Uống sữa từ thiện ngộ độc: Sự cố là khó tránh khỏi?!

Những sự cố như vừa qua xảy ra chỉ là một rủi ro, một sự cố không mong muốn và doanh nghiệp nào làm từ thiện cũng đều có nguyên do.

Lợi ích cho thương hiệu, mở rộng thị trường

Ngày 27/10, gần 500 em học sinh tiểu học tại Hậu Giang sau khi uống sữa Milo miễn phí thuộc chương trình Giáo dục dinh dưỡng học đường, do Công ty trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ quảng cáo MC thực hiện đã có biểu hiện bị ngộ độc thực phẩm được đưa vào Trung tâm Y tế thị xã cấp cứu.

Kết quả xét nghiệm cho thấy, sữa Milo chưa pha và sữa đặc đều đạt các tiêu chuẩn cho phép; tuy nhiên, khi Cty quảng cáo M.C pha chế 2 loại sữa này với nhau đã nảy sinh vấn đề, gây ngộ độc cho các em học sinh.

Về phía đại diện công ty Nestlé Việt Nam cũng đã lên tiếng xin lỗi về vụ việc trên. Là một chuyên gia trong lĩnh vực thực phẩm, chia sẻ với Đất Việt, ông Trần Quang Trung - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam cho biết: "Đã có kết luận các mẫu thử nghiệm sữa nguyên đai, nguyên hộp chất lượng không có vấn đề gì, qua quá trình điều tra ngộ độc thực phẩm thì phát hiện khâu chế biến của công ty M.C không đảm bảo.

Việc mất vệ sinh có thể từ nguồn nước, dụng cụ, phòng ốc không sạch sẽ...mà những kết luận trên đều dựa vào kết quả điều tra chất nôn, nên không có chuyện không chính xác.

Theo tôi biết có gần 500 học sinh uống sữa mà chỉ có gần 40 cháu bị nặng hơn nằm viện một thời gian ngắn rồi được cho về, bị nhiễm khuẩn, nguyên nhân có thể do dụng cụ không bảo đảm".

uong sua tu thien ngo doc su co la kho tranh khoi
Hàng loạt học sinh bị ngộ độc sữa

Cũng theo ông Trung, đây là chương trình của công ty Nestlé Việt Nam hợp tác với Bộ GD-ĐT dưới dạng hỗ trợ sức khỏe thể thao phù đổng, đã thực hiện nhiều năm nay, không phải tổ chức một lần, một địa điểm, mà rất nhiều tỉnh, thành phố.

Cho nên, sự cố lần này cũng chỉ là một rủi ro, sự cố không mong muốn, ngay tại tỉnh Hậu Giang họ cũng làm chương trình này ở rất nhiều trường, chỉ là lần này nhóm nhân viên pha chế không đảm bảo nên dẫn đến chuyện không hay.

Cũng cần chỉ cụ thể, đây là chương trình từ thiện, công ty Nestlé Việt Nam cung cấp sữa, ủy quyền cho công ty M.C đi phát hộ tại các trường.

Tất nhiên làm từ thiện thì họ cũng phải có được những lợi ích cho thương hiệu sản phẩm của mình, doanh nghiệp nào làm cũng là PR, nhưng trách nhiệm cần suy xét cụ thể, chính xác", ông Trung nói rõ.

Bên cạnh đó, theo ông Trung, trên thế giới cũng nhiều nước đã làm theo hình thức này, nhưng hình thức triển khai lại tùy từng quốc gia. Nhưng sau sự cố này không biết công ty trên có xem xét, chấn chỉnh, tổ chức tiếp hay không, đó là việc của công ty và địa phương.

"Đi về vùng sâu vùng xa nhìn thấy nhiều đứa bé không có sữa uống vì gia đình không mua được, còn ở thành phố thì mua sữa về đắp mặt, rửa mặt, con thì chê bai, sữa ngoại sữa nội. Tôi đã từng đi phát sữa cho các em miền núi Quảng Ngãi, cậu bé 15 tuổi bảo rằng lần đầu tiên con được uống sữa này, thực sự quá đau xót.

Nên theo tôi chúng ta không nên cấm việc từ thiện sữa, chỉ là làm sao cho đảm bảo an toàn, để cho các em được hưởng thụ những cốc sữa ngon, bổ dưỡng và sạch sẽ.

Còn chúng ta không phủ nhận việc họ đưa sữa đến các tỉnh, thành phố vùng sâu vùng xa khác nhau cũng có lý do của họ là mở rộng thị trường, hơn nữa trẻ em ở những vùng này mới có nhu cầu thực sự, còn trẻ thành phố như Hà Nội có cho trẻ cũng không uống", ông Trung chỉ rõ.

Có được Bộ Y tế cấp phép hay không?

Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, GS.TSKH Phạm Gia Khải - Nguyên Viện trưởng Viện tim mạch Việt Nam, Chủ tịch hội tim mạch Việt Nam cũng cho biết, đây là những sai sót không chấp nhận được, với lại, thành phần chất trong sữa cũng vô cùng quan trọng.

"Tôi chỉ được phản ánh là sữa của hãng Nestlé bị phê phán vì lượng đường nhiều quá khiến người ra béo ra, lúc đói thì không sao, nhưng đủ ăn rồi thì nhiều lipid lại không tốt.

Và đã là một doanh nghiệp đi làm từ thiện thì không bao giờ có chuyện đi làm đơn thuần, họ luôn có mục đích cụ thể, đặc biệt là quảng cáo thương hiệu.

Và với các chương trình này Bộ Y tế mà cho phép thực hiện, thì trách nhiệm thuộc về đơn vị cấp phép triển khai, chứ không còn của riêng công ty phát sữa", ông Khải khẳng định.

Cũng theo vị chuyên gia trên, việc bắt tay giữa doanh nghiệp và địa phương, phối hợp tổ chức các chương trình trên là có, nhưng không ai chứng minh được, vì không có bằng chứng.

Sau sự cố trên tất cả các hoạt động từ thiện liên quan đến đồ ăn, vệ sinh an toàn thực phẩm, đều phải được sự kiểm định chất lượng của Bộ Y tế, có nhân viên giám định chất lượng đi cùng, còn không được cho phép thì các địa phương phải từ chối.

Lời xin lỗi vẫn chưa đủ

Cũng theo ông Khải, về vấn đề xử lý một lời xin lỗi là chưa đủ, lời nói phải đi kèm hành động, làm rõ thành phần sữa bao gồm các chất nào, được Bộ Y tế cho phép mới được triển khai, đừng biến học sinh thành vật thí nghiệm.

Còn theo ông Trần Quang Trung, UBND địa phương cần xử lý trách nhiệm với công ty quảng cáo M.C, những học sinh nằm viện thì công ty phải bồi hoàn thiệt hại, cũng như các chi phí khác của vụ ngộ độc này.

Về nguyên tắc Luật ai làm người ấy chịu trách nhiệm, còn công ty Nestlé Việt Nam nên đến từng gia đình xin lỗi.

uong sua tu thien ngo doc su co la kho tranh khoi Uống sữa từ thiện, trẻ ngộ độc: Đừng nghĩ là bố thí...

Các cơ quan nào tuyên truyền phải rất cảnh giác với động cơ làm từ thiện, tránh để lại hậu họa và tôn trọng người ...

uong sua tu thien ngo doc su co la kho tranh khoi Chất lượng sữa học đường bị thả lỏng?

Hàng trăm học sinh tại tỉnh Hậu Giang ngộ độc sau khi uống sữa pha sẵn phát cho trường học. Câu chuyện chất lượng sữa ...

http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/uong-sua-tu-thien-ngo-doc-su-co-la-kho-tranh-khoi-3346798/

/ Châu An / Báo Đất Việt