35 năm Iran phát triển kho tên lửa

Iran từ năm 1985 bắt đầu chương trình tên lửa và đã đạt được những tiến bộ vượt bậc để sở hữu kho tên lửa lớn nhất Trung Đông.

22 quả tên lửa đạn đạo Iran phóng vào căn cứ Ain al-Asad và Irbil có lực lượng Mỹ đồn trú ở Iraq hôm 8/1 là một phần rất nhỏ trong kho tên lửa hàng nghìn quả đủ chủng loại của nước này. Đây là thành quả của chương trình phát triển tên lửa được Iran thúc đẩy từ hơn ba thập kỷ trước đây.

Sau khi phát động chiến tranh với Iraq năm 1980, Iran nhận ra rằng họ không có bất cứ vũ khí nào hiệu quả để chống lại đòn tập kích tên lửa của Iraq. Các lãnh đạo Iran lúc đó quyết định rằng để tự vệ, họ phải có khả năng tự sản xuất tên lửa.

Iran bắt đầu nỗ lực này bằng cách mua các mẫu tên lửa tầm ngắn kiểu Scud. Năm 1985, Iran mua được tên lửa Scud-B (R-17 Elbrus) từ Lybia. Iran nhận thêm tên lửa Scud-B từ Triều Tiên và tên lửa chống hạm từ Trung Quốc, nhưng sử dụng phần lớn trong cuộc chiến tranh 8 năm với Iraq.

Iran ký thỏa thuận về chuyển giao công nghệ tên lửa với Trung Quốc vào năm 1990, có hiệu lực đến năm 2000. Sau khi lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ali Khamenei ra lệnh phát triển và nâng cao năng lực tên lửa nội địa vào thập kỷ trước, Iran đổ hàng triệu USD vào chế tạo hệ thống dẫn đường và nâng cấp những mẫu tên lửa cũ.

Iran phóng tên lửa nhằm vào lực lượng Mỹ đồn trú tại Iraq ngày 8/1. Ảnh: IRNA.

Nỗ lực này cho ra đời một loạt tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung, có thể mang đầu đạn hạt nhân với độ chính xác cao. Giới chuyên gia đánh giá kho tên lửa đạn đạo hiện là nền tảng trong chiến lược quốc phòng của Iran, do lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) chịu trách nhiệm vận hành.

Dòng Shahab-3, được phát triển dựa trên Nodong-1 (Hwasong-7) của Triều Tiên, là mẫu tên lửa tầm trung chủ lực của Iran. Shahab-3 có tầm bắn 1.000-2.000 km, được thử lần đầu năm 1998 và có nhiều biến thể như Sejjil, Emad và Ghadr.

Quan chức tình báo của Lầu Năm Góc nhận định Qiam là mẫu tên lửa đạn đạo tầm ngắn đáng sợ nhất của Iran, với tầm bắn 800 km và có khả năng điều chỉnh quỹ đạo bay. Mẫu tên lửa tầm ngắn Fateh-110 thường được các nhóm dân quân thân Iran như Hezbollah sử dụng để nhằm vào các mục tiêu giá trị cao.

Ngoài tên lửa đạn đạo, Iran còn phát triển mẫu tên lửa hành trình tầm xa Soumar dựa trên mẫu Kh-55 do Liên Xô sản xuất, có tầm bắn khoảng 1.900 - 2.900 km. Soumar bay được ở độ cao thấp, được cho có thể mang theo đầu đạn hạt nhân.

Cựu chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ Joseph Votel cho biết Iran đạt thành tựu trong phát triển tên lửa nhanh một cách đáng ngạc nhiên. "Chúng tôi theo dõi Iran phát triển máy bay không người lái, tên lửa và những vũ khí có thể xuyên thủng lưới phòng thủ để tấn công các mục tiêu nhạy cảm. Đáng lo ngại nhất là các hệ thống này được mau chóng hoàn thiện và người Iran học hỏi rất nhanh", Votel nói.

Tầm bắn của các loại tên lửa Iran đang sở hữu. Đồ họa: Washington Post.

Iran có thể đã chuyển nhiều tên lửa cho các nhóm dân quân nước này hậu thuẫn tại Iraq, Syria, Yemen và Lebanon. Các chuyên gia nhận định với số tên lửa hiện có, Iran có thể giáng đòn phản công chí mạng nhằm vào lực lượng Mỹ và đồng minh tại Trung Đông hoặc các cơ sở dầu khí quan trọng trong khu vực.

Chuyên gia Fabian Hinz thuộc Viện nghiên cứu Quốc tế Middlebury nhận định Iran đã biến kho tên lửa của mình từ một công cụ chính trị, tâm lý sang vũ khí thực chiến trong những năm qua. "Họ đang tuyên bố rằng có thể tấn công các mục tiêu của Mỹ hoặc đồng minh tại Trung Đông như Israel. Đó là thay đổi về bản chất", Hinz nói.

"Người Mỹ nghĩ họ an toàn nếu cách Iran 400 km. Dù Mỹ ở bất cứ đâu, chúng ta luôn có thể nhanh chóng đặt chiến hạm của họ dưới tầm bắn của tên lửa nếu chiến tranh nổ ra", chuẩn tướng Amir Ali Hajizadeh, tư lệnh lực lượng không gian vũ trục thuộc IRGC, nói.

 Nguyễn Tiến

(Theo WSJ, WP)

Mỹ giết hụt chỉ huy Iran
IS mừng vì tướng Iran chết
Tấn công mạng từ Iran vào Mỹ tăng vọt
Dấu hiệu máy bay rơi ở Iran trúng tên lửa

 

/ vnexpress.net