Vụ nhà báo mất tích ảnh hưởng thế nào đến quan hệ Mỹ - Arab Saudi?

Quan hệ Washington - Riyadh được tăng cường nhờ tình bạn giữa Jared Kushner với Thái tử Mohammed và khó suy suyển vì vụ nhà báo mất tích. 

vu nha bao mat tich anh huong the nao den quan he my arab saudi
Jared Kushner (trái) và Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman. Ảnh: CNN.

Tổng thống Mỹ Donald Trump năm ngoái được Arab Saudi đón tiếp trọng thị khi chọn Riyadh là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình kể từ khi nhậm chức. Người đã thuyết phục Trump tới thăm Arab Saudi đầu tiên và góp phần thắt chặt quan hệ giữa tân Tổng thống Mỹ với người trị vì vương quốc này, Vua Salman bin Abdul Aziz, chính là Jared Kushner, theo Washington Post.

Để làm được điều đó, con rể Trump đã tận dụng mối quan hệ thân thiết với người kế thừa vương vị Arab Saudi, Thái tử Mohammed bin Salman, còn được gọi là MBS, người được Kushner coi như một nhà cải cách mở ra thời kỳ mới ở quốc gia dầu mỏ nổi tiếng bảo thủ này.

Nhưng tình bạn giữa Kushner, 37 tuổi, và Mohammed, 33 tuổi, cũng như quan hệ đồng minh Mỹ - Arab Saudi đang bị thử thách nghiêm trọng sau sự biến mất bí ẩn của Jamal Khashoggi, nhà báo Saudi đang sống lưu vong tại Mỹ. Nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Arab Saudi đã bắt cóc, tra tấn và sát hại Khashoggi khi ông vào lãnh sự quán Arab Saudi ở Istanbul để làm giấy tờ đăng ký kết hôn hôm 2/10.

NYTimes dẫn nguồn tin từ một quan chức giấu tên nói rằng Ankara tin rằng Khashoggi bị giết theo lệnh của "cấp cao nhất" trong hoàng gia Arab Saudi, ám chỉ Mohammed, người cầm quyền trên thực tế của vương quốc này. Tình báo Mỹ cũng chặn thu được đoạn hội thoại giữa các quan chức Arab Saudi về kế hoạch dụ Khashoggi về nước để bắt giữ và tin rằng mệnh lệnh này là do Thái tử đưa ra.

Trong lúc dư luận thế giới sôi sục với cáo buộc này và yêu cầu có biện pháp trừng phạt Arab Saudi, Kushner tuyên bố sẽ không quay lưng với Mohammed, dù bố vợ anh đe dọa sẽ "trừng phạt nghiêm khắc" nếu phát hiện Riyadh có liên quan đến cáo buộc sát hại nhà báo.

Đôi bạn quyền lực

Mohammed và Khushner kết thân với nhau từ khi Trump nhậm chức, trở thành bạn bè trong một bữa tiệc tại Nhà Trắng hồi tháng 3/2017 và liên tục có những cuộc điện đàm riêng với nhau. Những cuộc đàm thoại này khiến giới tình báo và an ninh quốc gia Mỹ ngạc nhiên xen lẫn lo ngại bởi không phải lúc nào nội dung trao đổi giữa hai người cũng được ghi lại, theo nhiều nguồn tin biết về mối quan hệ.

Một cố vấn của Trump dùng từ "điên rồ" để mô tả về tần suất trao đổi qua điện thoại giữa Kushner và Mohammed. Nội dung nhiều cuộc điện đàm được giữ kín hoàn toàn. Tuy nhiên, các quan chức Nhà Trắng khẳng định Kushner luôn tuân thủ quy tắc và luôn có quan chức an ninh quốc gia hiện diện trong những lần điện đàm với Mohammed, hoặc sau đó báo cáo lại nội dung trao đổi.

Dù vậy, giới tình báo Mỹ vẫn cảm thấy ngày càng bất an khi họ phát hiện được rằng các quan chức của ít nhất 4 quốc gia đang tìm cách liên lạc riêng để thao túng Kushner bằng cách lợi dụng các mối quan hệ làm ăn phức tạp, khó khăn tài chính cũng như sự thiếu kinh nghiệm đối ngoại của con rể Trump. Một trong 4 quốc gia đó là Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất, một đồng minh chủ chốt của Arab Saudi.

vu nha bao mat tich anh huong the nao den quan he my arab saudi
Thái tử Mohammed (trái) đứng cạnh Kushner trong chuyến thăm Mỹ năm 2017. Ảnh: Reuters.

Khi Mohammed được chỉ định làm Thái tử thừa kế vương vị của Arab Saudi, tình báo Mỹ đã đánh giá đây là một người thiếu kinh nghiệm, ngây thơ nhưng đầy tham vọng, chưa sẵn sàng để nắm giữ quyền lực lớn. Họ cũng nhận thấy điểm tương đồng ở Kushner, một "phò mã" trẻ khao khát quyền lực nhưng chưa có kinh nghiệm điều hành trong chính quyền.

"Thái tử Mahammed là một người rất thông minh, sáng dạ và có năng lực", Joseph W. Westphal, cựu đại sứ Mỹ tại Arab Saudi, nhận xét. "Cậu ấy học hỏi rất nhanh và tôi cho rằng cậu ta biết hoặc đã học được rất nhiều về hệ thống và nền chính trị của chúng ta".

Một quan chức tình báo Mỹ cấp cao nói rằng quan điểm đơn giản về cán cân quyền lực ở Trung Đông của Thái tử Mohammed đã ảnh hưởng rất lớn đến Kushner. "MSB thường xuyên nói về quan điểm rằng Iran là kẻ thù chính, là trở ngại duy nhất cho hòa bình, ổn định ở Trung Đông, và Kushner dường như tin điều đó", quan chức này nói.

Tình hình trên thực tế phức tạp hơn nhiều, nhưng Kushner có vẻ không hứng thú với việc tìm hiểu mớ bòng bong về an ninh Trung Đông và bỏ qua nhiều lần báo cáo tình báo trước những cuộc đàm phán quan trọng, quan chức trên cho hay.

Kushner đã thuyết phục bố vợ và các quan chức trong chính quyền tin rằng Mohammed là một nhà cải cách muốn phá vỡ những liên minh quyền lực cũ tha hóa trong đất nước. Năm ngoái, Kushner đã tranh luận suốt nhiều tháng trời để khẳng định rằng Mohammed là chìa khóa cho một kế hoạch hòa bình lâu dài ở Trung Đông, khi lập luận rằng phần lớn thế giới Arab sẽ đi theo lãnh đạo này, theo các nguồn tin thân cận trong chính quyền Trump.

Người chống lại quan điểm này là Rex Tillerson, lúc đó là ngoại trưởng Mỹ và đã có nhiều năm đàm phán với Arab Saudi cùng nhiều nước Arab khác trong lĩnh vực dầu mỏ. Tillerson đã kiên quyết phản đối việc Kushner thuyết phục Trump công du tới Arab Saudi đầu tiên, nhưng không thành công. "Đó là bất đồng lớn nhất giữa họ", một cố vấn giấu tên của Trump cho biết.

Tillerson cùng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và nhiều quan chức khác trong chính quyền Trump nghi ngờ về lời hứa của Mohammed rằng Arab Saudi sẽ giúp Mỹ chống lại ảnh hưởng của Iran cũng như tiêu diệt phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Nhưng Kushner và Trump lại nhìn thấy nhiều lợi ích từ mối quan hệ này, đặc biệt là khi Arab Saudi cam kết mua hàng tỷ USD vũ khí Mỹ, cũng như vị thế của quốc gia này trong khối Arab chống lại ảnh hưởng của Iran và phong trào cực đoan ở Trung Đông.

Trump năm ngoái gặp Vua Salman và 54 lãnh đạo Hồi giáo tại một hội nghị ở Riyadh để ra tuyên bố chung lên án chủ nghĩa khủng bố, sau đó tới dự lễ khánh thành một trung tâm bài trừ tư tưởng cực đoan do Arab Saudi xây dựng.

Trong khi đó, Kushner hết lời ca ngợi các động thái của Mohammed để hiện đại hóa kinh tế, xã hội Arab Saudi, trong đó có việc dỡ bỏ lệnh cấm phụ nữ lái xe và làm kinh doanh. Con rể Trump còn coi Thái tử Arab Saudi là một chuyên gia đầy ảnh hưởng về địa chính trị trong thế giới Hồi giáo và hy vọng Thái tử này sẽ ủng hộ kế hoạch hòa bình Israel – Palestine do Kushner xây dựng.

Ảnh hưởng

Giới quan sát cho rằng sức ép ngày càng tăng từ dư luận đòi Mỹ có phản ứng cứng rắn với cáo buộc Arab Saudi lên kế hoạch sát hại nhà báo Khashoggi sẽ có tác động đáng kể đến Kushner và quan hệ giữa Washington với Riyadh, nhưng khó làm thay đổi mối gắn kết này.

Nhiều người chỉ trích Kushner đã "ngây thơ đến mức nguy hiểm" khi đặt trọn niềm tin vào Mohammed và tự đẩy mình vào tình cảnh bị thao túng bởi Thái tử Arab Saudi, người đang nỗ lực củng cố quyền lực của mình.

"Tôi có cảm giác họ đã đặt cược toàn bộ vào niềm hy vọng rằng Arab Saudi có thể hỗ trợ nước Mỹ không chỉ trong đối phó với khủng bố mà còn xử lý vấn đề hòa bình ở Trung Đông", Leon Panetta, cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ, nhận định.

vu nha bao mat tich anh huong the nao den quan he my arab saudi
Trump cầm tấm ảnh giải thích với Thái tử Mohammed về các hợp đồng vũ khí Mỹ ký với Arab Saudi tại Nhà Trắng năm 2017. Ảnh: AP.

Theo Thomas Wright, chuyên gia cấp cao tại Dự án Chiến lược và Trật tự Quốc tế thuộc Viện Brookings, Kushner đã "quá khờ khạo" khi tin rằng mình có thể cùng Thái tử Mohammed vạch ra tiến trình hòa bình Trung Đông và tìm ra giải pháp bền vững cho khu vực. Trong thời kỳ cầm quyền của mình, Mohammed đã phát động cuộc chiến đẫm máu ở Yemen, ra lệnh bắt cóc thủ tướng Lebanon và buộc ông này từ chức, giam lỏng hàng chục hoàng tử, hoàng thân bị cáo buộc tham nhũng để họ phải trả tiền chuộc.

"Mohammed cho thấy rõ ràng rằng nỗ lực cải cách của mình không vươn tới lĩnh vực chính trị, khi trấn áp hàng chục nhà trí thức trong nước và bắt cóc nhiều đối thủ chính trị ở nước ngoài đưa về Arab Saudi", bình luận viên Emma Graham-Harrison của Guardian nhấn mạnh.

"Vụ mất tích của Khashoggi đặt Tổng thống Trump và chính quyền của ông vào tình thế đi trên dây và mọi người sẽ chờ xem họ hành xử ra sao", James C. Oberwetter, cựu đại sứ Mỹ tại Arab Saudi, nhận định.

Kushner đến nay vẫn từ chối bình luận về mối quan hệ với Mohammed, nhưng những người bảo vệ anh cho rằng Kushner đã có cái nhìn thực tế về quyền lực của Thái tử Arab Saudi và sẵn sàng trao đổi riêng với Mohammed về những bất đồng, nhưng khẳng định việc duy trì quan hệ gần gũi với nhà vua tương lai của vương quốc này mang lại lợi ích lâu dài.

Tổng thống Trump cũng loại trừ khả năng hủy hợp đồng bán vũ khí cho Arab Saudi sau vụ nhà báo Khashoggi mất tích, khẳng định rằng Mỹ sẽ "rất ngu xuẩn" nếu từ bỏ thương vụ mà ông cho là có trị giá tới 110 tỷ USD này, dù các chuyên gia cho rằng con số trong thực tế có thể thấp hơn nhiều.

vu nha bao mat tich anh huong the nao den quan he my arab saudi Thái tử đối đầu tổng thống - Nhà báo mất tích và cuộc đua ở Trung Đông

Vụ mất tích của nhà báo người Saudi Arabia ở Thổ Nhĩ Kỳ hé lộ căng thẳng và toan tính của 2 người đàn ông ...

vu nha bao mat tich anh huong the nao den quan he my arab saudi Vì sao phương Tây khó làm căng với Arab Saudi về vụ nhà báo mất tích?

Dù nghi ngờ Arab Saudi đứng sau vụ nhà báo mất tích, phương Tây khó gây thêm sức ép vì Riyadh là khách hàng và ...

/ VnExpress