Xoay quanh vụ tai nạn đường sắt thảm khốc tại Thanh Hóa, có một nghịch lý được thấy rằng, mỗi ngày, tính mạng hàng ngàn hành khách đang phải đặt cược tính mạng cho các nhân viên gác chắn đường ngang...
Chuyến tàu định mệnh của hơn 400 hành khách
Vì sao một loại phương tiện vận chuyển đặc thù, chuyên biệt với quy trình vận hành chặt chẽ như tàu hỏa lại có thể xảy ra sự cố nghiêm trọng như vậy?
Vì sao một chuyến tàu chở sinh mạng bao con người lại xảy ra sự cố không thể tin khi phải lựa chọn đối đầu với xe tải vào rạng sáng ngày 24/5?
Hàng trăm tính mạng của hành khách không thể bỗng chốc bị tiêu tan, phá hủy bởi sự lơ là tắc trách đến ngớ ngẩn của nhân viên gác chắn đường ngang như vậy?
Liên quan đến vụ tai nạn thảm khốc xảy ra vào rạng sáng 24/5, tại địa phận xã Trường Lâm (huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa), cú tông trực diện quá mạnh đã khiến chiếc xe tải hạng nặng chở đá bị hất văng, lật nghiêng bên đường sắt.
Nghiêm trọng hơn, nhiều toa tàu đã bị lật xuống ruộng. Vụ tai nạn thương tâm đã khiến nhiều người thương vong. Trong đó, 2 lái tàu tử vong tại chỗ và mắc kẹt trong toa, 6 người khác đã nhập viện, rất nhiều hành khách khác bị thương và trong tình trạng hoảng loạn.
Nguyên nhân ban đầu được xác định, đoàn tàu SE19 đã tông trực diện vào một chiếc xe tải lưu thông qua trạm chắn gác đường sắt.
Vụ tai nạn đường sắt thảm khốc xảy ra vào rạng sáng ngày 24/5.
Thông tin mới nhất, ngày 25/5/2018, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất với viện Kiểm sát nhân dân tỉnh quyết định khởi tố vụ án hình sự “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại điều 360 - Bộ luật Hình sự năm 2015; Khởi tố 02 bị can là nhân viên gác chắn đường ngang của công ty Đường sắt Thanh Hóa gồm: Nguyễn Văn Hùng, sinh năm 1983 và Phạm Văn Vui, sinh năm 1978, cùng trú tại thôn Khoa Trường, xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa về hành vi thiếu trách nhiệm để xảy ra vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, đồng thời ra lệnh tạm giam 3 tháng đối với 02 bị can trên.
Những vụ tai nạn đường sắt thương tâm do lỗi chủ quan từ con người không còn là cá biệt, thậm chí mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn.
Không ít vụ tai nạn thảm khốc mà lỗi do chính những người được giao nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho các đoàn tàu đi đến nơi về đến chốn như nhân viên gác chắn... gây ra.
Mỗi chuyến tàu chuyên chở hơn 400 con người, ước tính mỗi ngày có cả chục chuyến tàu lưu thông chở hàng ngàn hành khách, nếu xảy ra tai nạn thì sẽ thành thảm họa. Rõ ràng nhiều vụ tai nạn đường sắt gần đây cho thấy một bộ phận gác chắn rất thiếu trách nhiệm, trong khi chính họ đang nắm giữ hàng trăm sinh mạng trong tay.
Chỉ vì một chút chủ quan thiếu trách nhiệm của một bộ phận, mà kéo theo biết bao gia đình ly tán, chìm trong mất mát đau thương, biết bao thiệt hại về người và tài sản không thể nói hết. Là sự mất mát đến quặn lòng khi con gái không được biết sự ra đi của cha, nỗi đau chết đi sống lại của người vợ cách chồng chỉ sau một chuyến tàu, của người mẹ già ngất lịm khi đưa thi thể con về...
Phải xác định rõ trách nhiệm thuộc về ai?!
Vậy ai sẽ phải chịu trách nhiệm khi tai nạn giao thông liên quan đến đường sắt gia tăng hay là vẫn cứ để theo kiểu “cha chung không ai khóc” như thời gian qua?
Trong khi đó, theo Ủy ban ATGT Quốc gia, với hàng nghìn đường ngang, lối đi dân sinh qua đường sắt là thách thức lớn trong việc đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, theo luật hiện hành, trách nhiệm chính về mặt đầu tư, đảm bảo an toàn hành lang đường sắt, đường gom, đường ngang… thuộc ngành đường sắt.
Ngoài ra, chính quyền địa phương nơi có đường sắt đi qua có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với ngành đường sắt để đảm bảo an toàn. Nhiều chuyên gia cho rằng, dù với bất cứ lý do gì, chính quyền sở tại cũng không thể vô can.
Nói về thực trạng tàu hỏa chạy cắt đường ngang dân sinh hiện nay còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, vấn đề này đã nói đến nhiều nhưng ngành Đường sắt, bộ Giao thông Vận tải dường như vẫn loay hoay, chưa có một đáp án chính xác để giải quyết triệt để.
Rồi đây có thể những người gác rào chắn và những người có trách nhiệm liên quan trong vụ tai nạn tàu SE19 sẽ bị xử lý, thậm chí phải chịu trách nhiệm hình sự để trả giá cho sự cẩu thả của mình.
Nhưng nếu không sớm xác định được nguyên nhân, tìm giải pháp khắc phục triệt để những sự cố tàu hỏa như trên thì một khi để xảy ra tai nạn, hậu quả thật khôn lường.
Có lẽ đã đến lúc cần rà soát đội ngũ nhân viên đảm bảo an toàn đường sắt, ngoài trình độ chuyên môn được đào tạo đảm bảo, phải siết lại kỷ luật kỷ cương, nâng cao ý thức kỷ luật, cảnh giác mỗi ngày để những thảm họa đường sắt không thể xảy ra.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Hành khách tàu SE19 giúp nhau thoát khỏi toa xe lật
Trong ánh đèn pin điện thoại yếu ớt, những người đàn ông, cả khách Tây, cùng đập vỡ cửa kính, cứu người bị mắc kẹt ... |
Tai nạn đường sắt kinh hoàng: Rào chắn điện tử không hoạt động
Thời điểm xảy ra vụ tai nạn đường sắt khiến 10 người thương vong ở Thanh Hóa, tại chốt barie có 2 người gác chắn ... |
Ngổn ngang hiện trường vụ tai nạn đường sắt 10 người thương vong
Do vụ tai nạn đường sắt đặc biệt nghiêm trọng nên đến khoảng 9 giờ 30 phút sáng nay 24-5, công tác khắc phục vẫn ... |
Thục Nguyên