Cấp tiểu học, giáo dục lịch sử chưa tập trung cung cấp tri thức lịch sử mà trước hết giúp trẻ hình thành, phát triển tình yêu với môn học.
Chủ biên chương trình môn Lịch sử mới - GS Phạm Hồng Tung (Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển), cho biết sẽ có nhiều thay đổi so với chương trình hiện hành.
Thay đổi cấu trúc quá trình dạy - học, tổ hợp lại nội dung lịch sử
Chương trình môn Lịch sử mới được xây dựng theo cấu trúc chính là tuyến tính kết hợp với đồng tâm, thay cho cấu trúc đồng tâm (3 cấp đều học Lịch sử từ khởi đầu đến hiện đại) của chương trình hiện nay. Cấu trúc mới sẽ khắc phục được nhược điểm lặp lại kiến thức gây nhàm chán cho người học.
GS Phạm Hồng Tung, chủ biên chương trình môn Lịch sử mới. Ảnh: Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển. |
Ở cấp Tiểu học, chương trình không tập trung vào trang bị tri thức lịch sử mà chủ yếu giúp học sinh hình thành, phát triển ký ức lịch sử và tình yêu với môn học. Đây là khác biệt lớn so với chương trình hiện hành đang nặng về dạy kiến thức.GS Phạm Hồng Tung, chủ biên chương trình môn Lịch sử mới. Ảnh: Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển.
"Chương trình hiện nay yêu cầu học sinh tiểu học phải ghi nhớ tri thức khá phức tạp, phải thuộc nhiều tên đất, tên người một cách máy móc như nhớ tên những người được tuyên dương trong Đại hội chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất (1952). Con tôi đi học về hỏi, tôi là giáo sư cũng chẳng nhớ hết thì làm sao các cháu 9-10 tuổi nhớ được. Cách dạy này khiến học sinh sợ hãi và ngay từ đầu đã bóp chết sự hứng thú với môn lịch sử", GS Tung nói.
Việc hình thành ký ức, tình yêu lịch sử ở cấp Tiểu học, theo chủ biên chương trình, sẽ được thực hiện thông qua câu chuyện kể hấp dẫn, gần gũi, phù hợp với năng lực nhận thức và đặc điểm tâm lý học sinh. Trên cơ sở đó sẽ cung cấp cho các em tri thức lịch sử cốt lõi, sơ giản. Đây là cách giáo dục lịch sử được áp dụng ở nhiều nước, Việt Nam đã có những thử nghiệm theo hướng này.
Ví dụ, khi tổ chức dạy và học về nhà nước Văn Lang, Âu Lạc, nhóm thiết kế đưa ra gợi ý những chuyện kể, truyền thuyết về Lạc Long Quân và Âu Cơ, Sơn Tinh Thủy Tinh, Mai An Tiêm, Thánh Gióng, Mị Châu - Trọng Thủy... Các trường sử dụng sách giáo khoa khác nhau, sẽ lựa chọn một số để cô trò cùng kể cho nhau.
Không dừng lại ở nhắc chuyện huyền thoại, chương trình sẽ giới thiệu các hiện vật khảo cổ của thời kỳ lịch sử này như trống đồng, mũi tên đồng, lưỡi cày đồng, đồ gốm... để học sinh suy luận, tìm hiểu và thấy có sự liên quan, chồng lấp giữa truyền thuyết với hiện thực lịch sử.
Những bài tập yêu cầu học sinh kể chuyện cho bố mẹ nghe, rồi phụ huynh phản hồi, sẽ giúp các em hình thành thói quen nói về các bằng chứng lịch sử và xâu chuỗi với truyện kể. Ông bà, bố mẹ khi nghe, có thể bồi đắp cho con những cách kể khác, làm học sinh ghi nhớ tri thức sâu hơn.
Hoặc, khi nói về Cách mạng tháng Tám năm 1945, thay vì nhồi nhét kiến thức khô khan, học sinh sẽ được giới thiệu, tìm hiểu về anh Kim Đồng làm liên lạc cho Hồ Chủ tịch, tìm hiểu về các di tích Pác Bó, Tân Trào. "Học sinh sẽ biết ở giai đoạn này Bác Hồ lãnh đạo cả nước, trong đó có nhi đồng làm cách mạng đánh Tây đuổi Nhật, giải phóng đất nước. Như thế là đủ rồi. Học sinh tiểu học không cần biết thế nào là Nghị quyết Trung ương 8 hay Hội nghị Potsdam", chủ biên chương trình môn Lịch sử chia sẻ.
Học sinh tiểu học sẽ học lịch sử thông qua các câu chuyện. Ảnh minh họa.
Ở cấp THCS, toàn bộ chương trình dành để trang bị nền tảng tri thức thông sử, tức là giúp học sinh có được tri thức cơ bản, cốt lõi, hệ thống nhất về lịch sử Việt Nam và thế giới. Trên cơ sở đó, các em hình thành và phát triển những năng lực và phẩm chất cơ bản, cốt lõi.
Cấp THPT, chương trình Lịch sử được xây dựng thành chủ đề và một số chuyên đề, giúp học sinh có kiến thức mở rộng và sâu sắc hơn. Ví dụ chủ đề về các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong lịch sử dân tộc; các cuộc cải cách trong lịch sử dân tộc; nhân tài trong lịch sử Việt Nam, lịch sử văn minh thế giới, lịch sử văn hóa Đông Nam Á…
"Sẽ có các chủ đề, chuyên đề nhằm nói cho học sinh biết, học lịch sử sẽ có ích như thế nào trong cuộc sống hiện đại, nhất là gắn bó với nhiều nghề hot, như phát triển du lịch, công nghiệp văn hóa…", GS Tung chia sẻ.
Lịch sử sẽ tích hợp với Địa lý thành một môn ở cấp tiểu học và THCS
Ở tiểu học, môn Lịch sử và Địa lý được tổ chức dạy và học từ lớp 4. Sự tích hợp sẽ theo logic kết nối hai loại hình không gian, của Địa lý là địa phương em - đất nước em - thế giới; của Lịch sử là không gian gia đình - cộng đồng - dân tộc - thế giới. Tất cả được thể hiện qua các câu chuyện.
Ở THCS, Lịch sử và Địa lý là 2 phân môn khá độc lập, Sử là thông sử và Địa là kiến thức nền. Chỉ có một số chủ đề tích hợp như: Biển Đông gồm kiến thức tổng hợp về nhiều vấn đề, như lãnh hải Việt Nam, việc xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và các cuộc chiến tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo…
Bậc THPT, Lịch sử là môn độc lập nhưng tự chọn để phù hợp với việc phân hóa, hướng nghiệp cho học sinh.
Những năng lực cơ bản, đặc thù
Chương trình môn Lịch sử mới trong ba cấp học phổ thông nhằm giúp học sinh hình thành và phát triển các năng lực: Nhận diện, hiểu và vận dụng được sử liệu; Tái hiện quá khứ; Đánh giá và phân tích lịch sử; Vận dụng tri thức lịch sử vào cuộc sống. Trong đó, năng lực thứ nhất và thứ tư ở chương trình hiện nay, học sinh được trang bị rất ít.
"Một nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, thậm chí có thể coi là thất bại của giáo dục lịch sử hiện nay là học sinh học lịch sử mà không biết học để làm gì", GS Tung nói. Ông cho biết, chương trình mới sẽ giúp học sinh hiểu Lịch sử có thể phục vụ trực tiếp cho phát triển du lịch, công nghiệp văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa… Người học Lịch sử giỏi có thể trở thành nhà biên kịch phim, sáng chế game online dựa trên những tích truyện lịch sử… và chiếm lĩnh những ngành nghề "hot" với mức lương cao.
Qua các bài dạy về thành công và cả những sai lầm, thất bại trong quá khứ của cha ông, học sinh sẽ rút ra bài học về ứng xử với bản thân, gia đình, xã hội, thế giới, để hướng tới xã hội hòa bình, phát triển.
Học sinh cũng được hướng dẫn để biết rằng còn nhiều khoảng trống và cả những vấn đề chưa tỏ tường, cần những sử liệu mới, góc nhìn mới về lịch sử mà sách giáo khoa chưa đề cập đến. Đây sẽ là chân trời lớn để học sinh thỏa mãn đam mê khám phá, học tập lịch sử suốt đời.
Chương trình môn Lịch sử trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới được xây dựng bởi 4 thầy cô, gồm: GS.TS Trần Thị Vinh, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, TS Nguyễn Thị Thu Thủy (Đại học Sư phạm Hà Nội) và chủ biên là GS.TS Phạm Hồng Tung (Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội).
Trường “trọng điểm chất lượng cao”, một dạng trường chuyên biến tướng
Từ năm 1997, hệ thống trường chuyên THCS đã bị bãi bỏ, từ Nghị quyết số 02-NQ/HNTW ngày 24.12.1996 của BCH TƯ Đảng khóa VIII ... |
“Học Toán, Lý, Hóa ra trường còn dễ xin việc chứ học Sử để làm gì?"
Đó là một trong những câu hỏi của nhiều bạn trẻ Việt khi gặp giáo viên dạy môn Lịch sử. |
https://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/tre-tieu-hoc-se-hoc-lich-su-qua-cac-cau-chuyen-3665223.html