Chính phủ cần kiên quyết từ chối, không thể chấp nhận với những đề xuất, kiến nghị của Vinatex để tránh tạo ra tiền lệ xấu.
Vô lý, không thể chấp nhận
PGS.TS Đặng Đình Đào nói thẳng những kiến nghị của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) với loạt các đề xuất tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp này là vô lý, không chấp nhận được.
Vinatex xin ưu đãi vô lý |
Những kiến nghị cụ thể được Vinatex đề xuất bao gồm: kiến nghị được lấy cổ phiếu để thế chấp cho các khoản vay ADB (khoảng 105 triệu USD, trong đó có 61 triệu USD đã giải ngân) và Bộ Tài chính là cơ quan đứng ra bảo đảm cho các khoản vay đó.
Cùng với kiến nghị trên, Vinatex lại đề nghị cho thoái toàn bộ vốn nhà nước để trở thành doanh nghiệp tư nhân đồng thời xin được hưởng hàng loạt các cơ chế ưu đãi khác.
PGS Đặng Đình Đào nhấn mạnh, những kiến nghị trên là không phù hợp, đi ngược với cơ chế thị trường.
"Khi đã đi theo cơ chế thị trường, doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm, tự hạch toán kinh doanh đối với các khoản chi phí của doanh nghiệp. Không thể chỉ đứng trông chờ vào sự bảo trợ của nhà nước được", vị PGS chỉ rõ.
Nói kỹ hơn về kiến nghị xin lấy cổ phiếu như một loại tài sản bảo đảm để thế chấp cho các khoản vay của Vinatex, PGS Đào không giấu nổi băn khoăn:
"Việc này không khác gì câu chuyện nhà nước đứng ra bảo lãnh cho các khoản vay của Vinashin vào những năm 90-92. Như vậy, khi hoạt động thua lỗ liệu nhà nước có phải đứng ra chịu trách nhiệm? Ngân sách liệu có phải gánh thêm những khoản nợ nghìn tỷ như Vinashin trước đây?. Việc này không khác gì Vinatex đang đẩy rủi ro cho nhà nước gánh".
Đồng quan điểm với nhận định trên, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi (ĐH Nông - Lâm TP.HCM) cũng cho rằng, đề xuất của Vinatex là quá rủi ro.
"Giá trị cổ phiếu không ổn định, nếu doanh nghiệp gặp vấn đề thì khả năng giá cổ phiếu giảm tận đáy, lúc đó giải quyết như thế nào? Bộ Tài chính phải gánh chịu, nhưng Bộ Tài chính lấy gì để gánh, lại rồi ngân sách thôi", PGS Nguyễn Văn Ngãi nói.
Làm sao để không thất thoát tài sản nhà nước?
Nói thêm về kiến nghị xin được thoái toàn bộ vốn nhà nước để trở thành doanh nghiệp tư nhân của Vinatex, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi cho rằng đề nghị thoái vốn nhà nước là tích cực, cố gắng chủ động, thích nghi với cơ chế thị trường. Tuy nhiên, ông nói thẳng, nếu muốn trở thành doanh nghiệp tư nhân Vinatex phải chấp nhận từ bỏ những ưu đãi. Còn muốn cả 2 thì không thể.
"Theo tôi nên cho thoái vốn nhưng chấm dứt ưu đãi. Nếu vừa cho thoái vốn, vừa được ưu đãi thì tạo ra môi trường cạnh tranh không bình đẳng, nhiều doanh nghiệp khác thấy vậy lại chạy theo", vị chuyên gia lo ngại.
Còn PGS.TS Đặng Đình Đào thì lo ngại câu chuyện quản lý tài sản nhà nước.
Ông giải thích, khi thực hiện cổ phần hóa DNNN phải có phương án, kế hoạch cổ phần cụ thể, tránh tình trạng lợi dụng cổ phần hóa để biến DNNN thành doanh nghiệp tư nhân, tài sản nhà nước thành tài sản cá nhân của một số ít người.
Ông nhấn mạnh, cổ phần hóa không thể là bán rẻ, bán tháo tài sản nhà nước, không để quyền lợi nhà nước bị xâm phạm. Trong bối cảnh mà dư luận xã hội đang bức xúc việc định giá tài sản DNNN, PGS Đặng Đình Đào cho rằng, nguyên tắc là phải tính đúng, tính đủ tài sản hữu hình, vô hình vào giá trị doanh nghiệp, như việc tìm cách tính thương hiệu, lợi thế thương mại, phát minh sáng chế, cải tiến kỹ thuật, định giá đất đai,… tất cả phải rất minh bạch, công khai.
"Bài học cổ phần hóa tại các nước Đông Âu và ngay cả Việt Nam đã có rồi. Không thể để cổ phần hóa thành cơ hội tẩu tán tài sản của nhà nước", vị PGS bức xúc.
Chốt lại, PGS.TS Đặng Đình Đào cho rằng, Chính phủ cần kiên quyết từ chối, không thể chấp nhận với những đề xuất, kiến nghị của Vinatex để tránh tạo ra tiền lệ xấu.
"Tôi thấy rất lạ, đây là những đề xuất rất không bình thường. Tôi băn khoăn, Vinatex đang nuôi tham vọng gì khi đề xuất vừa được hoạt động như doanh nghiệp tư nhân nhưng lại vừa muốn được hưởng những cơ chế bao cấp của nhà nước?. Kiến nghị trên là vô lý, không thể chấp nhận được", PGS Đào nhắc lại.
Vị chuyên gia cũng cho biết, chủ trương thực hiện cổ phần hóa DNNN cũng là đòi hỏi doanh nghiệp phải không ngừng cải tiến để giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh.
Tuy nhiên, với những kiến nghị, đề xuất của Vinatex thì đang cho thấy họ đã đi ngược với mục tiêu cổ phần hóa mà Chính phủ đã đề ra.