Công ty TNHH MTV Nam Triệu phải lắp hộp số Nhật theo đúng hợp đồng, hộp số có tỷ số truyền 4.
Ngày 4/8, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định cho biết, Sở vừa có buổi làm việc với Công ty TNHH MTV Nam Triệu, Trung tâm Đăng kiểm tàu cá và một số chủ tàu để tiếp tục bàn bạc, thống nhất phương án sửa chữa tàu vỏ thép theo.
Một trong những vấn đề được các chủ tàu vỏ thép đề cập đến nhiều là hộp số của máy tàu.
Nhiều tàu cá của ngư dân Bình Định mới đi vào hoạt động khai thác chưa lâu đã hư hỏng nằm bờ khiến ngư dân lỗ nặng. Ảnh: Dân trí |
"Trước đây công ty đóng tàu lắp hộp số giả, dùng máy Trung Quốc. Vừa rồi kiểm tra mới yêu cầu phải thay lại bằng máy của Nhật. Nhưng hộp số của Nhật thì bà con ngư dân cứ nghĩ là phải đưa vòng tua 5.0 cho mạnh, sau đó Sở họp và đề nghị Trung tâm Đăng kiểm tàu cá của Bộ NN-PTNT phải tính lại vòng tua phù hợp là bao nhiêu.
Trung tâm Đăng kiểm giải thích rằng, nếu sử dụng hộp số có tỷ số truyền 5.0 thì không phù hợp và đơn vị tư vấn thiết kế yêu cầu chỉ sử dụng hộp số có tỷ số truyền từ 3.1 đến 4.1, nếu không đưa vào sẽ hỏng máy. Hiện Sở đang thảo luận với ngư dân như vậy", ông Phan Trọng Hổ thông tin.
Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định khẳng định, chắc chắn công ty đóng tàu phải sử dụng hộp số của Nhật, phần tiền chênh lệch giữa hộp số Nhật và hộp số Trung Quốc thì công ty phải trả lại cho ngư dân.
Đứng ở góc độ chuyên môn, TS Nguyễn Quang Phái (nguyên cán bộ Viện Khoa học Công nghệ tàu thủy) giải thích thêm, trên tàu, hộp số truyền công suất từ máy chính theo đường trục dẫn đến chân vịt.
"Việc quyết định tỷ số truyền của hộp số là bao nhiêu phụ thuộc vào người thiết kế chứ không phải ý muốn của ngư dân hay nhà máy.
Chẳng hạn, vòng quay của máy là 2.000 và người thiết kế chọn vòng quay cho trục chân vịt là 1.000 vòng/phút thì tỷ số truyền là 2. Nhưng nếu họ chọn vòng quay cho trục chân vịt là 500 vòng/phút thì lúc đó tỷ số truyền phải là 4.
Cho nên, tỷ số truyền phải do người thiết kế quy định. Nếu vòng quay của máy truyền ra không đúng với vòng quay của chân vịt thì sẽ lãng phí hoặc nặng tải", TS Nguyễn Quang Phái phân tích.
Cũng theo vị chuyên gia, giữa hộp số của Trung Quốc và hộp số của Nhật, đương nhiên hộp số của Nhật tốt hơn. Trong hộp số đòi hỏi mô men truyền phải lớn hơn mô men thực tế của máy truyền ra chân vịt. Nếu chọn hộp số tồi hơn thì mô men kém hơn, gây thiệt hại đến đường trục.
Mặt khác, chất lượng của các bánh răng, trục, ổ bi cũng phải đảm bảo yêu cầu.
"Khi người thiết kế chọn, chắc chắn họ sẽ chọn hộp số của Mitsubishi và hộp số có tỷ số truyền bao nhiêu tốt nhất cứ làm theo quyết định của thiết kế", TS Phái nhấn mạnh.
Sợ tàu nằm bờ, ngư dân đồng ý sửa chắp vá? Cũng liên quan đến việc sửa chữa tàu vỏ thép đóng hỏng tại Bình Định, báo Dân Việt dẫn lời ngư dân Mai Văn Chương- Chủ tàu BĐ 99179 TS cho biết, ông đã thống nhất với công ty TNHH Đại Nguyên Dương về việc phần vỏ tàu là thép Trung Quốc không đạt cấp thép A (theo QCVN 21:2010/BGTVT) sẽ được tháo bỏ để thay thế, còn phần vỏ đạt cấp thép A sẽ được giữ nguyên. "Tôi đã đồng ý ký vào văn bản nhưng rất sợ khi ra khơi tàu lại hỏng vì theo biên bản xác nhận khối lượng thực hiện là thép Hàn Quốc chứ không phải Trung Quốc. Nhưng nếu ngư dân yêu cầu tháo hết thép Trung Quốc thay mới thì phải nằm bờ nữa, nợ nần tôi sợ hãi quá rồi”, ngư dân Chương chia sẻ. Ngư dân Nguyễn Văn Lý- Chủ tàu BĐ 99004 TS cho hay: “Hiện tại, tàu đã được kéo lên đà để khắc phục sự cố. Ngành chức năng tiến hành lấy mẫu thép tại vị trí boong và đáy tàu để đi kiểm tra chất lượng. Thế nhưng, lúc này ngư dân chúng tôi vẫn chưa nhận được kết quả”. Ông Lý yêu cầu: “Phần thép Trung Quốc không đủ cấp thép A nhất định phải tháo ra, giữ lại thép đủ cấp A… nhưng yêu cầu công ty trả tiền chênh lệch cho ngư dân trả nợ cho ngân hàng. Bên cạnh đó, hầm đá hỏng, bóng điện thiếu so với hợp đồng… công ty phải làm đúng hợp đồng, kinh phí thiết kế lại mành chụp do công ty chịu trách nhiệm”. Trong khi đó, trao đổi với Đất Việt, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định thông tin, việc sửa chữa, khắc phục tàu vỏ thép đóng hỏng vẫn đang làm theo đúng tiến độ UBND tỉnh đề ra. Tuy nhiên, do thời tiết mưa nhiều nên việc sơn tàu bị ảnh hưởng. "Do mưa nên công ty đóng tàu mới sơn xong 1 chiếc tàu và họ đang đẩy nhanh tiến độ. Do địa điểm sửa chữa chỉ chứa được 12 tàu nên sau khi xong tàu nào, hạ thủy xong họ mới đưa máy vào trong. Sở đang giục các công ty đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu đến ngày 30/8 sẽ hoàn thành nhưng vừa qua mất cả tuần mưa nên cũng giờ không biết thế nào", ông Hổ nói. |