Rất nhiều bậc cha mẹ luôn muốn những điều tốt đẹp cho con nên nghĩ những chuyện mình áp đặt cho con là đúng, phù hợp mà không lắng nghe những điều con nói.
Hãy để cho trẻ khám phá, tìm hiểu xung quanh để biết được bản thân sẽ thích gì và phù hợp với khả năng, sở trường của mình - Lê Thanh
Lê Ánh Dương, học sinh lớp 5, Trường tiểu học Hồng Hà, Q.Bình Thạnh (TP.HCM), chia sẻ: “Ngoài học chính khóa ở trường, con chỉ thích học thêm các môn nhảy, múa chứ không thích học ca hát vì giọng con hát không hay nhưng mẹ con nói ngoài việc học nhảy, múa con phải học thêm thanh nhạc. Nhiều lần con nói với mẹ là con không có khả năng làm ca sĩ nhưng mẹ con phớt lờ, tự tìm các lớp dạy thanh nhạc cho con đi học. Con đi học nhưng thật lòng chẳng thấy vui và hứng thú gì cả. Ước gì mẹ lắng nghe những gì con nói”.
Tương tự, Nguyễn Thị Hiền, sinh viên năm 2, Trường CĐ Kinh tế đối ngoai, kể: “Hồi nhỏ mình ước mơ sau này trở thành cô giáo nhưng khi học xong lớp 12, ba mẹ không cho mình thi vào ngành sư phạm. Ba mẹ nói, mình hãy chọn trường nào có ngành kinh tế mà học mới có tương lai chứ làm cô giáo lương ba cọc, ba đồng làm sao cuộc sống khấm khá nổi. Giờ theo học ngành kinh tế nhưng thú thật mình không có khả năng bươn chải và nhạy bén với thị trường không biết sau này cuộc sống có tốt như kỳ vọng của ba mẹ không nữa”.
|
Theo thầy Lê Văn Sâm, giáo viên Trường tiểu học Chu Văn An, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, giai đoạn trẻ ở độ tuổi từ 12 đến 18 cực kỳ nhạy cảm và có nhiều khoảng cách giữa ba mẹ nhất. “Ở độ tuổi này, con bạn có những suy nghĩ, quan điểm, lập trường và mong muốn riêng nên đôi khi cha mẹ phải cho chúng khoảng trống để chúng thoải mái lựa chọn, trải nghiệm và chịu trách nhiệm với những lựa chọn của mình. Và đó chính là con đường để con bạn có thể trưởng thành và tự lập tốt hơn trong tương lai”, thầy Sâm nói.
Thầy Sâm, khuyên: “Cha mẹ nên định hướng và khơi dậy những sở thích, tiềm năng để con có thể phát triển năng khiếu của mình; có thể thường xuyên quan tâm đến con nhưng phải để cho con tự làm, tự trải nghiệm. Nên tạo điều kiện để con biết cách tự giải quyết vấn đề và chỉ giúp đỡ cho con trong trường hợp thật cần thiết khi việc đó con không thể thực hiện được”.
Theo tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hữu Long, Phó giám đốc Phân viện miền Nam (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam), cha mẹ chỉ nên đóng vai trò là người đồng hành, hỗ trợ con trong việc xây dựng thái độ sống tích cực để khám phá phát triển bản thân chứ không nên quyết định thay ước mơ của con. “Tôi đã thấy có nhiều ông bố bà mẹ rất khó khăn trong việc lắng nghe, chia sẻ tâm tư, tình cảm và những vấn đề trong cuộc sống, học đường của con cái. Mỗi người có những mục tiêu khác nhau và cha mẹ nào cũng mong muốn mình thành công, bay cao, bay xa. Chúng ta có quyền ước mơ về con mình nhưng cũng đừng xa rời thực tế. Nói chung những mong muốn của cha mẹ phải phù hợp với sở trường, khả năng của con mình”, ông Long, nói.
Giáo sư đại học chỉ ra 10 từ giúp trẻ thành đạt còn hơn cả IQ
Chênh lệch khoảng cách giữa trẻ em thường không phải là IQ mà là 5 cụm từ: kiềm chế, hiệu quả, đọc sách, nghiêm túc ... |
Cha mẹ lười khó có con thành tài
Suốt hai tháng kiên trì kể chuyện cho con, ông bố kỹ sư gốc Trung Quốc mãn nguyện khi con anh được mời làm dịch ... |