sản của các tỉnh miền tây, đặc biệt là Cà Mau. Bồn bồn được chế biến như rau thành nhiều món khác nhau, trong đó có gỏi hải sản, muối chua. Lõi bồn bồn có màu trắng muốt, phần búp non ăn mềm, giòn và ngọt, thường được du khách mua về làm quà khi đến các vùng Cà Mau, Bạc Liêu.