Vì sao người Nhật cúi đầu chào khi qua Việt Nam bán xăng

Tôi bắt taxi ở Nhật và rất ngạc nhiên vì tài xế cứ khom người chào nhưng lại không mở cửa cho tôi lên xe.

Người Nhật đã đến Việt Nam bán xăng dầu. Sự việc này gây ra nhiều tranh cãi trong cộng đồng.

Tôi nghĩ sự tử tế và văn hoá kinh doanh của họ sẽ đóng góp một phần tích cực vào văn hoá kinh doanh ở Việt Nam. Tôi có vài trải nghiệm với văn hóa ứng xử Nhật và không thể nào quên được sự tử tế, cùng tính lịch lãm của họ.

Khoảng mười năm trước, tôi sang dự hội nghị quốc tế ở Osaka, và có một kinh nghiệm đẹp với tài xế taxi ở đây. Chuyến bay đáp xuống phi trường ngoài biển lúc hơn 11h đêm. Tôi thích đi xe điện, nên quyết chí đi xe điện của Nhật để trải nghiệm và so sánh với xe điện bên Úc.

Xe điện của Nhật thật là không chê được. Từ khâu mua vé đơn giản đến vị trí lên tàu điện chính xác ngay chỗ tôi đứng, đã làm tôi ngạc nhiên thích thú. Lên xe, ghế vừa tiện nghi vừa sạch sẽ, khiến chuyến đi về trung tâm thành phố hết sức thoải mái.

Tàu điện chạy ngang qua những tòa nhà đèn điện còn sáng trưng, và nhìn kỹ thì thấy vẫn có người làm việc lúc đó (tức gần nửa đêm). Sau này, tôi mới biết người Nhật làm việc quá giờ hành chính là bình thường. Họ làm xong việc chứ không hẳn là xong giờ.

Xuống ga, tôi nói tên khách sạn với một anh tài xế taxi bằng tiếng Anh. Anh tài xế taxi tay đeo găng tay trắng, khom lưng một cái, trả lời bằng một tràng tiếng Nhật, rồi đưa tay chỉ trỏ vài con đường gần đó.

Tôi chẳng hiểu gì anh ta nói gì, nhưng ngạc nhiên vì anh ta không mở cửa taxi cho tôi vào. Tôi nói lại là muốn đi taxi, nhưng lần này thì nói chậm hơn, và chìa ra cái tên khách sạn cho anh ta thấy. Anh ta cười rồi nói một tràng tiếng Nhật, nhưng vẫn không chịu mở cửa xe.

Tuy nhiên, nhìn thái độ thì anh ta không có vẻ gì kém thân thiện, mà rất muốn giúp tôi. Lần này tôi viết tên khách sạn và cho anh ta xem bản đồ, anh ta chỉ vào đồng hồ xe rồi nói một tràng tiếng Nhật. Nhưng lần này anh ta mở cửa xe cho tôi vào.

Hóa ra, khách sạn nằm gần chỗ ga xe điện, nên khi xe chạy thì cái đồng hồ nó tự động tính tiền km đầu tiên, và anh ta không muốn tôi tốn tiền vô lý vì có thể đi bộ về khách sạn. Nhưng vì bất đồng ngôn ngữ nên anh không còn cách nào khác là cho tôi chi tiền. Đó là một sự tử tế vậy.

Lần thứ hai, là câu chuyện xử lý truyền thông về "sự cố" sữa hết hạn. Lúc đó tôi đi công tác ở Nagoya.

Đi đường đâu cũng thấy có người đứng ở ga xe điện, trạm xe buýt, và một số ngã tư khom lưng như hối lỗi. Có người phát tờ rơi bằng tiếng Nhật và tiếng Anh thì tôi mới biết câu chuyện.

Hóa ra, một công ty địa phương bán sữa nhưng chẳng may có một số sữa hết hạn khiến vài người bị tiêu chảy. Thế là công ty biến cuộc xin lỗi thành một chiến dịch củng cố thương hiệu. Họ mướn người đứng ở những nơi đông đúc để xin lỗi. Chẳng những thế, họ còn gọi điện thoại xin lỗi từng khách hàng hay gửi lời xin lỗi qua tivi, đài truyền thanh. Quả là một chiến dịch hết sức ấn tượng.

Dĩ nhiên, tính "lớn" của người Nhật không chỉ qua hai trải nghiệm trên. Trong những biến cố lớn như thiên tai vừa qua, chúng ta càng chứng kiến người Nhật quả thật hơn hẳn các sắc tộc khác, kể cả các sắc tộc có thời tự hào là thượng đẳng thế giới.

Hình ảnh một em bé đứng xếp hàng để nhận quà cứu trợ làm cả thế giới thán phục tinh thần kỷ luật của người Nhật. Càng thán phục hơn ở năng lực phục hồi các cơ sở vật chất sau trận động đất lịch sử. Những xa lộ bị nứt và đứt lìa được khôi phục nhanh chóng sau đó, những tòa nhà tan hoang được xây dựng lại, hàng đống rác xe và máy bay được dọn dẹp chỉn chu rất nhanh sau thiên tai.

Trong kinh doanh, tôi thấy hình như người Nhật có một "văn hóa" riêng. Tôi chỉ nói qua kinh nghiệm là khách hàng của các khách sạn Nhật thôi, chứ chẳng nói chuyện xa vời. Khi đi công tác ở nước ngoài, tôi hay chọn khách sạn Nhật, một phần vì là hội viên, một phần là thích sự tinh tế của họ.

Sự tinh tế có thể thấy từ cách thiết kế phòng, đến từng chi tiết nhỏ về ổ điện bên cạnh giường ngủ, đóa hoa trên gối, đèn đủ sáng ấm, bàn làm việc, đến khăn tắm và khăn mặt... Tất cả đều làm cho người khách cảm thấy như được chào đón và chăm sóc chu đáo.

Trong khách sạn, hình như tất cả các nhân viên và người phục vụ đều được huấn luyện rằng họ phải xem khách như là khách của chính nhà họ. Nếu gặp bất cứ nhân viên nào dù họ đang làm việc gì đó, họ vẫn nở nụ cười và gật đầu chào bạn. Những cử chỉ và hành vi này làm cho khách thấy mình thuộc về "gia đình" hơn là đang ở khách sạn.

Khi khách có nhu cầu dùng bàn ủi, chỉ cần một phút là có ngay. Điều này rất khác với khách sạn Việt Nam, có nơi không có, hay có nhưng phải tính tiền. Còn thức ăn thì khó có thể chê được: dù nguyên liệu là của Việt Nam, nhưng qua trình bày và chế biến dưới sự hướng dẫn của họ thì trở thành tuyệt phẩm.

Chỉ món thị ba rọi muối đơn giản thôi mà họ cũng biến thành một món ngon lạ, mà tôi chưa thấy khách sạn Âu Mỹ nào làm ngon như khách sạn Nhật.

Sau mỗi lần lưu trú sẽ có một thư điện tử được gửi đến để hỏi về trải nghiệm của khách ở đây.

Họ hỏi chi tiết từ khâu tiếp tân, tiện nghi và sự sạch sẽ của phòng ngủ, thức ăn, cung cách phục vụ, khâu tiễn khách... Rõ ràng họ không chỉ chăm sóc khách hàng lúc dùng dịch vụ của họ, mà còn quan tâm đến khách hàng sau khi đã dùng dịch vụ. Hỏi làm sao khách hàng không lưu luyến được.

Những ai từng đi ăn uống ở nhà hàng Nhật cũng đều nhận thấy bên cạnh văn hóa ẩm thực độc đáo là một văn hóa kinh doanh thuộc vào hàng độc nhất vô nhị. Khách mới vào nhà hàng là một dàn nhân viên và tiếp viên đã khom lưng chào "iratsaimase" (chào mừng quý khách). Khi bước ra khỏi nhà hàng là lại được chào "arigatogo-zaimashita" (cảm ơn quý khách).

Thoạt đầu, tôi tưởng chỉ ở Nhật người ta mới có cách tiếp và tiễn khách như thế, nhưng hóa ra ngay tại bất cứ nhà hàng nào ở Việt Nam hay bất cứ nơi nào trên thế giới, người Nhật đều có văn hóa như thế.

Bởi vậy, tôi nghĩ khi người Nhật kinh doanh xăng dầu ở Việt Nam thì đó là một tin mừng. Người dân đã bị chi phối bởi những kiểu kinh doanh thiếu lành mạnh, và họ thấy sự xuất hiện của người Nhật như là một lựa chọn lành mạnh.

Tôi nghĩ đa số chúng ta không đòi hỏi một cái cúi đầu hay khom lưng (vốn chỉ là một cách chào của người Nhật) trong kinh doanh, nhưng chúng ta mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam học sự sự tử tế trong kinh doanh và thái độ tôn trọng khách hàng của người Nhật.

Nhật tuyên bố mở thêm hàng loạt trạm xăng mới, dân tình nháo nhào

Lãnh đạo IQ8 cho biết sau khi mở cây xăng đầu tiên tại Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long, hãng này sẽ tiếp tục mở ...

Cây xăng treo băng rôn \'ủng hộ hàng Việt\' và văn hóa kinh doanh

Dư âm vụ dán khẩu hiệu trên taxi truyền thống chưa tan thì việc treo băng rôn trạm xăng lúc này khác nào đụng vào ...

Tôi ao ước cây xăng Nhật \'chính xác đến 0,01 lít\' ở ngay cạnh nhà mình

\'Tôi ở TP HCM nhưng sẽ ra Hà Nội đổ xăng"- một độc giả tuyên bố.

https://vnexpress.net/tin-tuc/cong-dong/y-kien-cua-toi/vi-sao-nguoi-nhat-cui-dau-chao-khi-qua-viet-nam-ban-xang-3656383.html

/ Nguyễn Tuấn/Vnexpress.net