Tiền công đức Yên Tử làm gì?

Đi kèm với số tiền công đức vào Yên Tử, du khách thập phương còn trả tiền cho các dịch vụ như cáp treo, gửi xe... của Công ty Tùng Lâm.

Xung quanh việc Quảng Ninh tiến hành thu phí tham quan Yên Tử đang có nhiều ý kiến trái chiều.

Có ý kiến cho rằng, số tiền công đức vào Yên Tử của du khách thập phương là khá lớn đủ để thực hiện trùng tu, tôn tạo và duy trì bộ máy quản lý, nên không cần phải thu thêm phí tham quan Yên Tử.

Ông Nguyễn Anh Tú, Chủ tịch UBND TP Uông Bí (Quảng Ninh) đã giải thích trên báo Dân Việt về việc quản lý và sử dụng tiền công đức ở Yên Tử.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đã giao cho Ban quản lý tôn tạo Yên Tử (nhà chùa) thu và quản lý toàn bộ nguồn thu công đức và giọt dầu tại Yên Tử.

Trong đó, tiền giọt dầu được Nhà chùa quản lý và sử dụng 100%. Đối với tiền công đức thu được tại khu di tích Yên Tử được trích lại 4% để hỗ trợ cho Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử, còn lại 96% là do nhà chùa quản lý, sử dụng để đầu tư trở lại cho nhà chùa hoặc nơi thờ tự.

Theo bảng thống kê tiền công đức thu được tại Yên Tử do UBND TP Uông Bí cung cấp, nếu năm 2007, số tiền công đức thu được chỉ đạt 11,189 tỷ đồng thì những năm sau đó, số tiền công đức tăng cao hơn nhiều. Vào những năm 2011, 2012, số tiền này đạt trên 27 tỷ đồng, đặc biệt, năm 2013, số tiền công đức thu được tại Yên Tử là 31,659 tỷ đồng; năm 2014 đạt 29,536 tỷ đồng.

Năm 2017, số tiền công đức thu được tại Yên Tử khoảng 17,5 tỷ đồng.

tien cong duc yen tu lam gi

Vé thu phí tham quan Yên Tử. Ảnh: VnExpress

"Trong thời gian qua, nhà chùa đã sử dụng tiền công đức để đầu tư xây dựng một số công trình lớn, có thể kể đến như:

Xây dựng chùa Đồng 80 tỷ đồng, xây dựng tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông 120 tỷ đồng, xây dựng chùa Một Mái 5 tỷ đồng, trùng tu hệ thống am tháp và mắt rồng 7 tỷ đồng, xây dựng Nhà tổ chùa Giải Oan 4 tỷ đồng, xây dựng trụ sở Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh tại chùa Trình 30 tỷ đồng, xây dựng khuôn viên chùa Trình 3 tỷ đồng, đang xây dựng cung Trúc lâm Yên Tử với khái toán 250 tỷ đồng", ông Nguyễn Anh Tú thống kê.

Ngoài các công trình trên, Chủ tịch UBND TP Uông Bí cho biết, khu di tích Yên tử đã đầu tư xây dựng nhiều công trình cơ sở hạ tầng quan trọng (đường sá, công trình dịch vụ, hệ thống các chùa: Chùa Trình, Suối Tắm, Cẩm Thực, Giải Oan, Hoa Yên..., mở rộng tuyến đường giao thông Yên Tử, tuyến đường kết nối từ Ngọa Vân Đông Triều về Yên Tử, đầu tư xây dựng Rừng quốc gia Yên Tử...).

Tuy nhiên, nguồn kinh phí hàng năm đầu tư, tu bổ sửa chữa và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng để phục vụ du khách về tham quan khu danh lam thắng cảnh Yên Tử; việc chi phí cho hoạt động quản lý lễ hội hàng năm... là từ nguồn ngân sách nhà nước.

Các công trình khác như hệ thống cáp treo, Nội viện chùa Hoa Yên, Trung tâm Lễ hội và dịch vụ du lịch Yên Tử, hệ thống điểm dừng chân dọc tuyến đường hành hương, bến xe… là do Công ty cổ phần Phát triển Tùng Lâm thực hiện.

Được biết, đối với các hạng mục như cáp treo, bãi gửi xe, xe điện do Công ty Tùng Lâm thực hiện, công ty này đã tiến hành thu phí với mức giá cụ thể là: sử dụng cáp treo 300.000 đồng/vé khứ hồi; đi xe điện 20.000 đồng/vé khứ hồi; gửi xe máy 10.000 - 20.000 đồng...

Trao đổi trên báo chí, lãnh đạo Công ty Tùng Lâm cho biết: "Việc sử dụng dịch vụ của công ty hay không là do người dân đến Yên Tử tự quyết định. Hàng năm công ty nộp thuế về ngân sách nhà nước khoảng 40 tỷ đồng".

Ngoài ra, Công ty Tùng Lâm còn cúng vào chùa bằng các việc làm cụ thể như xây dựng quảng trường ở tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông, xây khu nội viện bốn tầng ở chùa Hoa Yên hàng chục tỷ đồng, lan can bậc đá từ chân tháp tổ lên chùa Hoa Yên…

Trước đó, Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử cho biết, du khách đồng tình cao với việc thu phí danh lam thắng cảnh khu di tích Yên Tử và không có phản ứng gì.

Tuy nhiên, phản hồi trên Đất Việt về việc Quảng Ninh thu phí vãn cảnh Yên Tử, nhiều độc giả tiếp tục cho rằng việc thu phí là không hợp lý.

Độc giả tên Văn thẳng thắn cho rằng việc nói du khách đồng tình cao là ngụy biện bởi "người ta là đi lễ chùa cầu bình an, đền chùa là chốn tâm linh. Khi đến nơi rồi thì người ta mới ngã ngửa ra bị thu tiền, chả nhẽ giữa chốn tâm linh chúng tôi lại cãi nhau với các ông,chả nhẽ lại trả tiền lẻ cho tắc đường hay tụ tập phản đối? Vào hoàn cảnh đó thì tặc lưỡi mà trả tiền vé cho xong hay là không đi nữa quay về?".

Theo độc giả tên Xuân, lễ hội Yên Tử là phật tử về với đất Phật, đâu về ngắm danh lam thắng cảnh, không có chùa thì liệu có gì để ngắm mà để mà thu tiền?

"Yên Tử là di tích lịch sử xếp hạng hay danh lam thắng cảnh xếp hạng? Vấn đề là tiền công đức đã quá nhiều rồi thì không nên làm như thế", chị Xuân nhận xét.

Anh Phạm Khoa Vinh cho rằng, dịch vụ thì là dịch vụ còn nguyện vọng của người dân đi hành hương, đi lễ... thì không phải dịch vụ.

Dẫn khu du lịch Đại Nam ở Bình Dương làm ví dụ, một độc giả cho biết:"Ai đã đến khu du lịch tâm linh vui chơi Đại Nam ở Bình Dương trước đây khi viếng chùa ở đây đều phải mua vé chung với khu vui chơi, du lịch, nhưng sau này Ban quản lý ở đây đã tách riêng ai đến khu tâm linh đều miễn phí, chỉ còn hoạt động công đức. Đây là điều mà nhiều nơi còn chưa làm được, làm giảm "tính thiêng" của văn hoá tâm linh rất nhiều!".

tien cong duc yen tu lam gi Khu di tích Yên Tử được đầu tư, tôn tạo như thế nào?

Nhiều công trình ở khu di tích Yên Tử lâu nay được đầu tư, tôn tạo từ tiền công đức của người dân.

tien cong duc yen tu lam gi Thu phí BOT Yên Tử: Du khách đồng tình cao

Đại diện Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử khẳng định, du khách đồng tình cao với việc thu phí vãn ...

/ http://baodatviet.vn