361 km cao tốc Bắc - Nam về đích năm 2022 đang thi công thế nào?

Bộ GTVT yêu cầu các nhà thầu khắc phục khó khăn, đưa 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam cán đích đúng hẹn trong năm 2022.

Tiếp tục mạnh tay với nhà thầu chậm

Thông tin về tình hình triển khai các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam có kế hoạch hoàn thành trong năm 2022, Bộ GTVT cho biết, sau gần 2 năm thi công, tính đến nay, sản lượng thi công dự án đoạn Mai Sơn - QL45 đạt 64,2% giá trị hợp đồng, đáp ứng tiến độ yêu cầu.

361 km cao tốc bắc - nam về đích năm 2022 đang thi công thế nào?

Hình hài dự án Mai Sơn - QL45 sau gần 2 năm thi công. Ảnh: Tạ Hải

Trong đó, 3/5 gói thầu đang vượt kế hoạch đã đăng ký từ 0,4% - 1,9% giá trị hợp đồng, 2/5 gói thầu (gói XL11 và XL13) cơ bản đáp ứng kế hoạch đề ra.

Một số hạng mục chính như: đắp nền đường K95 đã hoàn thành 89,9%; đắp nền đường K98 hoàn thành 34,7%; móng cấp phối đá dăm đạt 25,3%; móng cấp phối đá dăm gia cố xi măng đạt 13,4%; Bê tông nhựa rỗng hoàn thành 5,2%.

Đối với dự án thành phần Cam Lộ - La Sơn khởi công tháng 9/2019, hiện sản lượng đạt khoảng 87,6% giá trị hợp đồng, chậm 1,53% so với kế hoạch.

Trong đó, công tác đắp nền đường đạt trên 90%; móng cấp phối đá dăm gia cố xi măng đạt 71,9%; Bê tông nhựa C19 đạt 50,6%; Bê tông nhựa C12,5 đạt 22,1%.

Về dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết, tính đến nay, sản lượng thực hiện đạt gần 41% giá trị hợp đồng, chậm 1,93 % so với tiến độ cam kết.

Một số hạng mục chính như đào đá nền đường đã đạt hơn 88%; đắp nền đường K95 đạt hơn 71%; đắp nền đường K98 đạt gần 50%; Móng cấp phối đá dăm đạt gần 36%; móng cấp phối đá dăm gia cố xi măng đạt hơn 20%; Bê tông nhựa rỗng đạt 8,3%.

“Dự án Phan Thiết - Dầu Giây sau gần 2 năm thi công, đến nay, sản lượng thực hiện cũng đã đạt 46,7% giá trị hợp đồng.

Một số hạng mục chính đã đạt được sản lượng tốt như: Đắp nền đường đạt đạt 76,5%; đào đá nền đường đạt hơn 77%, dự kiến hoàn thành trước tháng 8/2022; Móng cấp phối đá dăm đạt 40,5%; Móng cấp phối đá dăm gia cố xi măng đạt hơn 34%; Bê tông nhựa rỗng đạt gần 29%,…”, Bộ GTVT thông tin.

Đáng chú ý, với quyết tâm đưa 361 km thuộc 4 dự án thành phần hoàn thành đúng kế hoạch, thời gian qua, Bộ GTVT tiếp tục chỉ đạo các Ban QLDA cắt chuyển khối lượng công việc của những nhà thầu yếu.

Điển hình, tại dự án Cam Lộ - La Sơn, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã thực hiện cắt chuyển 1,99 km và một số hạng mục công trình của các nhà thầu chậm.

Tại dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết, các nhà thầu đã cam kết đến ngày 30/6/2022 phải đạt 50,8%. Song, trước thực trạng tiến độ còn chậm, Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban QLDA 7 cắt chuyển 21 km của các nhà thầu chậm tiến độ, giao cho các nhà thầu khác thi công và đang thực hiện các thủ tục bổ sung nhà thầu phụ để thi công khoảng 4 km trong tháng 6/2022.

361 km cao tốc bắc - nam về đích năm 2022 đang thi công thế nào?

Nỗi lo lớn nhất đối với các nhà thầu hiện tại là thời tiết năm 2022 mưa nhiều, ảnh hưởng lớn đến thời gian thi công. Ảnh: Tạ Hải

Thách thức thời tiết

Một trong những khó khăn lớn đang cản tiến độ dự án cao tốc Bắc - Nam là diễn biến thất thường của thời tiết.

Theo Bộ GTVT, từ tháng 7 - 10/2020, các dự án khu vực miền Trung phải dừng thi công do chịu ảnh hưởng của đợt lũ lụt lịch sử.

Thống kê cũng cho thấy, năm 2021, địa bàn các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế trung bình có khoảng 100 ngày mưa.

Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai, năm 2021 trung bình có khoảng từ 133 - 155 ngày mưa. Từ đầu năm 2022 đến nay, trung bình có khoảng 30 - 35 ngày mưa. Tính riêng từ tháng 4/2022 đến nay, mặc dù mùa khô nhưng đã có 26 - 30 ngày mưa.

“Năm 2021, các dự án thành phần trên địa bàn các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa cũng phải dừng thi công từ 22 - 45 ngày, các dự án thành phần trên địa bàn các tỉnh Bình Thuận và Đông Nai phải dừng thi công 32 ngày.

Riêng dự án thành phần Mai Sơn - QL45, năm 2022 đã phải dừng thi công từ 35 - 45 ngày”, Bộ GTVT thông tin.

Bên cạnh khó khăn về thời tiết, việc thi công cao tốc Bắc - Nam cũng gặp vướng mắc lớn về giá vật liệu. Theo tính toán của các nhà thầu, đơn giá thi công các gói thầu hiện tại so với thời điểm bỏ thầu đã tăng từ 15 - 30%. Trong khi chỉ số trượt giá các vật liệu ở địa phương chỉ được khoảng 4 - 5%.

Trước thực trạng đó, Bộ GTVT đã đề nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành hướng dẫn điều chỉnh hợp đồng, giá hợp đồng; chỉ đạo các địa phương công bố chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng hàng tháng, phản ánh đúng mặt bằng giá thị trường và mức độ biến động giá khu vực xây dựng.

https://www.baogiaothong.vn/361-km-cao-toc-bac-nam-ve-dich-nam-2022-dang-thi-cong-the-nao-d556121.html

Nam Khánh / Báo giao thông vận tải