Sẽ xóa sổ “thủ phủ” hàng xách tay?

Ngày 24.10, ngày đầu của đợt ra quân, trước sự kiểm tra bất ngờ và gắt gao của các đội chức năng thuộc Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội, các hộ kinh doanh tại đây đã chủ động đóng cửa để... “né”.

Một cửa hàng bán đồ xách tay ở trung tâm con ngõ 158 Nguyễn Sơn đã đóng cửa và hạ toàn bộ biển hiệu.

Cả tuyến phố vốn tấp nập bỗng lặng ngắt như tờ, mọi giao dịch ngừng trệ. Tuy nhiên, vẫn có ít nhất 4 cửa hàng đều là những tên tuổi lừng lẫy trong giới bị kiểm tra và xử lý.

Giao dịch ngừng trệ

Đến cuối giờ chiều 27.10, theo quan sát của nhóm PV, khung cảnh tại phố Nguyễn Sơn nói chung và con ngõ 158 nói riêng vẫn trong cảnh ảm đạm, các cửa hàng vẫn cửa đóng then cài. Nếu có mở, thì chỉ một vài shop kéo cửa lên lưng lửng, nhân viên lẫn chủ quán ngồi túm năm tụm ba trước cửa, đưa ánh mắt dáo dác ngó quanh khắp nơi.

Không chỉ vậy, một điều đáng lưu tâm là phần lớn các biển hiệu của các cửa hàng bán đồ xách tay đều đã bị hạ xuống hoặc che bớt chữ “xách tay”.

Thay vào đó, các cửa hàng này đã đổi sang biển “Sửa chữa xe máy”, biển bán “Hàng nhà”... Trong đó, không ít shop dù đã gỡ biển nhưng chưa có biển thay thế và vẫn đóng cửa. Khi hàng loạt biển hiệu đã bị hạ, mọi giao dịch bỗng tê liệt, nhiều người tin rằng, ngày tàn của “thủ phủ” hàng xách tay Nguyễn Sơn đã đến (?!)

Liên quan đến sự việc này, trong Công văn số 2981/QLTT-TH&PHLN ký ngày 25.10 gửi tới Báo Lao Động, Chi cục QLTT Hà Nội cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh, đơn vị này đã lập tức chỉ đạo các đội chức năng đi kiểm tra, xử lý các vi phạm tại phố Nguyễn Sơn.

Bước đầu, đơn vị đã kiểm tra 10 vụ, xử lý 10 vụ và phạt hành chính 73,6 triệu đồng, trị giá hàng vi phạm hơn 147 triệu đồng (hàng hóa vi phạm chủ yếu là mỹ phẩm các loại).

Chi cục QLTT Hà Nội cũng cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các đội chức năng xây dựng và thực hiện các kế hoạch chuyên đề tổ chức phối hợp liên ngành và chính quyền địa phương trong việc kiểm tra giám soát tuyên truyền giáo dục ngăn chặn phòng ngừa. Đặc biệt tiếp tục chỉ đạo Đội QLTT số 16 (quận Long Biên) tham mưu chính quyền địa phương và Ban Chỉ đạo 389 quận chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn tổ chức kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm; đồng thời, chỉ đạo các Đội QLTT cơ động và các Đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc chấp hành các quy định của pháp luật.

“Trái đắng” hàng xách tay

Bình luận về thị trường hàng xách tay tại Việt Nam hiện nay, chuyên gia kinh tế Phan Hùng Sơn dùng một từ rất đơn giản để miêu tả: “Bát nháo”. Ông nói: “Hàng xách tay vì là được coi mang trực tiếp từ nước ngoài về nên mặc định là không có giấy tờ xuất xứ. Thật trớ trêu khi không ít người Việt mù quáng tin rằng, cứ phải không có một chữ tiếng Việt nào trên bao bì thì mới chuẩn là hàng xịn”.

Theo lời ông Sơn, chính vì kẽ hở tâm lý đó, không ít gian thương đã sử dụng chiêu bài quen thuộc để kiếm lời trên lòng tin của người tiêu dùng là trà trộn hàng giả, hàng nhái trong vỏ bọc hàng xách tay.

“Không có gì dễ hơn việc bán hàng giả, nhái nhưng mạo là hàng xách tay. Hàng chính hãng thì còn có hàng mẫu trên thị trường để so sánh, còn có giấy tờ để “soi” xuất xứ. Còn hàng xách tay thì lấy gì so sánh, kiểm chứng? Nhất là với những sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Lúc này, người mua đã phó mặc hoàn toàn niềm tin cho người bán. Còn người bán có trung thực hay không, chỉ họ mới biết”.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng khuyến cáo người tiêu dùng cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi lựa chọn sản phẩm, không nên ham rẻ mà mua về cả “gánh lo” cho mình.

Thực vậy, liên tục trong thời gian vừa qua, tình trạng hàng giả trà trộn trong các shop bán đồ xách tay không còn là chuyện hiếm và cơ quan quản lý cũng khó lòng kiểm soát. Các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử phạt rất nhiều các trường hợp vi phạm này.

Mới đây, Đội QLTT số 14 - Chi cục QLTT Hà Nội đã đồng loạt kiểm tra 3 cơ sở sản xuất tại huyện Chương Mỹ và Phúc Thọ (Hà Nội), thu giữ nhiều máy lọc nước và tem nhãn dùng để sản xuất hàng giả. Những chiếc máy lọc nước này được quảng cáo nhập khẩu từ Nhật Bản, có thể loại bỏ hoàn toàn nhiều chất gây hại trong nước, nhưng trên thực tế, được sản xuất tại xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Tại thời điểm kiểm tra, kho hàng có rất nhiều tem mác nhãn hiệu của nhiều thương hiệu lớn và cả tem chống hàng giả, hàng nhập khẩu nguyên chiếc.

Tiếp theo, ngày 24.10, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, thực hiện lệnh bắt tạm giam Nguyễn Công Doanh (SN 1981, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội), để điều tra về hành vi buôn bán hàng giả.

Trước đó, ngày 10.7, tại một khu chung cư nằm trên đường Quang Trung (Hà Đông, Hà Nội), Đội Quản lý thị trường số 26 phối hợp cùng Tổ kiểm tra tuyến Công an thành phố Hà Nội và Công an quận Hà Đông đã phát hiện, thu giữ lượng lớn mỹ phẩm giả gắn mác hàng hiệu xách tay từ cơ sở mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Được biết, đây là sản phẩm được quảng cáo trên fanpage Spa Venus có công dụng làm trắng da giữ ẩm, trị tàn nhang, mụn, sẹo,... Fanpage này thu hút hàng trăm nghìn lượt theo dõi trên Facebook và giá của mỗi sản phẩm là 150.000 đồng.

Đóng cửa, hạ biển hàng loạt - "thủ phủ" hàng xách tay sắp đến ngày tàn?

Hàng loạt các biển hiệu bán hàng xách tay trên phố Nguyễn Sơn (Hà Nội) đã bị các chủ cửa hàng gỡ xuống. Phải chăng ...

Dễ như đi buôn hàng xách tay

Có lẽ chưa bao giờ, khái niệm “hàng xách tay” lại phổ biến như ở thời điểm hiện tại. Từ mạng ảo đến đời thực, ...

https://laodong.vn/phong-su/se-xoa-so-thu-phu-hang-xach-tay-572632.ldo

/ Báo Lao động