Yên Tử là vùng đất linh thiêng, từ xa xưa những đạo sĩ đã về đây tu hành. Tương truyền An Kỳ Sinh người phương Bắc hàng nghìn năm trước đã về Yên Tử hành đạo - bào chế linh đan dược, cuối đời đã hóa thân thành măng đá ở đất này.
Vườn tháp Huệ Quang (trung tâm của di tích Yên Tử) xưa có hai hồ nước nằm hai bên tả hữu như chầu vào vườn tháp. Người xưa theo phong thủy gọi đây là cặp mắt rồng. Hai hồ này được Tam tổ Huyền Quang trồng hoa sen. Nhưng không biết từ bao giờ, mắt rồng bên trái bị bồi lấp, chỉ còn là hố đất, cây độc mọc hoang khắp lòng hố. Vì sao mắt rồng này không còn sinh thủy?
Theo tác giả Trần Trương, hội viên Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nguyên Trưởng ban Quản lý Yên Tử trong cuốn Chùa Yên Tử - Lịch sử truyền thuyết và danh thắng (Nxb VH-TT, 2011, tr.82) viết về hòn ngọc - mắt rồng liên quan đến vấn đề phong thủy rất vi diệu: “Cách đây khoảng nghìn năm trước, đạo sĩ An Kỳ Sinh về núi hái thuốc luyện linh đan.
Khi ngang qua đây (tức khu Hòn ngọc - Mắt rồng) bỗng giật mình sửng sốt bởi nhận ra triền núi cao trước mặt giống hệt như mặt rồng, có trán, mắt, mũi, miệng đủ cả. Miệng rồng phát ra thứ ánh sáng kỳ lạ. Bằng con mắt pháp thuật, ông nhận ra đó là viên ngọc rồng do tinh khí của đất trời tạo nên. Ông ta biết vậy, lặng lẽ lên núi.
Vài ngày sau, An Kỳ Sinh xuống núi, đến chỗ viên ngọc rồng bữa trước. Bỗng một cảnh tượng dị thường đang diễn ra trước mắt. Vạt đất chuyển rung. Một gò đất mới được sinh ra - hòn ngọc trong miệng rồng đã nhả. Khí thiêng phun tỏa mịt mù… Vì quá kinh hoàng với cảnh tượng đó, An Kỳ Sinh vội vã chạy lên núi, nhưng chưa kịp lên tới đỉnh, ông ta đã chết đứng và hóa đá” (tượng đá An kỳ Sinh hiện còn dựng ven lối đi từ chùa Vân Tiêu đến chùa Đồng).
Cũng theo tác giả Trần Trương: “Ngày xưa, giặc phương Bắc sang xâm lược nước ta. Chúng đem theo cả phù thủy, thầy địa lý tìm các huyệt đạo của núi sông nước Việt để yểm bùa trị huyệt. Chúng mưu toan làm nước ta tuyệt diệt hết nhân tài, hồn thiêng sông núi tiêu tan để yên bề đô hộ. Chúng biết Yên Tử là đất thiêng nên tìm mọi cách chọc mù cặp mắt rồng, phá bung bờ bao lòng hồ, yểm bùa, trồng cây độc ở ngay chính giữa đáy mắt rồng bên trái nên chỉ còn một mắt phải”.
Năm 1998, sư thầy Thích Diệu Nhàn nhiều năm trụ trì chùa Hoa Yên đã có cơ cảm và hội đủ các duyên lành, nên tiến hành khôi phục lại mắt rồng bên trái, trả lại hình hài cặp mắt rồng thủa xưa.
Cũng tại vườn tháp Huệ Quang linh thiêng này, cách đây không lâu đã xảy ra câu chuyện có thật mà ông Trần Trương và nhiều người biết đến còn nhắc lại câu chuyện: “Vào cuối năm 1992, có một đội xây dựng nhà khách Yên Tử sau khi làm việc xong rủ nhau đi lễ chùa Đồng.
Khi ngang qua tháp Tổ, thấy một hòn đá đặt trên ngọn của một ngôi tháp đổ (hồi đó chưa được trùng tu tôn tạo), hai cậu thợ trẻ trong đội liền đố nhau: Ai ném trúng hòn đá cho là “tài”! Một cậu vung tay. Hòn đá văng xuống đất. Lên tới chùa Đồng, cả đội mới phát hiện ra thiếu mất một người. Nhưng không ai lo, vì toàn là người địa phương Uông Bí cả.
Sau mấy tiếng đồng hồ, xuống núi, về đến tháp Tổ, cả đội ngạc nhiên: Cậu ném đá kia đang ngồi xếp bằng, mặt áp vào tường tháp, hai tay đặt lên đùi, hỏi chẳng nói, gọi chẳng thưa, bám vai lắc mãi mà không tỉnh, ngồi im bất động như khúc gỗ! Một cậu vội vã lên chùa Hoa Yên thỉnh sư thầy Diệu Nhàn xuống làm lễ sám hối. Lát sau, cậu thợ trẻ nghịch dại kia mới tỉnh, khóc nức nở rồi lặng lẽ theo anh em xuống núi”.
Không phải bây giờ khu vườn tháp Tổ mới linh thiêng, mà từ lâu vùng đất non thiêng này vẫn ẩn chứa những điều như thế…