Từ vụ Khaisilk: Cần có chiến lược “giải cứu” hàng Việt

Một thực tế cay đắng rút ra từ vụ bê bối của thương hiệu lụa Khaisilk là hàng Việt đang ngày càng sa sút, yếu kém trên sân nhà, ngay cả ở những mặt hàng truyền thống, có ưu thế như ươm tơ, dệt lụa.

Cửa hàng mang thương hiệu Khaisilk tại 113 Hàng Gai (Hà Nội). Ảnh: CA

Vụ bê bối dùng thương hiệu Việt để bán hàng Trung Quốc, đương nhiên lỗi thuộc về doanh nghiệp. Nhưng nhìn sâu hơn, chúng ta thấy rằng, nguyên nhân không kém phần quan trọng xuất phát từ sự yếu kém của ngành dệt lụa truyền thống.

Nếu hàng tơ lụa Việt luôn dồi dào, chất lượng tốt, giá cả phù hợp, thì doanh nghiệp dại gì mà không sử dụng? Từ những bất cập của nghề ươm tơ, dệt lụa truyền thống mà ngay cả giới chuyên môn cũng thừa nhận, doanh nghiệp đã sử dụng hàng Trung Quốc trà trộn vào, để kiếm lợi nhuận lớn.

Nghề ươm tơ, dệt lụa có truyền thống từ hàng trăm năm qua, phát triển ở nhiều vùng quê Việt Nam. Lụa tơ tằm Việt Nam cũng nổi tiếng về mẫu mã, sự tinh tế, chất lượng và còn mang bản sắc văn hóa dân tộc. Đây là nghề chúng ta có nhiều ưu thế về đất đai, nhân lực, kinh nghiệm, thị trường…

Nhưng một thực tế là nghề này đang ngày càng sa sút, hoặc phát triển không được như kỳ vọng, và không thể cạnh tranh được với tơ tằm Trung Quốc. Người trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa có thu nhập không cao, sản lượng thấp, không đáp ứng nhu cầu, thị hiếu thị trường, nhất là thị trường quốc tế.

Đây là một nghịch lý cần có sự nghiên cứu sâu sắc, từ đó rút ra những mặt mạnh, mặt yếu, bài học kinh nghiệm và giải pháp tháo gỡ một cách căn cơ; để không còn tái diễn một “Khaisilk” thứ hai.

Không chỉ tơ tằm, mà các lĩnh vực khác như lúa gạo, nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ… của chúng ta đều có xu hướng chững lại, chậm phát triển và kém sức cạnh tranh, không chỉ với nước lớn Trung Quốc, mà còn thua cả Campuchia, Thái Lan…

Nhìn ra thị trường, hàng Trung Quốc, Thái Lan tràn ngập ở phân khúc bình dân và hạng trung, còn ở phân khúc cao cấp, thì đó là sân chơi riêng của các thương hiệu ngoại nhập. Chỉ riêng về lĩnh vực sản xuất phương tiện giao thông, thì từ xe đạp, xe đạp điện, xe máy, cho đến ô tô, thương hiệu Việt đều không có trong suy nghĩ người Việt.

Những sản phẩm mà người nông dân tạo ra, với sản lượng lớn như lúa gạo, rau củ quả, gia súc, gia cầm, thủy sản…thì luôn bấp bênh, rủi ro về giá cả, đầu ra...

Những thực tế nói trên, đã được cảnh báo từ lâu, nhưng chúng ta chưa tìm ra được chiến lược tháo gỡ. Để “giải cứu” hàng Việt, không chỉ là phê phán, xử lý những doanh nghiệp như Khaisilk, mà điều quan trọng là tạo ra sức sống, sức cạnh tranh mạnh mẽ cho hàng Việt, trên thị trường trong nước và quốc tế.

Nếu không, xử lý chưa xong Khaisilk, lại có "Khaisilk" khác.

Lụa và Khaisilk

Herve Joncour là một thương gia nổi tiếng và giàu có trong ngành tơ lụa nước Pháp.

Khăn lụa Khaisilk có nguồn gốc Trung Quốc do nhân viên tự nhập?

Kết quả kiểm tra của Quản lý thị trường Hà Nội ghi nhận việc cửa hàng Khaisilk 113 Hàng Gai bán khăn lụa Trung Quốc ...

http://laodong.vn/dien-dan/tu-vu-khaisilk-can-co-chien-luoc-giai-cuu-hang-viet-572900.ldo

/ Quang Đại/Báo Lao động