Bên cạnh bản nội quy học sinh, nên chăng các trường học đề ra cả nội quy… cha mẹ học sinh, để đưa các phụ huynh “vào khuôn khổ” theo sở thích, nguyện vọng của họ?
Mùa thu không phải mùa... lạm thu |
Phụ huynh kéo nhau đến trường \'đòi\' thay hiệu trưởng |
Tuần qua, có hai sự việc liên quan đến ngành giáo dục xảy ra tại hai địa điểm cách nhau hàng nghìn km khiến tôi trăn trở mãi…
Câu chuyện thứ nhất khởi nguồn từ dòng status “kêu cứu về việc luân chuyển cán bộ quản lý của Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông” trên trang cá nhân của Phó hiệu trưởng Trường THPT Đào Duy Từ (Đắk Nông). Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông đã yêu cầu vị phó hiệu trưởng phải gỡ bỏ bài viết này vì nội dung không phù hợp.
Câu chuyện thứ hai nảy sinh khi một số phụ huynh, học sinh lên tiếng “tố” cách giáo dục “hà khắc, thiếu tình người” của trường THPT Lương Thế Vinh. Người ta bắt đầu bình phẩm về bản nội quy của ngôi trường, bao gồm cả mục “những điều cấm kỵ khi lên Facebook” yêu cầu học sinh tuyệt đối không dùng Facebook để nói xấu bất cứ ai; nếu like status có nội dung xấu, chủ nhân Facebook sẽ bị quy trách nhiệm; tuyệt đối không được để bạn bè hiểu lầm khi đọc status…
Hai câu chuyện tưởng có chung một “nút thắt” lại tạo nên hai luồng phản ứng trái ngược. Nếu như cách làm của sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông khiến đám đông không đồng tình, vì sở chưa chỉ ra nội dung bịa đặt, hư cấu trong bài đăng của ông phó hiệu trưởng; “bộ quy tắc” về cách ứng xử trên Facebook của trường THPT Lương Thế Vinh tiếp tục nhận được sự ủng hộ của nhiều phụ huynh.
Họ cho rằng việc vạch ra “vùng cấm” nơi mạng ảo là cần thiết, dù có thể chính họ chưa biết cách phân tích, đánh giá một nguồn tin (tốt/xấu) cũng như kiểm soát được cảm xúc của người đọc với bài đăng của mình.
Trước đó, đã có nhiều ý kiến chê trách người mẹ lên Facebook phàn nàn về lượng bài tập về nhà và những hình phạt mà cô giáo chủ nhiệm ở ngôi trường này dành cho con mình.
Có người nhẹ nhàng khuyên bảo, rằng những quy định khắt khe sẽ giúp các em “nên người”. Có người trích dẫn lời nói của thầy Văn Như Cương, khẳng định người mẹ đang nhầm lẫn giữa “nghiêm khắc” và “hà khắc”. Lại có người gay gắt: Không thích thì chuyển trường, vắng mợ thì chợ vẫn đông.
Lúc này đây, cuộc tranh cãi xoay quanh các “triết lý giáo dục” vẫn chưa hạ nhiệt và dễ nhận thấy, hầu hết những người “tố” đều là cựu học sinh, cựu phụ huynh của ngôi trường nổi tiếng.
Cá nhân tôi thì cho rằng, việc status “chưa vơi nụ cười đã rơi nước mắt” lan toả với tốc độ chóng mặt trên Facebook không phải lỗi của vị phụ huynh kia; còn những người đang chỉ trích người mẹ “làm lớn chuyện”, “làm hư con” đang tìm cách áp đặt lối tư duy, quan điểm và mục tiêu giáo dục của mình lên người khác.
Đã bao giờ bạn hỏi: "Hôm nay ở trường con thế nào?".
Một bài đăng trên mạng xã hội thu hút sự quan tâm của dư luận không chỉ vì nội dung “đặc biệt” mà phần nào đó, thể hiện một “tiếng nói chung”, chứng tỏ nó đã tạo ra sự đồng cảm ở nhiều người dùng.
Và người ta chỉ nghĩ đến việc "gỡ" một bài đăng không đúng ý trên mạng và quên chuyện quan trọng hơn - gỡ những khúc mắc ngoài đời thực. Thực tế đã cho thấy, “chiếc khuôn” dù cứng nhắc đến đâu cũng có cách phá vỡ. Sợ nhất là suy nghĩ của chúng ta vừa khít với chiếc khuôn ấy mất rồi.
Thiết nghĩ, để tránh những rắc rối tương tự, các vị Hiệu trưởng ở các trường công lập, tư thục, dân lập nên sớm nghĩ đến việc đề ra bản nội quy…. cha mẹ học sinh, quy định rõ phụ huynh có con em đang theo học tại trường được làm gì và bị cấm làm gì. Nhờ đó mà tất cả bậc phụ huynh dù “coi con là số 1” hay muốn gửi con vào trại lính sẽ biết đâu là môi trường giáo dục phù hợp với... mình nhất. Vì đồng quan điểm với nhà trường nên họ cũng không phải mất công lên Facebook “tố” thầy cô nữa.
Còn những đứa trẻ được học tập, rèn luyện trong môi trường đó sẽ trở nên năng động, sáng tạo hay biến thành một chú rô-bốt ngoan ngoãn, rụt rè thì… hên xui!
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
http://www.nguoiduatin.vn/thua-cac-hieu-truong-da-den-luc-can-ha-khac-voi-phu-huynh-a340795.html