Kế hoạch tấn công Syria lần này sẽ không chỉ nhắm vào ông Assad mà có lẽ chính là nhằm vào Nga và Tổng thống Vladimir Putin. Nếu đúng vậy, thế giới sẽ có những biến động rất lớn.
Đổi chính sách như trở bàn tay
Vụ tấn công bị nghi là sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma, thuộc khu vực Đông Ghouta, ngoại ô thủ đô Damascus của Syria, hôm 7/4 vừa qua đã làm hàng chục dân thường thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương. Lên án đây là “hành động man rợ”, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định vụ việc “sẽ bị đáp trả một cách mạnh mẽ”, và cảnh báo “tên lửa Mỹ sắp bay tới Syria”.
Tuyên bố trên được đưa ra chỉ một tuần sau khi ông Trump nêu ý định kết thúc sự can dự của Mỹ tại Syria và đưa binh sĩ về nước. Lập luận rằng sứ mệnh ban đầu của sự can dự này là tiêu diệt tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng, ngày 3/4 vừa qua, ông Trump tuyên bố mục tiêu này đã sắp đạt được.
Tuy nhiên, sau vụ tấn công gây tranh cãi tại Douma, ông Trump đã sử dụng một tông giọng hoàn toàn khác, nặng lời với người đồng cấp Syria Bashar al-Assad, đồng thời chỉ trích Iran và Nga vì đã ủng hộ chính quyền Damascus, và bóng gió rằng họ “sẽ phải trả giá đắt”. Những tuyên bố và cảnh báo của ông Trump sau vụ tấn công ở Douma cho thấy sự không nhất quán trong cách tiếp cận của ông, cũng như thực tế là ông chưa có bất kỳ chiến lược thực sự nào tại Syria.
Chắc chắn các cố vấn quân sự cấp cao của ông Trump đã thuyết phục ông giữ lại khoảng 2.000 quân nhân đang đồn trú tại Syria. Nhưng ông đã giới hạn các mục tiêu của Mỹ xuống còn loại bỏ sự hiện diện của IS, một nỗ lực cần mất khoảng 6 tháng. Khi giảm các cam kết của Mỹ, ông Trump coi như đã mất cơ hội giúp định hình tương lai của Syria, càng củng cố những gì mà đồng minh và bạn hữu nghĩ về nước Mỹ hiện nay: vai trò của Mỹ trên toàn cầu đang sụt giảm.
Thật trớ trêu là cách tiếp cận hẹp này sẽ hủy hoại những nỗ lực để đạt chính mục tiêu duy nhất còn lại của ông. Vì để đánh bại hoàn toàn IS và các nhóm thánh chiến khác sẽ đòi hỏi một quá trình chuyển tiếp chính trị nhằm kết thúc cuộc nội chiến tại Syria. Một sự chuyển tiếp như vậy chỉ có thể thực hiện được thông qua cam kết của các tác nhân chính đang tranh nhau “miếng bánh” Syria. Trong thế tiến thoái lưỡng nan này, ông Trump lại thấy cần thay đổi chiến thuật.
Giờ thì các nhà hoạch định chiến tranh của Mỹ đang phác thảo các danh sách mục tiêu, điều sẽ chỉ khiến các lực lượng Mỹ nhúng sâu hơn vào “chảo lửa” này. Tàu khu trục USS Donald Cook của Mỹ, mang theo 60 tên lửa hành trình Tomahawk đã đến Đông Địa Trung Hải. Tàu này có thể phóng tên lửa từ vị trí hàng trăm dặm ở ngoài khơi, thừa sức tấn công bất cứ căn cứ phòng không nào của Syria.
Bổn cũ soạn lại
Bài học về tạo cớ gây chiến đã từng được nhìn thấy khi Tổng thống George W. Bush phát động Chiến tranh xâm lược Iraq dựa trên các cáo buộc của mình, rằng Iraq vẫn đang sở hữu và phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt (gồm vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học), đồng thời có liên hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda. Tất nhiên, Mỹ và cả Liên Hợp Quốc đã không thể tìm thấy bằng chứng cho điều này ngay trước cuộc chiến.
Giờ này năm trước, ông Trump cũng đã ở trong một tình huống tương tự, và ông đã ra lệnh một vụ tấn công tên lửa vào căn cứ không quân al-Shayrat của Syria nhằm đáp trả vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại Khan Shaykhun, mà Mỹ cáo buộc là do chính quyền Syria tiến hành. Suốt năm vừa qua, họ không có bằng chứng đủ để chứng minh các cáo buộc đó là đúng.
Lần này cũng vậy, Chính phủ Syria và đồng minh Nga liên tục bác bỏ cáo buộc tiến hành vụ tấn công nghi là sử dụng vũ khí hóa học ở Douma là “vô căn cứ và là trò dàn dựng”, đồng thời mời các chuyên gia quốc tế đến hiện trường điều tra. Các cơ quan tình báo Mỹ cũng đang tiếp tục thu thập bằng chứng về vụ tấn công này để chứng minh rằng vụ việc đã vượt “giới hạn đỏ” mà ông Trump từng vạch ra. Tuy, chưa có gì được khẳng định.
Tuy nhiên lần này, khi ông bóng gió đến một sự đáp trả bằng quân sự, một số quốc gia đã thể hiện sẵn sàng tham chiến. Dự là nếu được phát động, cuộc tấn công lần này sẽ ác liệt hơn nhiều so với khi ông Trump một mình tác chiến cách đây một năm. Mỹ, Pháp, Australia và cả các đồng minh ở Trung Đông, trong đó có Saudi Arabia, đã công khai ủng hộ quan điểm của Mỹ về cách đáp trả vụ tấn công nghi là sử dụng vũ khí hóa học ở Douma.
Riêng Thủ tướng Anh Theresa May chưa xác nhận ủng hộ, bà cần sự đồng ý của Quốc hội. Năm 2013, Quốc hội Anh đã nói không với lời kêu gọi của Thủ tướng khi đó David Cameron tham gia các cuộc không kích Syria nhằm đáp trả một vụ tấn công nghi là sử dụng vũ khí hóa học.
Một điểm mới khác nữa là kế hoạch tấn công Syria lần này sẽ không chỉ nhắm vào ông Assad mà có lẽ chính là nhằm vào Nga và Tổng thống Vladimir Putin. Nếu đúng vậy, thế giới sẽ có những biến động rất lớn.
Diệu An
Cuộc so găng về Syria vẫn chưa ngã ngũ
Trong phiên họp Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 10.4, Nga và Mỹ tiếp tục phủ quyết các dự thảo đề xuất của ... |
Syria sơ tán vũ khí đề phòng bị Trump ra lệnh tấn công
Quân đội Syria đã di chuyển vũ khí và sơ tán các căn cứ quan trọng để phòng ngừa khả năng bị không kích, trong ... |
Nhà Trắng: TT Trump chưa quyết định kế hoạch tấn công Syria
Phát ngôn viên Nhà Trắng cho biết dù đe dọa phóng tên lửa vào Syria, Tổng thống Trump vẫn còn nhiều sự lựa chọn trừng ... |