Tham vọng lập đội quân cát cứ có thể khiến Mỹ sa lầy ở Syria

Lực lượng an ninh biên giới do Mỹ lập ra ở Syria có thể gây ra cảnh "nồi da xáo thịt", khiến Mỹ lún sâu hơn vào xung đột.

tham vong lap doi quan cat cu co the khien my sa lay o syria

Các nữ chiến binh thuộc lực lượng dân quân người Kurd ở Syria. Ảnh: AFP.

Lầu Năm Góc vừa lên kế hoạch thành lập một đội quân an ninh biên giới 30.000 người gồm các lực lượng do Mỹ hậu thuẫn nhằm kiểm soát khu vực rộng lớn phía bắc Syria sau khi tiêu diệt phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Các quan chức quân sự Mỹ tin rằng đây là một "giải pháp thông minh" để đảm bảo sự tồn tại của các lực lượng vũ trang được Mỹ huấn luyện, hỗ trợ ngay cả khi cuộc chiến chống IS đã kết thúc. Tuy nhiên, giới phân tích lo ngại rằng kế hoạch đầy tham vọng đó thực chất là việc thành lập một "vùng cát cứ" chống lại chính quyền trung ương Syria, có thể làm gia tăng căng thẳng và bùng phát xung đột, khiến Mỹ lún sâu hơn vào cuộc chiến ở quốc gia Trung Đông này, theo NYTimes.

Hậu quả của cuộc chiến chống IS là đất nước Syria bị chia cắt làm hai phần, với ranh giới là sông Euphrates. Quân đội chính phủ Syria do Nga hậu thuẫn kiểm soát lãnh thổ phía tây nam sông Euphrates, còn phía đông bắc là vùng hoạt động của các đội quân do Mỹ hậu thuẫn, gồm Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF), dân quân Arab thân Mỹ và dân quân người Kurd (YPG).

Mỹ cho rằng đây là cơ sở để thành lập một lực lượng an ninh biên giới với mục đích bảo vệ phần đất mà SDF và YPG đã chiếm được từ bờ đông sông Euphrates tới tận biên giới phía bắc với Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq. Washington cam kết sẽ hỗ trợ lực lượng này trong ít nhất hai năm.

Lực lượng an ninh biên giới sẽ là một phiên bản tái cấu trúc của SDF, theo Mostafa Bali, người phát ngôn của nhóm này. Ông này tuyên bố các thành viên của lực lượng đều là những người "được huấn luyện chuyên nghiệp như lính biên phòng" để thực hiện "nghĩa vụ đạo đức" là ngăn chặn sự trỗi dậy của IS.

Lầu Năm Góc cho rằng kế hoạch này không có gì mới mẻ, nhưng nó lâp tức làm dấy lên nỗi lo ngại trong khu vực rằng Mỹ đang tìm cách hỗ trợ người Kurd xây dựng một "lãnh địa" riêng chia cắt đất nước Syria, với khu vực kiểm soát rộng lớn và lực lượng vũ trang hùng hậu.

Kế hoạch này vấp phải sự phản đối dữ dội của chính phủ Syria và các đồng minh Nga, Iran, bởi nó có thể khiến đất nước Syria đánh mất hoàn toàn sự toàn vẹn lãnh thổ. Chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad muốn khôi phục quyền kiểm soát trên toàn bộ lãnh thổ Syria và phản đối bất cứ ý đồ can thiệp nào của Mỹ ngoài phạm vi thỏa thuận hòa bình đã được nhất trí.

Nguy hiểm hơn, kế hoạch lập đội quân an ninh biên giới của Mỹ ở Syria có thể châm ngòi cho một giai đoạn chiến tranh mới ở khu vực, khi các đồng minh, đối tác của Mỹ quay sang tranh giành ảnh hưởng, đấu đá lẫn nhau và có thể kéo Mỹ sâu hơn vào xung đột.

Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh của Mỹ và là thành viên NATO, lại là quốc gia thể hiện sự giận dữ quyết liệt nhất đối với kế hoạch. Ankara không ủng hộ chính phủ của ông Assad, nhưng cũng coi dân quân người Kurd là kẻ thù nguy hiểm. Họ luôn phản đối quyết liệt việc trao quyền tự trị cho người Kurd ở miền bắc Syria, tiếp giáp với khu vực kiểm soát của Đảng Công nhân người Kurd Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng bị Ankara coi là khủng bố.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua đã tăng cường lực lượng, điều xe tăng, thiết giáp đến biên giới, tuyên bố sẽ "nghiền nát" lực lượng an ninh biên giới này ngay trước khi nó được Mỹ thành lập.

tham vong lap doi quan cat cu co the khien my sa lay o syria

Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa sẽ đưa xe quân vào lãnh thổ Syria để tiêu diệt lực lượng an ninh biên giới do Mỹ thành lập. Ảnh: Sputnik.

Nếu Ankara đưa quân qua biên giới, một cuộc chiến lớn có thể bùng phát giữa các đồng minh của Mỹ, gồm Thổ Nhĩ Kỳ, các nhóm nổi dậy người Arab ở Syria và dân quân người Kurd. Tình cảnh "nồi da nấu thịt" này sẽ khiến chính sách của Mỹ ở Syria vốn đã mù mờ càng trở nên tăm tối.

Đội quân của người Kurd cũng có thể xung đột với quân đội chính phủ Syria trong nỗ lực bảo vệ vùng tự trị của mình. Chiến sự giữa người Kurd với quân nổi dậy do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn cũng có thể nổ ra ở biên giới, tạo ra những trắc trở mới cho tiến trình hòa bình đầy gập ghềnh ở Syria.

Giải pháp thiếu căn cơ

Các quan chức Mỹ và chính quyền người Kurd đã tìm cách xoa dịu những lo ngại và giận dữ khi nói rằng đội quân 30.000 người này "không phải là mối đe dọa với bất cứ ai", kể cả Thổ Nhĩ Kỳ, theo ông Bali.

Ông này khẳng định kế hoạch của Mỹ sẽ không chia cắt Syria mà chỉ tạo ra một nước Syria mới theo hình thức liên bang hoặc phân quyền. "Syria nên là một quốc gia liên bang thống nhất, giống như Mỹ hoặc Nga", Abdelkareem Omar, quan chức chính quyền người Kurd ở Syria, tuyên bố. "Tầm nhìn này của chúng tôi không đe dọa sự toàn vẹn của Syria, cũng như an toàn và an ninh của các nước xung quanh".

Một số nhà phân tích Mỹ cũng tỏ ra đồng tình với kế hoạch này. "Điều này đảm bảo IS sẽ bị đánh bại thật sự và những điều kiện để chúng trỗi dậy bị loại bỏ", Andrew J. Tabler, chuyên gia về Syria tại Viện Chính sách Cận Đông, nhận định. "Kế hoạch này không nhằm tạo ra một nhà nước của người Kurd hay một nội phận lâu dài".

Nhưng nhiều chuyên gia phản đối ý kiến trên, cho rằng Mỹ về cơ bản đang "hậu thuẫn cho một nhà nước độc lập ở phía bắc sông Euphrates", nơi có trữ lượng dầu mỏ, khí đốt dồi dào cùng đập thủy điện lớn nhất của Syria.

tham vong lap doi quan cat cu co the khien my sa lay o syria

Các khu vực kiểm soát hiện nay ở Syria. Đồ họa: Liveaumap.

"Nó sẽ trở thành một nhà nước người Kurd trên thực tế nếu được Mỹ tiếp tục bảo vệ và hỗ trợ tài chính", Joshua M. Landis, chuyên gia về Syria tại Đại học Oklahoma, nói.

Nhiều người tỏ ra hoài nghi về cam kết bảo vệ khu vực này trong hai năm của Mỹ, bởi trên thực tế, Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và chính quyền Damascus mới là những thế lực có tiềm lực cả về chính trị và quân sự để định đoạt tương lai cho Syria, trong khi Mỹ ngày càng tỏ ra đuối thế trên bàn cờ chính trị ở quốc gia này.

Ông Landis tin rằng kế hoạch thành lập lực lượng an ninh biên giới chỉ là một phương án "chữa cháy" của Mỹ nhằm đảm bảo duy trì ảnh hưởng và hiện diện quân sự của họ ở Syria trước đối thủ Nga và Iran, chứ không phải là một giải pháp căn cơ với người Kurd.

Người Kurd dường như cũng nhận ra được tình thế này. Không chỉ hợp tác với Mỹ, họ đang ngày càng trở nên cởi mở hơn với người Nga. Theo các chuyên gia phân tích, việc duy trì các kênh liên lạc với Nga giúp người Kurd nâng tầm vị thế trước Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời chừa lại cho mình lối thoát để hòa giải với chính phủ Syria trong trường hợp các phương án khác thất bại.

Trí Dũng

/ https://vnexpress.net