Vụ tai nạn trên cao tốc Pháp Vân (Hà Nội) chiều tối 18.3 đang gây tranh cãi quyết liệt trên các diễn đàn và phương tiện truyền thông, đặc biệt là trong việc nguyên nhân tai nạn lỗi do xe khách hay xe cứu hỏa.
Hiện trường vụ tai nạn nghiêm trọng giữa xe cứu hỏa và xe khách chiều 18.3. Ảnh: ATGT.
Trên diễn đàn bạn đọc của Báo Lao Động, rất nhiều ý kiến tỏ ra bênh vực cho người lái xe khách BKS 29B-078.43 sau khi xem clip ghi lại vụ va chạm này.
Bạn đọc Micheal viết: “Hãy xem các clip xe cứu hỏa ở Mỹ đi ngược chiều thế nào. Họ đi chậm, quan sát + hú còi to lắm rồi mới qua. Nếu đi ngược chiều họ còn kỹ hơn nữa. Mà cũng chưa bao giờ thấy họ dám đi ngược chiều trên cao tốc, chỉ đường trong thành phố thôi. Đến ngã tư bất kể dù là xe ưu tiên cũng phải quan sát thật kỹ, hú còi nháy đèn ít giây cho mọi xe khác thấy... Vận tốc giữa 2 xe là tổng cộng 2 vận tốc, làm sao tránh nổi”.
“Cái này thì lỗi là xe cứu hoả rồi, nếu làm nhiệm vụ mà phải đi ngược chiều do tình huống bắt buộc thì phải có cảnh sát giao thông đi cùng để điều khiển và dẹp đường cùng lúc. Đây là đường cao tốc mà xe cứu hoả đi cắt ngang đường như thế thì có phim viễn tưởng mới tránh được. Đây là thiếu trách nhiệm của công an giao thông không làm tròn nhiệm vụ”, bạn Nguyễn Nhật Luôn viết.
Bày tỏ sự bất bình, bạn đọc Vũ Hoa Tấn bình luận: “Mấy chú cứ nghĩ cứu hỏa hay cứu thương có quyền ưu tiên là chạy liều! Ngược chiều, vượt đèn đỏ... cứ chạy ào ào! Giúp được vụ cháy giảm bớt thiệt hại hoặc kịp thời đưa 1 bệnh nhân đi cấp cứu mà bất chấp tính mạng người đi đường, hỏi có nên không?! Có những vụ chưa cứu được 1 mạng thì đã gây tai nạn lấy đi vài mạng rồi, đôi khi chính tài xế cũng tử nạn!”.
Một số người nắm luật thì cho rằng, cao tốc có 1 làn xe trong cùng dành cho những trường hợp khẩn cấp. “Tại sao xe cứu hỏa không sử dụng mà lại ra giữa đường như vậy, trong khi xe khách không có tín hiệu giảm tốc độ... Nếu tôi là lái xe cứu hỏa, tôi sẽ chạy vào làn dừng xe khẩn cấp, có vấn đề gì dễ xử lý hơn”, bạn Mai Ngọc Hà viết.
Tr. Giang - một bạn đọc khác - bình luận: Căn cứ vào luật thì lỗi thuộc về xe khách. Nhưng khi xem tình huống thì tài xế xe khách hoàn toàn bị bất ngờ, tài xế vẫn nghĩ đang chạy theo làn và không ai có quyền can thiệp vào làn xe đang chạy. Xe cứu hỏa thì lao ra đường cao tốc một cách tự tại, như vào đường làng, chẳng có một cảnh báo từ xa. Chúng ta chưa quen, tư duy về tốc độ trên cao tốc khác đường làng. Đây là bài học kinh nghiệm được trả bằng tính mạng dành cho các tài xế những xe ưu tiên khi lên cao tốc chạy ngược đường.
Còn bạn đọc Phạm Ngọc Ánh lại cho rằng: Đồng ý là xe PCCC là xe được ưu tiên nhưng hãy xem xét vấn đề thật công tâm: 1. Hướng xe PCCC sang đường có gây khó cho xe khách? 2. Khoảng cách giữa hai xe khi sang đường có thật sự an toàn? 3. Tốc độ khi sang đường? Xét 3 yếu tố trên thì có thể thấy rằng xe PCCC sang đường bất chợt buộc xe khách phải đâm vào vì không thể xử lý kịp. Nếu cứ luật mà làm thì xe khách bị oan.
“Tôi tin rằng trường hợp này nếu phanh gấp để nhường đường cho xe cứu hỏa đi qua trong điều kiện đường trơn và ẩm ướt thì khả năng xe sẽ bị mất lái, xe khách có thể bị văng ra xa hoặc thậm chí lộn ngược cả xe, tai nạn sẽ còn thảm khốc hơn thế. Dù lỗi 1 phần vẫn do tài xế chạy xe nhanh nhưng ít nhất thiệt hại vẫn giảm đáng kể”, bạn Xanh Dương góp ý.
Bạn Nguyễn Khả Pham cho rằng, quyền ưu tiên chỉ xảy ra khi lưu thông cùng chiều chứ không thể đâm bổ vào đường ngược chiều như thế.
Độc giả Thanh Bích thẳng thắn: Thứ nhất, đây là đường ngược chiều lại là đường cao tốc. Cứu người quan trọng nhưng đi cứu người mà lái xe thiếu suy nghĩ như mấy anh PCCC này thì lại gây nguy hiểm cho bao nhiêu người.
Xử lý thế nào vụ xe khách tông xe cứu hỏa trên cao tốc?
Vụ ôtô chở khách đâm xe cứu hỏa đi ngược chiều trên cao tốc Pháp Vân khiến một chiến sĩ tử vong đang gây ra ... |
Xe khách đâm xe cứu hỏa: Không nhận được cảnh báo?
Thông tin từ phía nhà xe Hải Hà cho biết thời điểm xay ra tai nạn không thấy xe cứu hỏa hụ còi, không có ... |
Cục CSGT: \'Xe cứu hỏa được đi bất kỳ hướng nào không giới hạn tốc độ\'
Đại diện Cục CSGT cho rằng, khi gặp xe cứu hộ ở bất cứ hướng nào, các phương tiện phải chủ động nhường đường. |