Bia đá đặt tại nơi diễn ra cuộc tấn công của 15 chiến sĩ Biệt động Sài Gòn - Gia Định vào Dinh Độc Lập trong trận chiến Mậu Thân 1968.
Ngày 26/1, UBND TP HCM khánh thành bia tưởng niệm chiến sĩ Biệt động Sài Gòn hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy 50 năm trước. Tấm bia đặt tại nơi diễn ra cuộc chiến đấu của 15 chiến sĩ khi tấn công vào Dinh Độc Lập (quận 1). Hiện, vị trí này là cổng sau Hội trường Thống Nhất.
Làm bằng đá granite cao 4,5 m, bia tưởng niệm có cờ Tổ quốc - tượng trưng cho sức mạnh đoàn kết của dân tộc; hình tượng đốt tre - thể hiện kiến trúc của Dinh Độc lập; khắc diễn biến cuộc chiến đấu của các chiến sĩ biệt động rạng sáng Mùng 2 Tết.
Bia tưởng niệm được đặt ở cổng sau Dinh Độc Lập (số 108 Nguyễn Du, quận 1). Ảnh: Trung Sơn. |
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong nói rằng, sự kiện hôm nay không chỉ thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với chiến sĩ Biệt động Sài Gòn, lực lượng vũ trang thành phố mà còn là sự lan tỏa truyền thống yêu nước, tinh thần dũng cảm hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc, giúp thế hệ trẻ phấn đấu xứng đáng với các thế hệ tiền nhân.
Ông Phong đề nghị UBND quận 1 đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan xanh, sạch đẹp tại khu vực bia tưởng niệm; tuyên truyền để cán bộ, công nhân viên, nhân dân đến dâng hương.
Cùng với bia tưởng niệm này, TP HCM đã khánh thành 10 di tích, 9 bia tưởng niệm chiến sĩ biệt động hy sinh trong trận chiến 1968 tại địa bàn thành phố.
Sáng cùng ngày, đoàn lãnh đạo thành phố và các cựu chiến binh, lực lượng vũ trang, đoàn viên thanh niên đã đến dâng hương tại Bia Tưởng niệm chiến sĩ Biệt động Sài Gòn hy sinh trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 khi đánh vào tòa Đại sứ Mỹ (nay là Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TP HCM).
Lúc 1h30 ngày 31/1/1968 (rạng sáng Mùng 2 Tết Mậu Thân), 15 chiến sĩ Đội 5 Biệt động Sài Gòn - Gia Định, do ông Tô Hoài Thanh chỉ huy, tấn công vào Dinh Độc Lập - cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn tại cổng dinh phía đường Nguyễn Du. Các chiến sĩ tiêu diệt được lính gác, song không vào được bên trong do lính bảo vệ dinh đông, hỏa lực mạnh. Khi quân đội Sài Gòn điều xe thiết giáp đến, biệt động thành phải rút lui. Sau hơn một ngày đêm chiến đấu với lực lượng đông và mạnh hơn rất nhiều, 8 chiến sĩ đã hy sinh, 7 người bị địch bắt. Ghi nhận sự anh dũng của các chiến sĩ, đơn vị đã được tặng thưởng Huân chương quân công hạng ba và được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1969. |
Cuộc đời diễn viên "Biệt động Sài Gòn" mua nửa chuồng nuôi lợn để ở
Diễn viên Biệt động Sài Gòn từng sống trong ngôi nhà 9m2, trước đây vốn là chuồng lợn của người ta, được ông mua lại ... |
Người phụ nữ - nguyên mẫu phim “Biệt động Sài Gòn” từ chối danh hiệu Anh hùng
Anh Trần Vũ Bình, con trai của ông Trần Văn Lai cho biết, sau khi cha anh được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực ... |