Tháo gỡ nút thắt và mối lo cho các khu kinh tế

Dù đã và đang áp dụng các chính sách ưu đãi đa dạng khác nhau, nhưng các KKT và KCN ở nước ta vẫn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập trong bối cảnh cần tăng tốc chuyển đổi mô hình phát triển và quản lý. Nói cách khác, các KKT và KCN nhiều, mà chưa đủ lực do còn thiếu các cơ chế thích hợp đủ tầm.

Đường băng Sân bay quốc tế Vân Đồn, dài 3.600m, đang được hoàn thiện. Ảnh: Nguyễn Hùng

Nhiều mà chưa đủ...…

Việt Nam là một trong 10 nước trên thế giới có chỉ số cao nhất về chiều dài bờ biển (3.260km), hơn 50 cảng biển, 40 vũng, vịnh và hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết năm 2016, cả nước có 325 khu công nghiệp (KCN), với 94,9 nghìn ha, trong đó 67% tổng diện tích đất tự nhiên có thể cho thuê. Hiện 220 KCN đang hoạt động, 105 KCN đang đền bù giải phóng mặt bằng. Tỉ lệ lấp đầy các KCN đạt 51%, riêng các KCN đã đi vào hoạt động, tỉ lệ lấp đầy đạt 73%.

Cả nước cũng đang có 16 khu kinh tế ven biển (KKT), với 815 nghìn ha tổng diện tích mặt đất và mặt nước; trong các KKT này, hiện có 36 KCN, khu phi thuế quan được thành lập, với tổng diện tích đất tự nhiên 16,1 nghìn ha, trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt 7,8 nghìn ha, chiếm khoảng 48% tổng diện tích đất tự nhiên.

Hiện 14 trong số 36 KCN, khu phi thuế quan đã đi vào hoạt động, với tổng diện tích đất tự nhiên 5,5 nghìn ha. Tổng diện tích đất đã lấp đầy trong các KKT đạt trên 30.000ha, chiếm khoảng 40% tổng diện tích đất sản xuất trong các KKT này.

Tính đến hết tháng 11.2016, tổng số vốn đầu tư đăng ký xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong các KKT là 155 nghìn tỉ đồng (vốn đầu tư trong nước là 133 nghìn tỉ đồng, chiếm 84% tổng vốn đầu tư, vốn đầu tư nước ngoài đạt 1,1 tỉ USD, chiếm 16% tổng vốn đầu tư).

Lũy kế đến hết năm 2016, các KCN trên cả nước thu hút được 7.013 dự án FDI với tổng mức vốn đăng ký đạt 111,4 tỉ USD, vốn thực hiện chiếm khoảng 61%. Các KKT thu hút được 361 dự án FDI, với tổng mức vốn đăng ký đạt 42,2 tỉ USD, vốn thực hiện chiếm khoảng 49% (trong khi, lũy kế đến ngày 20.03.2017, cả nước có 23.071 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 300,7 tỉ USD và vốn thực hiện đạt 158,45 tỉ USD, bằng 49,3% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực).

Đồng thời, các KCN thu hút được 6.504 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký 710,6 nghìn tỉ đồng, vốn thực hiện bằng 51%. Các KKT thu hút được 1.090 dự án trong nước, với tổng vốn đầu tư đạt 809,1 nghìn tỉ đồng, vốn thực hiện bằng 40%.

Các KCN, KKT đạt tổng doanh thu khoảng 145,5 tỉ USD, tăng hơn 9% sơ với năm 2015; kim ngạch xuất khẩu đạt gần 96 tỉ USD, đóng góp gần 53% vào tổng kim ngạch cả nước; kim ngạch nhập khẩu đạt 94 tỉ USD; đồng thời, đóng góp vào NSNN hơn 110 nghìn tỉ đồng (tăng 6% so với năm 2015) và đang thu hút trên 3 triệu lao động. Hiện hàng năm các KKT ven biển mới đạt tổng doanh thu khoảng 6-8 tỉ USD, đóng góp cho NSNN khoảng 500-600 triệu USD...

Có thể nói, các khu kinh tế và công nghiệp là những điểm, vùng động lực góp phần đáng kể cho sự tái cơ cấu, phát triển công nghiệp nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung; tạo nhiều việc làm mới; thúc đẩy chuyển giao công nghệ; thu hút một khối lượng lớn vốn đầu tư... cho phát triển kinh tế và quản lý chất thải, bảo vệ môi trường và góp phần giữ vững chủ quyền quốc gia trên biển và gìn giữ an ninh quốc phòng tuyến biên giới đất liền.

Mục tiêu được đặt ra là đến năm 2020, các khu kinh tế ven biển trên cả nước đóng góp từ 53%-55% GDP quốc gia và 55%-60% tổng kim ngạch xuất khẩu... Tuy nhiên, dù đã và đang áp dụng các chính sách ưu đãi đa dạng khác nhau, nhưng các KKT và KCN ở nước ta vẫn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập trong bối cảnh cần tăng tốc chuyển đổi mô hình phát triển và quản lý. Nói cách khác, các KKT và KCN nhiều, mà chưa đủ lực do còn thiếu các cơ chế thích hợp đủ tầm...…

Còn đó hai mối lo...…

Trong bối cảnh đó, việc thành lập đặc khu kinh tế ở Việt Nam được đặt ra như một lời giải mới và đang từng bước được hiện thực hóa qua chủ trương xây dựng các khu hành chính - kinh tế đặc biệt, trước mắt ở Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).

Đặc trưng nổi bật của các đặc khu kinh tế là sự phát triển đa dạng và tổng hợp các hoạt động kinh tế-xã hội như một quốc gia thu nhỏ, nơi mà các doanh nghiệp và nhà đầu tư được hưởng môi trường kinh doanh có tính chất tự do hóa cao nhất, các thủ tục hành chính tự động hóa và thời gian rút ngắn chỉ còn mức tối thiểu, các nghĩa vụ tài chính thấp nhất, cơ sở hạ tầng hiện đại và sự kết nối cao với các thị trường khu vực và thế giới. Mức độ ưu đãi càng cao khi ra đời càng muộn và các mục tiêu thành lập đặc khu càng đa dạng...

Được chuẩn bị từ 2014, đặt lên bàn Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 11.9, được thảo luận tại Quốc hội vào chiều 10.11, dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (dự án) đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Mục tiêu của dự án nói riêng, của lập đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt nói chung, là nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thành lập, phát triển, quản lý và hoạt động của các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, trước mắt là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang); hình thành khu vực động lực mới, tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế hiện đại và ưu tiên hướng ngoại, kết nối toàn cầu và có giá trị gia tăng cao; tại môi trường thuận lợi cho khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, các ngành khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới; phát triển các dịch vụ hậu cần cảng biển và sân bay, cũng như các dịch vụ chất lượng cao, nổi bật là thương mại, tài chính, du lịch nghỉ dưỡng, công nghiệp giải trí và y tế; đồng thời, tạo lập hệ sinh thái hiện đại, xanh, sạch, an toàn; gia tăng cơ hội đầu tư, việc làm mới, cải thiện thu nhập người dân và tăng nguồn thu ngân sách nhà nước.

Một loạt ưu đãi đặc thù được đề xuất trong dự án để bảo đảm cho sự thành công của các khu hành chính-kinh tế đặc biệt này, tập trung vào đáp ứng yêu cầu về bộ máy quản lý hành chính tinh gọn và hiệu quả, được phân cấp, phân quyền, giao quyền tự chủ mạnh, nhất là quyền lập quy về kinh tế; đơn giản hóa thủ tục hành chính và xóa bỏ hạn chế về đầu tư kinh doanh; thiết lập nội dung quản lý và các mức ưu đãi vượt trội thông thường và có tính cạnh trạnh quốc tế cao, nhất là về ưu đãi thuế, phí; ưu đãi đầu tư vào ngành, nghề ưu tiên phát triển trong từng thời kỳ phù hợp nhu cầu thị trường mà Việt Nam có lợi thế so sánh. Đồng thời, giành sự hỗ trợ ban đầu của Chính phủ để đầu tư hạ tầng quan trọng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao...

Trong dự án này dự kiến hàng loạt các ưu đãi đặc thù, không chỉ vượt trội so với môi trường thể chế hiện hành cả nước, mà còn có nhiều điểm vượt trội so với “mặt bằng chính sách ưu đãi” của các đặc khu thế giới, cả về độ mở cho hoạt động đầu tư kinh doanh nói chung và cho nhà đầu tư nước ngoài nói riêng, nhất là về các ngành, lĩnh vực dịch vụ, các mức thuế và phát triển kết cấu hạ tầng; dịch vụ hỗ trợ đầu tư; ưu đãi đầu tư; đất đai; lao động; giải quyết tranh chấp; thu hút ngoại kiều; xuất nhập cảnh...

Tuy nhiên, qua nhiều ý kiến cả trên nghị trường và ngoài dư luận, trong số các chính sách quản lý đặc khu thí điểm được đề xuất ở nước ta, nổi lên hai điểm nhấn quan trọng nhất và cũng nhạy cảm nhất:

Thứ nhất, chưa có đề xuất cơ chế kiểm soát quyền lực đủ mạnh và thuyết phục, vừa tạo đột phá, vừa thống nhất với các thể chế chính trị và quản lý nhà nước chung khi giao cho người đứng đầu các khu này quyền quyết định cao nhất và rộng rãi trong quản lý nhà nước đối với mọi hoạt động ở đây. Việc thiếu cụ thể hóa mô hình tổ chức Đảng và các đoàn thể chính trị xã hội và nghề nghiệp khác, làm rõ cơ chế quan hệ của chúng với người đứng đầu các khu hành chính-kinh tế đặc biệt, cũng là một quan ngại và khoảng trống trong dự án này.

Thứ hai, chưa có sự đánh giá tác động và cơ chế phòng ngừa việc lạm dụng giao đất với thời hạn tới 99 năm như một ưu đãi cao nhất để hấp dẫn nhà đầu tư chiến lược đầu tư lâu dài tại các khu này.

Đặc biệt, cần cân nhắc kỹ càng các điều kiện và tiêu chí loại trừ, vô hiệu hóa quyền sử dụng đất đai đã giao và các cơ chế phòng ngừa chặt chẽ về pháp lý và chế tài có hiệu lực đủ mạnh kiểm soát sự lạm dụng việc cho phép cấp quyền sử dụng đất đai lâu dài quá mức thông thường, nhất là ngăn chặn trước tình trạng lợi ích nhóm và tư duy nhiệm kỳ chi phối, chỉ “thấy cây mà không thấy rừng”, thấy lợi ích kinh tế trước mắ,t mà không thấy lợi ích chiến lược quốc gia về an ninh và toàn vẹn lãnh thổ, khiến “chọn nhầm” đối tác, hoặc bị rơi vào mưu kế “con ngựa thành Tơroa”...!?

Nhiều KKT, KCN và đặc khu, nhưng thiếu chính sách và cơ chế phù hợp thì hạn chế các thành công của các khu này; nhưng nhiều chính sách ưu đãi đặc thù vượt trội mà thiếu cơ chế kiểm soát hiệu lực cần thiết thì cũng đáng quan ngại về sự phát triển thành công theo hướng bền vững, không gây hệ lụy đắt đỏ nhiều mặt cho các thế hệ xưa và tương lai, trong khi có thể cho phép khai thác những tiềm năng lợi ích kết nối và lan tỏa to lớn của mô hình đặc khu trong phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn và trong cả nước.

Đặc khu kinh tế để làm gì?

Khi đề cập đến sự phát triển thần kì của Trung Quốc, người ta hay nhắc đến Thâm Quyến. Trong năm 1978, khi quốc gia ...

Bãi bồi muốn thành \'Manhattan TQ\': Đặc khu 3.0 bằng đột phá chính sách

Tiền Hải, vùng bãi bồi ven biển chỉ vỏn vẹn 15 km2, được chính phủ Trung Quốc quy hoạch thành đặc khu nằm trong đặc ...

TS Lưu Bích Hồ: Việt Nam nói nhiều, chưa làm đã lo...

Nền kinh tế Trung Quốc vốn tác động trực tiếp tới Việt Nam, nhưng chỉ lấy cái tinh chất để xây dựng mô hình mới.

(https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/thao-go-nut-that-va-moi-lo-cho-cac-khu-kinh-te-576643.ldo)

/ Theo TS Nguyễn Minh Phong/Lao động