Anh Trần Vũ Bình, con trai của ông Trần Văn Lai cho biết, sau khi cha anh được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị cũ của ông từng xúc tiến và thúc giục gia đình làm hồ sơ để đề nghị phong tặng anh hùng cho 2 người vợ của ông. Nhưng, bà Đặng Thị Thiệp đã từ chối.
Bà cho biết, cả cuộc đời cống hiến cho cách mạng, lo cho chồng để mong đất nước bình yên, không phải vì danh hiệu này hay danh hiệu khác...
Nói về ông Trần Văn Lai và cuộc hôn nhân đầu tiên với bà Phạm Thị Chinh, nhiều người thân quen của ông bà, kể cả người vợ thứ hai là bà Đặng Thị Thiệp và các con ông đều cho rằng, tình yêu mà ông dành cho người vợ đầu vô cùng sâu nặng, không gì thay thế được.
Bà Phạm Thị Nguyên, em gái bà Chinh kể rằng, thái độ trân trọng của ông Lai với người vợ cả khiến gia đình bà vô cùng cảm động. Ngày đất nước mới giải phóng, điều kiện đi lại khó khăn, thậm chí rất ngặt nghèo, vậy mà chỉ sau một thời gian ngắn, gia đình bà đã đón ông Lai đến thăm nhà và nhận họ. Ở vài ngày, ông mới trở về thăm người thân ở Thái Bình.
Chuyện có vợ hai, ông giấu biệt. Mãi đến năm 1976, trong một lần công tác vào Nam, đến thăm gia đình anh rể, bà mới biết sự thực. Dù nghĩ chị gái đã về nơi chín suối, do điều kiện chiến tranh, hoàn cảnh đưa đẩy, nhưng dù sao vẫn là phụ nữ, là em dâu, trong lòng bà vẫn không khỏi có chút ấm ức, nhất là chuyện chị gái mất chưa lâu, anh rể đã thành gia thất, có thêm 1 đàn con dại. Bà đau xót cho chị mà giả mặt lạnh, làm thinh.
Bà Nguyên không hỏi, ông Lai không nói. Suốt mấy ngày trời, bà Đặng Thị Thiệp cũng tránh mặt không về. Mãi đến ngày cuối cùng của chuyến đi, bà Nguyên theo chân ông Lai lên phòng thờ gia đình để thắp hương cho chị trước khi về. Trời Sài Gòn mưa tầm tã. Không nén được nỗi lòng tê tái, bà bật khóc, hỏi ông vì sao lại như thế? Kỳ lạ!
Ông Trần Văn Lai (người đội mũ) đoàn tụ bên gia đình sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. |
Người đàn ông không sợ hiểm nguy, từng “tung hoành” ngay nơi “miệng sói hang hùm” lại bật khóc đến tức tưởi, chỉ nói được đúng một câu: “Dì đừng hỏi nữa...”. Xót người đã khuất, thương người ở lại, đến tận hôm nay, khi kể lại chuyện cũ, nước mắt bà Nguyên vẫn chưa thôi rơi.
Sau này trở lại Hà Nội, có điều kiện và thời gian tìm hiểu ngọn nguồn, bà Nguyên mới hay, anh rể lấy người vợ thứ hai cũng bắt đầu từ sự sắp đặt của tổ chức. Bà Đặng Thị Thiệp cũng cho biết, bà đã được chuẩn bị để theo gia đình tập kết ra Bắc. Vì trục trặc phút cuối, bà phải trở lại, ở nhờ nhà người quen trên Đà Lạt, rồi được cấp trên giao cho ông Lai đưa về Sài Gòn, dự tính đào tạo ăn học để phục vụ hoạt động.
Đưa bà Thiệp về nhà không tiện nên ông Lai gửi bà ở nhà một người quen. Nhà này có một cậu con trai ngang tuổi bà Thiệp, rất nghịch ngợm, hay trêu ghẹo, khiến bà hoảng sợ bỏ đi. Bà Thiệp vừa ra đến đường lớn thì gặp ông Lai chạy xe đến. Biết lý do, ông yêu cầu bà phải ở lại vì đây là việc tổ chức giao, không phải muốn làm gì thì làm. Xe chạy qua đường Võ Di Nguy, quận Phú Nhuận, thấy biển đề bán nhà, ông tạt xe vào, lấy cớ tìm nhà riêng cho vợ bé rồi hỏi mua luôn, không ngờ mình lại thêm một lần giả lấy vợ mà nên nghĩa trăm năm.
Tổ chức chấp thuận cho ông bà trở thành vợ chồng trong điều kiện hoạt động đơn tuyến. Chỗ nào cần biết thì bà là vợ bé của ông. Chỗ nào không cần biết thì chỉ láng máng hai người có đi lại với nhau. Công việc của người vợ cả từng đảm nhiệm, làm cầu nối chuyển hàng cho chiến khu, giờ là bà Thiệp. Và chính bản thân ông Lai cũng muốn bà càng ít dính dáng đến ông càng tốt, càng an toàn cho bà và các con.
Tuy nhiên, với hàng xóm láng giềng, bà Thiệp vẫn là bà vợ bé, “giựt chồng” người khác, thường xuyên bị đem ra xỉa xói. 4 người con của ông bà cũng lần lượt chào đời trong cảnh éo le ấy. Để bảo đảm an toàn, các con đều được khai theo họ mẹ. Ông Lai về thăm vợ con với danh nghĩa của một người bác.
Kể lại chuyện cũ, anh Trần Kiến Xương (Trần Vũ Bình) chia sẻ rằng ngày ấy, có lúc anh rất hận cha. Thấy mình có cha mà như không. Ông về thăm lén lén lút lút. Nếu có vô tình gặp ngoài đường, ông cũng không bao giờ đi chung. Bị đám trẻ hàng xóm bắt nạt, chọc ghẹo vì con vợ bé, mấy anh em xông vào đánh nhau “sứt đầu mẻ trán” là chuyện thường. Nếu cố cãi kiểu tao có ba đàng hoàng, thế nào cũng bị má nọc ra đánh.
Bà Đặng Thị Thiệp cũng tâm sự rằng, dù lấy chồng do hoàn cảnh đẩy đưa, yêu chồng, thương con nhưng nhiều lúc bà vẫn không thể không chạnh lòng. Bà làm vợ, làm mẹ, vừa tham gia công tác, vừa lo bảo vệ bí mật cho chồng, chịu sự ghẻ lạnh của hàng xóm. Nhưng phụ nữ vốn nhạy cảm, bà hiểu tình yêu ông Lai dành cho người vợ đầu rất lớn, lại thêm căng thẳng, lo âu, đôi lúc bà trút trách hờn lên ông.
Cho đến một ngày, bà sinh con, ông và một đồng đội về thăm, ở qua đêm. Đang yên giấc, bà giật mình choàng tỉnh như vừa có ai lay dậy gấp. Bản năng mách bảo, bà ngó ngay ra ngoài. Đầu đường, đám lính đã lùng sục khắp nơi. Ông Lai trốn lên hầm nổi nóc nhà. Người còn lại chui xuống hầm chìm dưới đất. Đúng lúc này lính gõ cửa rầm rầm. Thấy bộ dạng sản phụ mới sinh, lại khai chồng đi lính, chúng hỏi qua quýt đơn vị của chồng rồi rút nhanh vì ngại vào nhà đàn bà mới sinh đẻ sẽ gặp xui.
Suýt mất ông lần ấy, bà tâm niệm, dù vật đổi sao dời sẽ vẫn chỉ một lòng bảo vệ cho chồng song vẫn luôn phấp phỏng lo lắng. Bao nhiêu tháng ngày hoạt động là bấy nhiêu ngày tháng bà không có đêm nào tròn giấc. Đã có những ngày, bà chỉ mong đất nước hòa bình, được thoải mái ngủ một đêm cho thỏa, để được hét lên với mọi người rằng bà không phải là vợ bé, rằng con bà có cha rất đàng hoàng. Nhưng, ước rồi để đấy...
Lối thoát hiểm được bố trí dưới đáy tủ và hầm chứa tài liệu, tiền vàng giữa khoảng trống giữa 2 căn nhà ở 113 Đặng Dung - thiết kế “vô tiền khoáng hậu” của Anh hùng lực lượng vũ trang Trần Văn Lai. |
Ông Lai làm thầu khoán, giàu có, là thành viên của cơ quan tiếp nhận viện trợ Mỹ (U.S.O.M), kiếm được rất nhiều tiền vàng. Mỗi lần mang về, đưa và chuyển đi cho tổ chức, thay vì vui mừng, lòng bà Thiệp lại nặng trĩu lo âu. Bà biết, tiền về càng nhiều có nghĩa là Mỹ càng viện trợ mạnh, như thế ngày đất nước hòa bình sẽ còn càng xa.
Sau Tổng tấn công tết Mậu Thân 1968, địch truy lùng ráo riết, treo thưởng cho bất kỳ ai có tin tức về Trần Văn Lai - Mai Hồng Quế. 2 lần ông tìm cách vượt đường ra Bắc là 2 lần bị bắt. Rất may, nhờ khả năng nghi trang giỏi, địch không nhận ra ông chính là cộng sản nằm vùng - tỷ phú Mai Hồng Quế.
Những tháng năm ông bị giam cầm ở Quảng Ngãi cũng là những tháng năm bà tất tả mưu sinh, nuôi con, lo thăm nom chồng. Từng bị ganh tị vì có chút nhan sắc mà thời điểm này, bà chỉ còn 39 - 40kg. Bao nén chịu chỉ vỡ òa trong ngày Sài Gòn hoàn toàn giải phóng. Trong khi kẻ nháo nhác trốn chạy, người ăn mừng cờ hoa rực rỡ, bà quên cả tiếng loa phát thanh ồn ào, mở cửa chạy thẳng ra đường hò hét. Câu đầu tiên không phải là bà reo mừng chiến thắng. Bung thoát khỏi lồng ngực là tiếng hò reo: Tôi không phải là vợ bé...
Năm 2015, nhận tin người chồng mà mình hết mực tôn thờ vinh dự được truy tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nhiều người chúc mừng, bà Đặng Thị Thiệp chỉ cười xòa. Bà bảo rằng bản thân tham gia hoạt động cách mạng là mong có cuộc sống yên bình. Nếu vì danh hiệu anh hùng mà phải nếm trải những năm tháng đã qua, bà và ông cũng như tất cả các đồng đội của mình không bao giờ chấp nhận đánh đổi.
Bà Thiệp cũng tâm sự rằng, đất nước hòa bình đã hơn 40 năm, đến nay, thi thoảng, bà vẫn bị những ám ảnh của tháng ngày đã qua đeo bám. Có đêm đang ngủ bà giật mình choàng tỉnh vì nằm mơ bị địch bắt. Ngồi dậy, nhận ra mình đang được hưởng hòa bình, bà vẫn không tài nào vỗ về được giấc ngủ.
Vĩ thanh
Khi chúng tôi đang ngồi viết bài này thì một trong số các người con của người anh hùng Trần Văn Lai là anh Trần Vũ Bình đang phục dựng và chuẩn bị mở cửa tham quan căn nhà số 113 đường Đặng Dung, quận 1, TP HCM. Đây là căn nhà có hộp thư bí mật, hầm nổi mà ba anh và đơn vị biệt động thành đã xây dựng, hoạt động an toàn trong một thời gian dài.
Căn nhà cũng là nơi trung chuyển các thư từ, tài liệu mật, tiền vàng, thuốc tây do thầu khoán Mai Hồng Quế chuyển ra chiến khu và là nơi ông cùng những người thợ sản xuất ra các đồ nội thất cho Dinh Độc Lập. Căn nhà này là cũng một trong những công trình kết tinh nhiều trí tuệ của người cựu cán bộ biệt động Năm Lai.
Có lẽ, địch có “nằm mơ” cũng không thể nghĩ rằng có một hộp thư bí mật nằm ngay dưới chân cột nhà và khoảng trống nhỏ giữa 2 căn nhà trên đường Đặng Dung lại trở thành hầm chứa tài liệu, tiền vàng chờ giao liên chuyển về chiến khu. Phía trần nhà đầy rẫy dụng cụ làm nghề của ông thầu khoán thực tế lại là một hầm nổi phục vụ trú ẩn rất tốt. Sau cánh cửa tủ gỗ là một khoảng trống dưới đáy với thang dây sẵn sàng đưa người thoát ra con phố khác trong tình huống nguy cấp...
Anh Trần Vũ Bình (Trần Kiến Xương) và các du khách trong căn nhà đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa quốc gia tại phố Nguyễn Đình Chiểu, Q3, TP HCM. |
Nhà số 113 Đặng Dung chỉ là một trong số những nhà chứa vũ khí và giấu cán bộ mà ông Trần Văn Lai xây dựng được trong khoảng thời gian tham gia biệt động thành. Trước đó, căn nhà số 287/68-70-72 Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu, quận 3) đã được công nhận Di tích lịch sử văn hóa quốc gia và trở thành một trong những “địa chỉ đỏ” của thành phố mang tên Bác.
Căn nhà này có hệ thống hầm bí mật gồm hầm nổi, hầm ngầm, từng chứa trên 2 tấn vũ khí và cũng là điểm xuất phát của đơn vị biệt động đánh chiếm Dinh Độc Lập năm 1968. Những chiếc ô tô được trang bị phục vụ cho chiến đấu và các nhiệm vụ khác của ông Lai và các đồng đội sử dụng ngày ấy cũng đang được gia đình tìm mua lại. Có xe đã được trao lại cho bảo tàng của quân đội, có xe đã được gia đình trao tặng cho bảo tàng Thái Bình - quê hương của ông Trần Văn Lai.
Nhiều di tích khác như nơi sản xuất tranh kiệt, các loại màn trang trí nội thất phục vụ trong Dinh Độc Lập, một số nhà có hầm ém giấu cán bộ và vũ khí cũng tiếp tục được anh Trần Vũ Bình tìm mua lại, cố gắng phục dựng nhằm phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa thành phố. Anh vẫn mơ ước một ngày không xa, các di tích này sẽ góp phần “đánh thức” những ký ức đang lùi dần vào lãng quên về lực lượng biệt động Sài Gòn một thuở.
Người đến tham quan di tích sẽ không chỉ có dịp tìm hiểu về những chiến công của một lực lượng đã trở thành huyền thoại mà còn thấu hiểu, thấm thía hơn về những trang sử bi hùng của đất nước, hiểu để biết yêu hơn, trân trọng hơn cuộc sống bình yên, chung tay góp sức nhiều hơn để bảo vệ Tổ quốc dấu yêu.