Tổng thống Erdogan cam kết "quét sạch" người Kurd bằng chiến dịch đánh tràn qua biên giới Syria, đưa cuộc chiến ở quốc gia Trung Đông bước vào chương căng thẳng mới.
Tổng thống Erdogan cam kết "quét sạch" người Kurd ở Syria.
Nước cờ đầy toan tính và mạo hiểm
Tình hình trên biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ đã trở nên căng thẳng thời gian gần đây khi Ankar vừa phát động một cuộc tấn công mới ở miền Bắc Syria chống lại các lực lượng người Kurd mà nước này cáo buộc là khủng bố.
Chiến dịch Nhành Ô liu do lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đầu với các cuộc không kích vào các mục tiêu của người Kurd ở Afrin vào hôm 20/1 và khởi động chiến dịch tấn công mặt đất hôm 21/1.
Lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ đã nã pháo vào vị trí của lực lượng Các đơn vị Bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) mà nước này cho rằng có liên hệ mật thiết với Đảng Công nhân Kurdistan (PKK) – vốn được coi là một tổ chức khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước khác.
Động thái của Ankara gây ra lo ngại sẽ càng xoáy sâu căng thẳng đến mức không thể cứu vãn với Mỹ khi Washington vốn là bên đang hậu thuẫn YPG trong cuộc chiến chống tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Chiến dịch Nhành Ô liu không phải lần đầu tiên Ankara dùng đến lực lượng quân sự để ngăn chặn tầm ảnh hưởng mở rộng của người Kurd.
Chiến dịch Tấm khiên Euphrates khởi động với mục tiêu chống IS hồi năm 2016, cũng được cho là tìm cách ngăn chặn người Kurd ở Syria thành lập Nhà nước độc lập ở phía Bắc nước này.
Vào tháng 3/2017, Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ quyết định chấm dứt chiến dịch Tấm khiên Euphrates với lý do mục tiêu đã hoàn thành.
Hội đồng An ninh Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ chỉ ra rằng nước này đã thành công trong việc đảm bảo an ninh quốc gia, bao gồm cả ngăn chặn các mối đe dọa từ IS.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích và các nhà bình luận đã cho rằng, ngoài các mục tiêu tuyên bố đánh bại chủ nghĩa khủng bố, chiến dịch quân sự này thực tế coi YPG là mục tiêu và muốn ngăn chặn người Kurd thống nhất hai vùng lãnh thổ ở Tây bắc và Đông bắc Syria.
Theo các nhà phân tích, Thổ Nhĩ Kỳ thất bại trong việc đạt được tất cả những mục tiêu đặt ra trong hoạt động Tấm khiên Euphrates.
"Thổ Nhĩ Kỳ đã không thể đạt được tất cả mục tiêu của mình trong chiến dịch Tấm khiên Euphrates kể từ khi PKK và YPG nhận được hỗ trợ trong khu vực", chuyên gia an ninh và chống khủng bố Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Agar nói với Sputnik.
Do đó, lần này nhiều khả năng Thổ Nhĩ Kỳ muốn khởi động một chiến dịch mới vẫn là những mục đích liên quan đến vấn đề người Kurd, các chuyên gia cho biết.
"Kết quả không tốt từ chiến dịch trước không có nghĩa là Ankara sẽ từ bỏ kế hoạch đánh bật người Kurd ở Syria trong tương lai", Volkan Ozdemir, người đứng đầu viện Thị trường và Chính sách Năng lượng (EPPEN) Thổ Nhĩ Kỳ, nhận xét.
Vấn đề người Kurd
Vấn đề người Kurd là mối quan tâm cho Thổ Nhĩ Kỳ, Iran lẫn Syria.
Người Kurd kiểm soát hai khu vực rộng lớn ở miền Bắc Syria. Đầu tiên là khu vực kéo dài từ Manbij ở miền Tây Syria đến biên giới phía Bắc với Thổ Nhĩ Kỳ và Raqqa ở phía Nam.
Thứ hai là Afrin Canton ở miền Bắc Syria, một trong bốn bang của Rojava, khu vực người Kurd kiểm soát ở Syria.
Người Kurd ở Syria muốn thống nhất hai khu vực và ý định thành lập một nhà nước tự trị, tương tự như những gì người Kurd ở Iraq đang nỗ lực thời gian qua, nơi một cuộc trưng cầu độc lập đã diễn ra vào năm ngoái, dẫn đến tình hình căng thẳng gia tăng giữa Baghdad và chính quyền người Kurd.
Thổ Nhĩ Kỳ đã kịch liệt phản đối ý tưởng về chính quyền người Kurd tự trị ở Syria. Lý do là bởi quyền tự trị của người Kurd ở quốc gia này sẽ truyền cảm hứng cho những tham vọng tương tự với người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Rào cản lớn nhất trong mục tiêu ngăn ngừa mối đe dọa hiện hữu đến từ người Kurd đối với Thổ Nhĩ Kỳ lại là thực tế trái ngang: Người Kurd ở Syria là một đồng minh của Mỹ.
Mỹ tiến hành huấn luyện quân sự cho các đơn vị người Kurd ở Syria vào năm 2015 kể từ khi Washington tin rằng họ là đồng minh đáng tin cậy nhất trong cuộc chiến chống IS và bảo vệ lợi ích của Mỹ trong khu vực.
Là một đồng minh NATO, Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ phản ứng kịch liệt với chính sách gây tổn hại lợi ích của mình đến từ Washington.
"Thật không may, người bạn của chúng tôi từ NATO – Mỹ, tiếp tục cung cấp xe tải và vũ khí cho những kẻ khủng bố (YPG). Đây là vấn đề chúng tôi quan tâm", Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết tại một cuộc họp báo hồi đầu tháng 1.
Đầu tháng này, tờ Asharq Al-Awsat báo cáo rằng Mỹ đang có kế hoạch hậu thuẫn cho nhóm đối lập Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) - (với thành phần chiếm đa số là người Kurd) kiểm soát khu vực Đông bắc Syria – nơi có diện tích gấp ba lần Lebanon.
Trích dẫn một quan chức cấp cao phương Tây giấu tên, tờ báo nói rằng Washington đang lên kế hoạch cho một loạt các biện pháp mà cuối cùng sẽ dẫn đến sự công nhận ngoại giao đối với khu vực người Kurd.
Vấn đề tự chủ của người Kurd cũng là một điểm đáng quan tâm đối với chính quyền Damascus, trong đó quyền tự chủ của người Kurd ở miền Bắc nước này có thể ngăn cản nỗ lực phục hồi toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ đất nước của chính quyền Tổng thống Assad.
Nó cũng là một vấn đề đối với Iran khi khu tự trị người Kurd ở Syria sẽ có nguy cơ thổi bùng ngọn lửa tự trị người Kurd ở Iran.
"Thổ Nhĩ Kỳ và liên minh của Syria và Iran có lợi ích tương tự khi nói đến những vấn đề người Kurd. Tất cả trong số họ không muốn quyền tự trị cho người Kurd ở Syria", Gevorg Mirzayan, học giả nghiên cứu chính trị từ Đại học Tài chính (Nga) đánh giá.
Syria: Giao tranh ác liệt, người Kurd nã tên lửa điều hướng phá hủy xe tăng của Thổ Nhĩ Kỳ
Lực lượng người Kurd được cho là đã sử dụng tên lửa điều hướng chống tăng để phá hủy một xe tăng Leopard của lực ... |
Thổ Nhĩ Kỳ nã pháo sang Syria, bắt đầu chiến dịch diệt khủng bố
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tấn công khu vực biên giới phía bắc Syria, bắt đầu hoạt động truy quét lực lượng được Mỹ hậu ... |
Cục diện Syria: Chơi bài ngửa
Trong thời gian rất ngắn vừa qua, đã liên tiếp có những động thái mới mà tác động và hệ luỵ của chúng nhiều khả ... |