Sau cái chết của ca sĩ kiêm nhạc sĩ người Hàn nổi tiếng Jonghyun, nhiều người kinh ngạc vì “trào lưu” tự tử lây lan quá mạnh trong cộng đồng nghệ sĩ xứ này. Ngoài những lý do riêng, một phần là do họ sống chung với bệnh trầm cảm lâu ngày, nên không có lối thoát. Không chỉ riêng trong giới sao Hàn, trong giới showbiz Việt, khi luôn phải đối mặt với thị phi, căng thẳng, bị soi quá mức, hay chịu gánh nặng của sự nổi tiếng, nhiều ca sĩ, người mẫu, hoa hậu…cũng lâm vào tình trạng bế tắc của căn bệnh trầm cảm.
Đủ "loại" trầm cảm
Mới đây nhất, ca sĩ Hương Giang nhớ lại khoảng thời gian cô bị trầm cảm cách đây 6 năm với ký ức đáng sợ: "Suốt 20 ngày không ngủ 1 tiếng nào, thường xuyên nghĩ tới cái chết". Trên trang cá nhân, cô cho biết, đó là khoảng thời gian cô vừa mới thực hiện xong phẫu thuật chuyển giới tại Thái Lan. Lẽ ra cô cảm nhận đó là hạnh phúc thì ngược lại, đã gặp vấn đề về tâm lý nghiêm trọng. Rất may, nhờ có chị gái luôn ở bên, Hương Giang đã có thể vượt qua khoảng thời gian đầy ám ảnh này.
Nhắc đến trầm cảm, người ta nhớ đến Bùi Anh Tuấn và Văn Mai Hương. Cả hai ca sĩ trẻ đều có thời gian “tuột dốc”, từ chối các show diễn, thậm chí, hủy cuộc diễn và phải bồi thường một khoản tiền không nhỏ. Nếu trước đây, Văn Mai Hương là người an ủi động viên Bùi Anh Tuấn vượt qua khủng hoảng, thì một thời gian sau, cô lại bị…lây chứng bệnh này. Vào thời điểm đó, nữ ca sĩ cũng hủy khoảng 20 show diễn dù đã ký hợp đồng trong vòng 1 tháng và suốt ngày chỉ… chơi với chú chó nhỏ. Văn Mai Hương bị trầm cảm vì gặp rắc rối trong công việc, có những bất đồng với công ty quản lý và cho rằng mình bị áp đặt mọi thứ, tinh thần xuống dốc trầm trọng.
Không chỉ có Văn Mai Hương, Hà Anh Tuấn từng tâm sự anh có một thời bị trầm cảm. Và anh thừa nhận mình có điểm yếu đáng lo đó là trên sân khấu, nếu âm nhạc và không gian không đủ tạo cảm hứng thì dễ mất cảm xúc. Có khi ký hợp đồng diễn 2 ngày, nhưng ngày đầu thấy khán giả ơ thờ là Hà Anh Tuấn nằng nặc đòi…bỏ show.
Ngoài yếu tố tâm lý, áp lực, nhiều ngôi sao còn không chịu nổi thị phi mà bị trầm cảm, điển hình có Hoàng Tôn. Giữa năm 2016, Hoàng Tôn tiết lộ anh bị trầm cảm, không còn cảm xúc với âm nhạc và phải nhờ đến bác sĩ tâm lý. Nhưng vài tháng sau đó, giọng ca này lại gây xôn xao dư luận khi thừa nhận phẫu thuật thẩm mỹ. Thế nhưng, việc dao kéo một lần nữa bị đem ra mổ xẻ khi anh gặp sự cố khiến gương mặt bị biến dạng.
Ngoài ra, ca sĩ Đan Trường dù từng ở đỉnh cao nổi tiếng và đông fan hâm mộ, cũng trải qua thời gian bị trầm cảm trước những xoi mói đời tư của báo chí. Dương Triệu Vũ từ hải ngoại về Việt Nam làm lại từ đầu, chịu quá nhiều áp lực cũng bị stress nặng. Hay “Công chúa bong bóng” Bảo Thy cũng khốn đốn trong 2 năm (từ 2013-2015), kiệt quệ cả về thể chất và tinh thần, không đi hát được, thậm chí còn có ý định sẽ từ bỏ sự nghiệp vì quá mệt mỏi.
Ở đỉnh cao của sự nghiệp, Duy Mạnh cũng từng rơi vào tình trạng trầm cảm vì trượt dài trong những cuộc ăn chơi trác táng và chai sạn về cảm xúc. Anh không tìm thấy niềm vui trong cuộc sống và công việc. Thậm chí, anh không thể sáng tác được bài hát nào cho ra hồn. Anh chỉ phục hồi từ từ khi dạy con học nhạc và tự hào vì con mình đạt thành tích cao.
Và không chỉ các ca sĩ. Nhiều người mẫu, hoa hậu cũng là nạn nhân của căn bệnh thời đại này. HH Việt Nam 2012 Đặng Thu Thảo từng suy sụp sau khi đăng quang vì bị săm soi chuyện học vấn và gia đình.
Người mẫu Hoàng Thùy bất ngờ tiết lộ trên facebook cá nhân, cô từng 2 lần rơi vào trạng thái trầm cảm vì gia cảnh quá khó khăn, bị bạn bè chế giễu; thậm chí, cô từng có ý định tự tử vì quá lo lắng, sợ hãi trước ý nghĩ “nếu không đậu đại học thì không có con đường nào để thay đổi số phận". Chính những lo lắng, áp lực này khiến cô liều lĩnh đăng ký dự thi VietNam\'s Next Top Model và đã bất ngờ đăng quang quán quân 2011.
Bên cạnh đó, nhiều sao Việt sau khi sinh con thường mắc chứng trầm cảm. HH Phan Hoàng Thu, diễn viên Ngọc Lan, MC Thùy Minh, ca sĩ Hoàng Lê Vy… từng bị stress quá nặng, thậm chí, có người còn muốn tự tử để kết thúc cuộc đời.
Nên chia sẻ và quan tâm
Vẫn còn đó cách giải tỏa trầm cảm, ngoài việc đến gặp bác sĩ và đi du lịch. Đó là thiền, tĩnh lặng, cần một khoảng không để tìm lại niềm vui sống của chính mình.
Ca sĩ trẻ Đại Nhân đã tìm cách vượt qua giai đoạn khó khăn đó: "1 vài năm qua mình đã phải trải qua nhiều đấu tranh tư tưởng, quan điểm sống, cách làm việc, với bản thân, với cộng sự. Mình đã từng bế tắc, bỏ hết mọi thứ qua 1 bên, mặc kệ đến đâu thì đến, không suy nghĩ, không đặt nặng nữa, thương bản thân nhiều hơn, đi chơi, đi du lịch nhiều hơn, học cách buông bỏ, và học cách tìm niềm vui.
Và điều sáng suốt và may mắn nhất trong đời của mình tính cho đến thời điểm hiện tại, đó là thay vì phải gánh vác chịu đựng sự đau khổ buồn bã này 1 mình, mình đã chọn cách chia sẻ. Chia sẻ nhiều nhất có thể, với những ai có thể nghe, có thể hiểu, có thể đồng cảm. Và mình trở thành 1 con người khác. Mình vẫn chưa quen với con người mới này của mình lắm, nhưng ít nhất mình biết ơn, vì nó đã và đang giúp mình vượt qua sự trầm cảm của cuộc sống mang lại”.
Theo Đại Nhân, không phải ai cũng đủ may mắn để đề kháng lại bệnh trầm cảm khi nó kéo đến, và kể cả những người mạnh mẽ nhất, sẽ luôn có những phút giây yếu lòng. Hãy hiểu, thông cảm, và chia sẻ nhiều nhất có thể với những người xung quanh mình. Và khi với người khác là đã quá muộn, hãy nói những lời tốt đẹp về những sự chăm chỉ, tốt đẹp mà họ đã làm.
Tương tự, Thái Trinh từng rơi vào trạng thái khủng hoảng nặng chỉ nằm ngủ suốt và tỉnh dậy thì khóc. “Người ta trầm cảm vì những sang chấn tâm lí kéo dài mà không được phục hồi, sau đó không thể khiến bản thân hớn hở với những thú vui đời thường được nữa. Tôi vẫn rất cố gắng kéo bản thân ra khỏi vũng lầy. Tập yoga, thiền, nghe giảng về đức Phật. Tôi tìm tới những người bạn cũ, tôi tặng họ những món quà không vì dịp gì và quan tâm chia sẻ nỗi buồn của họ vì tôi nghĩ rằng niềm vui nhỏ nhoi của họ có thể sẽ giúp tôi vui hơn. Tôi kiên nhẫn tái định nghĩa bệnh trạng với người thân để họ hiểu đúng những gì tôi đang gặp và họ cần làm gì để giúp tôi, chứ không phải lời giảng giải đạo đức đầy sáo rỗng... Chính bản thân mình là liều thuốc lớn nhất, nhưng những người thân gần gũi lại là liều thuốc quyết định. Việc tôi quyết định la lớn lên tình trạng của mình, vừa là một thái độ nghiêm túc và có trách nhiệm tìm cách cứu giúp bản thân chứ không giấu diếm, vừa để các bạn có cái nhìn rõ ràng và thận trọng hơn về chứng bệnh này.
Đừng chủ quan với trầm cảm và những người đang chiến đấu với trầm cảm, vì điều tồi tệ nhất xảy ra là họ không tìm được một vòng tay dang rộng đón họ trở về".
Không nên xem thường trầm cảm - căn bệnh có thể tác động vào bất cứ ai “Nếu được, xin hãy quan tâm nhiều hơn đến cảm xúc của những người xung quanh bạn; nếu là những người bạn yêu thương xin hãy lắng nghe tâm sự của họ và chia sẻ với họ thường xuyên hơn. Hãy mang lại cho những người xung quanh mình sự lạc quan và biết đâu bạn đang vô tình giúp được rất nhiều người! Và quan trọng hơn hết, dù bạn là người độc lập đến đâu, mạnh mẽ đến đâu, đừng cố giấu một mình, hãy luôn chia sẻ với người khác, để chúng ta không phải chứng kiến thêm bất kì câu chuyện buồn nào trong cuộc sống. |
"Hố đen" trầm cảm - nỗi ám ảnh của bất cứ ai mang danh "nghệ sĩ"
Không chỉ các nghệ sĩ Hàn Quốc "trầm cảm" vì những áp lực đằng sau cuộc sống đầy hào nhoáng mà là nỗi ám ảnh ... |
Những sao trẻ tự tử vì bệnh trầm cảm
Những cái tên rất trẻ để lại thương tiếc cho người hâm mộ vì chọn cách tự tử để kết thúc chuỗi ngày bị bệnh ... |