Trò lừa đảo "Hoàng tử Nigeria"

Đánh trúng tâm lý “đâm lao phải theo lao”, kẻ xấu dụ dỗ nạn nhân gửi tiền hết lần này tới lần khác và ngày càng nhiều. 

Trong thời đại công nghệ, những trò lừa đảo qua mạng Internet ngày càng trở nên phổ biến. Một trong những mánh khóe lâu đời nhất nhưng vẫn rất hiệu quả có lẽ là chiêu lừa "Hoàng tử Nigeria" (Nigerian Prince scam).

Theo Scamwatch, kịch bản lừa thường đơn giản. Kẻ xấu đột nhiên liên hệ với nạn nhân qua email và tự nhận là hoàng tử Nigeria bị phế truất và sống lưu vong. Nội dung thư là câu chuyện buồn và cảm động, cho biết tác giả bức thư đang sở hữu lượng tiền khổng lồ, nhưng do nhiều lý do như đảo chính hoặc quy định thuế mà số tài sản ấy bị kẹt trong nước.

Người gửi thư muốn nạn nhân ứng trước một khoản phí rút tiền nhỏ để giúp họ mang tiền ra ngoài Nigeria. Đổi lại, nạn nhân được hứa thưởng tiền công hậu hĩnh. Đi kèm thư là nhiều giấy tờ để thuyết phục câu chuyện là có thật.

Sau lần chuyển khoản đầu tiên, nạn nhân sẽ được yêu cầu gửi thêm tiền để khắc phục những sự cố "ngẫu nhiên" phát sinh trong quá trình chuyển tiền. Trò lừa đảo cứ tiếp diễn như vậy cho tới khi kẻ xấu chuyển sang con mồi khác. Tất nhiên nạn nhân không bao giờ nhận được phần thưởng như hứa hẹn.

Trò lừa đảo như trên được gọi là "trò lừa Nigerian 419" vì làn sóng lừa đảo đầu tiên xuất phát từ Nigeria – một quốc gia ở châu Phi, còn 419 là điều khoản của Bộ luật Hình sự Nigeria nghiêm cấm hành vi lừa đảo dạng này. Tuy vậy, chiêu lừa đảo này hiện có thể xuất phát từ mọi nơi trên thế giới.

Tưởng chừng rất dễ bị phát hiện, những kẻ xấu đằng sau chiêu lừa Nigerian đã nghĩ ra nhiều phương pháp để thuyết phục nạn nhân tự đưa tiền. Chẳng hạn, chúng mạo danh nhiều người nổi tiếng ở ngoài đời thật, tạo ra nhiều trang web giống thật có tên miền nước ngoài, cung cấp địa chỉ, số fax và số điện thoại giả để dựng nên lớp vỏ ngoài hào nhoáng nhằm chiếm được lòng tin của nạn nhân.

Trong quá trình trao đổi thư từ, kẻ xấu trước tiên yêu cầu nạn nhân đưa thông tin tài khoản ngân hàng. Đây chỉ là phép thử để đánh giá mức độ dễ lừa của nạn nhân vì người thận trọng sẽ không bao giờ gửi thông tin cá nhân cho người lạ mặt.

Kể cả khi có số tài khoản của nạn nhân trong tay, để tạo dựng niềm tin, kẻ xấu không động tới tài khoản ấy. Một thời gian sau khi phi vụ lừa đảo thành công, khi túi tiền nạn nhân đã phần nào hồi phục, chúng gom bán thông tin cho các băng nhóm tội phạm khác chuyên tấn công tài khoản ngân hàng.

Nạn nhân còn được yêu cầu gửi tiền thông qua phương thức điện chuyển khoản ngân hàng (wire transfer) với các dịch vụ như Western Union và MoneyGram. Kẻ xấu nói rằng phương thức chuyển tiền này có tốc độ nhanh, giúp tiền thưởng sớm tới tay nạn nhân. Nhưng thực tế, chúng chọn phương thức này là vì lệnh điện chuyển khoản ngân hàng không thể bị đảo ngược và ẩn danh, giúp che giấu thân phận.

Ngoài ra, kẻ xấu còn đánh vào tâm lý "đâm lao phải theo lao" của nhiều người. Chúng thường viện hết lý do này tới lý do khác để tạo ra ảo tưởng chỉ cần "một lần chuyển khoản nữa thôi" là tiền sẽ tới tay nạn nhân. Cho rằng đã "đầu tư" quá nhiều vào đây, nạn nhân sẽ tiếp tục chi trả cho tới khi quá muộn.

Hậu quả của chiêu lừa này không chỉ dừng lại ở mặt kinh tế. Nhiều người rơi vào tình cảnh hạnh phúc gia đình tan vỡ, bị bạn bè và người thân xa cách vì chót vay tiền đưa cho kẻ xấu. Người già đặc biệt dễ trở thành nạn nhân.

Theo Latimes, một kẻ lừa đảo khai thường gửi đi 500 email một ngày và nhận hồi âm của chừng 7 người. Chúng cho biết một khi có hồi âm tức là khả năng nạn nhân sẽ gửi tiền lên tới 70%.

Đại đa số các nạn nhân không thể lấy lại số tiền đã bỏ ra. Chỉ một số rất ít trường hợp như của Fredrick Haines - cư dân thành phố Wichita, bang Kansas (Mỹ) - may mắn được nhận lại một phần.

Theo Kansas City, từ 2005 đến 2008, kẻ xấu đã lừa Fredrick Haines khiến ông mất tổng cộng 110.000 USD sau 3 lần đem nhà riêng ra thế chấp. Fredrick Haines có lúc đã sinh nghi và có ý định từ bỏ, nhưng chính tâm lý đâm lao phải theo lao đã khiến ông tiếp tục. Để lừa Fredrick Haines, kẻ xấu đã mạo danh tổng thống Nigeria và giám đốc FBI trong email, với đầy đủ con dấu, địa chỉ của tổ chức. Trong lá thư cuối cùng, chúng còn chỉ đạo ông tới sân bay chờ hoàng tử Nigeria cùng số tiền 65 triệu USD. Nhưng điều này sẽ không bao giờ xuất hiện.

tro lua dao hoang tu nigeria
Kẻ xấu mạo danh Robert Mueller - nguyên giám đốc FBI để lừa Fredrick Haines.

Năm 2017, Bộ Tư pháp Mỹ khởi kiện tập đoàn Western Union vì đã không ngăn chặn tội phạm xảy ra, trong khi công ty này biết rõ một số nhân viên của mình cấu kết với tội phạm. Sau hòa giải, Western Union lập ra quỹ tiền với giá trị 586 triệu USD để bồi thường cho nạn nhân của chiêu lừa Nigerian tại Mỹ và Canada. Biết tin, Fredrick Haines gửi yêu cầu bồi thường tới văn phòng công tố và được nhận lại toàn bộ số tiền đã mất.

Chiêu lừa đảo này còn có nhiều phiên bản khác như lừa đảo bằng lời mời làm việc, trúng số độc đắc, mua bán hàng qua mạng,... Về bản chất, chúng đều đánh vào lòng tham, cố dụ dỗ gửi trước khoản tiền nhỏ để đạt được lợi ích lớn hơn.

tro lua dao hoang tu nigeria Người dân "tố" bị lừa khi mua đầu thu truyền hình

Nghi doanh nghiệp bán đầu thu truyền hình số kém chất lượng, người dân tìm cách liên lạc với công ty nhưng không được. Khi ...

tro lua dao hoang tu nigeria Một tháng gọi điện thoại hù doạ, lừa hơn 3 tỷ đồng

5 người mắc bẫy nhóm thanh niên mạo danh công an, cán bộ viễn thông và nộp cho chúng 3,3 tỷ đồng.

/ VnExpress