Ông Đỗ Huy Chiến - Phó Chủ tịch UBND quận, Trưởng ban Chỉ đạo 389 quận Long Biên, Hà Nội - đã dành hơn 10 phút để trình bày bản tham luận dài 4 trang giấy, trong đó chú trọng đặc biệt đến hoạt động kinh doanh hàng xách tay trên tuyến phố Nguyễn Sơn.
Diễn biến phức tạp
Chiều 4.1, Ban Chỉ đạo 389 TP.Hà Nội đã tiến hành Hội nghị Tổng kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018.
Theo đó năm 2017, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp, hàng hóa nhập lậu chủ yếu là hàng tiêu dùng như mỹ phẩm, quần áo, đồ gia dụng, điện tử, điện lạnh, lương thực, thực phẩm...
Thống kê từ Chi cục Quản lý thị trường cho thấy, trong năm, các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội đã xử lý 26.143 vụ (tăng 2.554 vụ xử lý so với cùng kỳ năm 2016), trong đó chuyển cơ quan chức năng khởi tố 91 vụ đối với 118 đối tượng.
Cùng với đó, Cục Hải quan thành phố cũng xử lý 886 vụ liên quan đến hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hoá nhập khẩu không có hoá đơn, chứng từ hợp pháp, với số tiền phạt hành chính lên tới 15,104 tỉ đồng.
Đáng chú ý, hội nghị cũng nhiều lần nhắc đến “vấn nạn” hàng hóa dưới tên gọi hàng xách tay đang xuất hiện ngày một nhiều trên thị trường. Theo Ban Chỉ đạo 389, nhóm đối tượng buôn bán mặt hàng này đã lợi dụng chính sách miễn thuế nhập khẩu cho những người nhập cảnh được mang hàng hóa với số lượng cho phép, sau đó thu gom, đem bán, ký gửi… tại các cơ sở kinh doanh gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát.
Kiến nghị xây dựng quy định cho hàng xách tay
Tham luận tại hội nghị, ông Đỗ Huy Chiến - Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên, nơi có con phố Nguyễn Sơn được mệnh danh là “thủ phủ” hàng xách tay - đã dành nhiều thời gian hơn để nói về những việc chính quyền quận đã làm và sẽ làm. Theo ông Chiến, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn quận Long Biên vẫn diễn biến phức tạp.
Nói riêng về tuyến phố Nguyễn Sơn, nơi Báo Lao Động đã có nhiều bài phản ánh về tình trạng kinh doanh hàng xách tay bát nháo, Trưởng ban Chỉ đạo 389 quận Long Biên cho biết, chính quyền quận đã tiếp thu, lập tức cho rà soát và nhận thấy hiện có 28 hộ đang buôn bán hàng xách tay tại đây.
“Lãnh đạo quận trực tiếp tổ chức đối thoại, cùng tìm hiểu khó khăn, vướng mắc và tìm cách giải quyết. 28 hộ kinh doanh này đều có mặt đầy đủ và trình bày nguyện vọng thiết tha mong muốn được kinh doanh hàng xách tay tiếp. Quận Long Biên cũng tự bỏ kinh phí xây dựng video clip tuyên truyền việc chấp hành pháp luật để phổ biến đến tận tổ dân phố” - ông Chiến thông tin.
Ông Chiến kiến nghị: “Đa số hàng xách tay có chất lượng tốt, nhu cầu tiêu dùng của người dân lại cao, nhưng hiện nay chưa có quy định pháp luật cho việc kinh doanh hàng xách tay, do đó chúng tôi kiến nghị nên có quy định cụ thể để kinh doanh mặt hàng này. Tuy nhiên, nếu hàng xách tay là hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng bị cấm thì phải xử phạt”.
Đại diện Ban Chỉ đạo 389 quận Long Biên cũng cho rằng, hiện nay, thủ tục đăng ký kinh doanh một số mặt hàng như thực phẩm chức năng rất phức tạp, liên quan đến nhiều sở, ngành nên các cơ quan liên quan cần tạo thuận lợi cho các hộ kinh doanh...
Bất thường ở “thủ phủ” hàng xách tay Nguyễn Sơn
Bất thường ở chỗ, mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo sau loạt bài phản ánh của Báo Lao Động ... |
Sẽ xóa sổ “thủ phủ” hàng xách tay?
Ngày 24.10, ngày đầu của đợt ra quân, trước sự kiểm tra bất ngờ và gắt gao của các đội chức năng thuộc Chi cục ... |