Năm 2010, có một công trình chuẩn bị khởi công có tên gọi rất “kêu”: Công trình chào mừng 1000 năm Thăng Long-Đông Đô- Hà Nội; chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Đó là công trình Đường sắt Cát Linh-Hà Đông. Thế rồi năm 2011 dự án chính thức được khởi công, tổng thầu là doanh nghiệp Trung Quốc.
Bấy giờ tinh thần làm con đường máu này thật lạc quan. Rằng chỉ trong vài ba năm đường sắt này đi vào hoạt động sẽ giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông Hà Nội trên một trục đường huyết mạch dài 13,1 km. Rằng đó là con đường trên cao rất đẹp về mỹ thuật. Rằng nguồn vốn vay nước ngoài, giá thành “rẻ”, chỉ với 8.770 tỷ đồng…
Thế rồi dự án được khởi công. Hình dáng con đường vỡ vạc dần. Người dân lúc đó mới ngỡ ngàng bảo nhau, nhìn “nó” giống như một con rắn bê-tông khổng lồ đang trườn trên không trung. Thế rồi xảy ra một số vụ tai nạn do thi công cẩu thả làm chết người đi trên đường. Thế rồi hứa hẹn sửa sai,tiếp tục đẩy nhanh tiến độ. Nhưng sau vài lần ngành Giao thông vận tải hứa sẽ đưa tuyến đường sắt này vào hoạt động vẫn không thấy tàu… chạy thì dân chúng bắt đầu không tin. Lại nữa,cái bận vé vé lên tàu, chạy thử, và tên các trạm đỗ in bằng tiếng Trung Quốc được in lên trên thì dân ta phản đối rầm rầm. Sao lại có thể tắc trách đến vậy. Tàu của ta, đường của ta, nhà của ta sao lại cho người ngoài đứng tên? Cũng chả thấy có lời thanh minh, xin lỗi nào cho minh bạch đàng hoàng!
Lần này, tháng 6-2019, Quốc hội họp. Các đại biểu chất vấn ông Bộ trưởng Giao thông vận tải, sao cái dự án “con rắn” này lại lỗi hẹn nhiều đến thế, đến nay là 8 lần cả thảy. Lại hỏi, sao nó đội vốn kinh hoàng đến thế, từ chỗ 8.770 tỷ mà nay lên tới 18.001,6 tỷ đồng, tính ra mỗi km có giá hơn 1.300 tỷ đồng. Và hỏi: Ai phải chịu trách nhiệm? Ai nên từ chức? Ông Bộ trưởng trả lời rằng: dự án đã hoàn thành 99%, còn lại chỉ 1% lí do là một số hạng mục nhỏ các công tác xây lắp. Tàu có thể chạy được rồi nhưng phải chờ tư vấn Pháp chứng minh độ an toàn của hệ thống. Và như thế là đến nay không có lời hẹn cho việc…tàu chạy!
Còn nguyên nhân đội vốn là do trượt giá 49% của giai đoạn suy giảm kinh tế năm 2009. Câu trả lời mới khó thuyết phục làm sao! Rồi ông Bộ trưởng hứa rằng, tới đây phải chờ kết quả kiểm toán. Sẽ xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân nếu do chủ quan mà vi phạm. Còn về lỗi của nhà thầu, ông Thể giải trình,là do năng lực và kinh nghiệm quản lý thực hiện dự án về lĩnh vực đường sắt đô thị còn hạn chế; tính toán tổng mức đầu tư không sát thực tế, cho nên phải thay đổi quy mô. Các tư vấn, nhà thầu thiếu kinh nghiệm về hệ thống quản lý và quy trình thủ tục ở Việt Nam.
Chao ôi, nhà thầu thiếu năng lực và kinh nghiệm như thế thì lỗi hẹn sẽ không dừng ở con số 8 lần. Nó khiến cho người dân Hà Nội vô cùng mệt mỏi và mất niềm tin. Ai phải chịu trách nhiệm về sự ách tắc, trì trệ này vẫn là câu hỏi nhức nhối và vẫn còn để ngỏ./.
Trần Quang
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông trễ hẹn, ai chịu trách nhiệm? Ở lần thứ 2 đăng đàn của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, các đại biểu truy đi truy lại nhiều lần phần trách ... |
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông lỡ hẹn lần thứ 10: Bộ trưởng GTVT giải trình thế nào? Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có báo cáo gửi Quốc hội giải trình việc chậm tiến độ của dự án đường sắt ... |
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông nguy cơ tiếp tục chậm tiến độ Dự án đường sắt đô thị đầu tiên ở Hà Nội chưa hoàn thành hồ sơ nghiệm thu, chứng minh an toàn và quy trình ... |