Mất nửa ngày mới kết nối được với một công ty ở Mỹ, Phúc nghĩ đến việc mở dịch vụ cung ứng tổng đài viên cho các doanh nghiệp.
Năm 2013, sau hai lần thất bại ở các dự án khởi nghiệp trước đó, Phạm Tấn Phúc tìm kiếm ý tưởng khác để tiếp tục giấc mơ "tạo ra hàng nghìn công ăn việc làm cho mọi người".
Lúc đó, chàng trai sinh năm 1990 làm gia công phần mềm cho các công ty. Một buổi sáng, khách hàng của anh gặp vấn đề về hosting, để giúp họ giải quyết, Phúc cần mua hàng của công ty cung cấp dịch vụ đám mây đa quốc gia hàng đầu ở Mỹ. Tuy nhiên, vì lượng khách hàng quá lớn, công ty đó không đủ tổng đài viên để trao đổi trực tiếp nên khách hàng phải gửi yêu cầu qua hộp thư. Mất một buổi Phúc mới liên hệ được với bộ phận chăm sóc khách hàng.
Ý tưởng về dịch vụ cung cấp tổng đài viên cho các công ty hình thành. Phúc sẽ xây dựng, kết nối lượng lớn nhân viên chuyên trực tổng đài có thể tư vấn cho khách hàng ở nhiều lĩnh vực. Thay vì phải đầu tư tổng đài viên chăm sóc khách hàng, các công ty có thể thuê nhân lực vào mùa cao điểm hoặc khi có nhu cầu.
Gcalls ra đời dựa trên ý tưởng này - đây là giải pháp tổng đài điện thoại trên nền tảng công nghệ đám mây dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thông qua ứng dụng, doanh nghiệp có thể tạo trung tâm chăm sóc hàng trong 5 phút mà không cần đầu tư hạ tầng, con người ở bất kỳ quốc gia nào ở khu vực Đông Nam Á.
Dự án cũng cho phép doanh nghiệp tiếp cận lực lượng lao động nhàn rỗi địa phương để trở thành nhân viên chăm sóc khách hàng trong hệ thống lao động đã đăng ký trên ứng dụng.
Khi có nhu cầu, khách hàng chỉ cần bấm vào biểu tượng Gcall trên website, lập tức tín hiệu sẽ được truyền đến điện thoại của các tổng đài viên trang web đó. Người dùng không cần phải tìm kiếm số điện thoại liên lạc trên trang web, không cần bỏ tiền để thực hiện cuộc gọi như những tổng đài điện thoại truyền thống.
Còn về phía người lao động, bằng việc cài đặt ứng dụng vào smartphone, khi nhàn rỗi, nếu biết trên 2 ngoại ngữ, hoặc có các kỹ năng bán hàng, tư vấn đều có thể kiếm được việc làm thời vụ từ các cửa hàng online.
Học cùng trường, Phạm Tấn Phúc (trái) và Nguyễn Xuân Bằng đã cùng nhau khởi nghiệp từ khi còn là sinh viên. Ảnh: NVCC |
Nguyễn Xuân Bằng - người bạn đã từng tham gia 2 dự án trước đó với anh cũng vừa về nước sau thời gian du học nên cả hai bắt tay vào khởi nghiệp.
"Chúng tôi biết là sẽ rất khó khăn và tự nói với nhau \'quá tam ba bận\'. Nếu lần này thất bại thì phải tách nhau ra để đi làm thuê", Phúc nhớ lại. Để bắt đầu sự nghiệp, ngoài khoản vốn mỗi người có 100 triệu đồng, cả hai phải dùng thẻ vay tín chấp để có thêm 200 triệu đồng.
Trong thời gian đầu, hai chàng trai trẻ tự tay xây dựng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, vốn ít, đầu ra lại chưa có nên khoảng thời gian đầu không có khách hàng.
Sau gần một năm cầm cự, công ty đã sử dụng hết nguồn vốn trong khi đầu ra vẫn chưa có. Với hy vọng cuối cùng nhằm cứu dự án khỏi sụp đổ, Phúc đã bỏ tiền mua tài khoản trên LinkedIn (mạng xã hội dành cho người chuyên nghiệp lớn nhất thế giới) để gửi email chào dự án. Đều đặn mỗi ngày, anh gửi 15 email đến các nhà đầu tư để trao đổi thông tin về công ty với hy vọng có thể lọt vào "mắt xanh" của ai đó.
Đang bế tắc, Phúc nhận được thư phúc đáp của Tập đoàn Telstra (một trong những tập đoàn viễn thông lớn nhất ở Australia). Telstra đưa hồ sơ Gcalls về Muru-d - là quỹ đầu tư do Telstra lập ra ở Singapore để đầu tư vào các công ty công nghệ ở Đông Nam Á. Hai chàng trai đã phải đi vay mượn tiền để mua vé máy bay sang Singapore bảo vệ dự án trước nhà đầu tư. Muru-D, Telstra, BFBZ, và các nhà đầu tư cá nhân đã quyết định chi 280.000 SGD (đôla Singapore) cho dự án Gcalls.
"Chúng tôi có cảm giác như đang chết đuối vớ được phao", Phúc chia sẻ. Sau đầu tư của ông lớn này, nhiều công ty khác cũng bắt đầu tin tưởng và sẵn sàng chi tiền để phát triển dự án. Tháng 9/2015, Phúc và Bằng mang Gcall sang Singapore thành lập Công ty Gcall Vietnam Pte. Ltd.
Có vốn hoạt động, hai nhà khởi nghiệp trẻ xây dựng song song 2 lĩnh vực: cung cấp tổng đài viên và hệ thống hạ tầng phân phối viễn thông cho các telcos dưới mô hình đại lý.
Sau hơn 3 năm kiên trì, riêng lĩnh vực bán phần mềm đã cho doanh thu mỗi tháng hơn 200 triệu đồng. Dù ý tưởng ban đầu vẫn là phát triển con người, nhưng hiện tại công ty mới có hơn 10 tổng đài viên, tư vấn chính trong lĩnh vực vật liệu xây dựng - sơn. Hệ thống hạ tầng vẫn là nguồn thu chính của công ty.
Hai nhà sáng lập cho biết sẽ đưa Gcall thành nền tảng chăm sóc khách hàng có thể ứng dụng trong tất cả các lĩnh vực.
Trong năm 2016, Gcall được chọn là một trong 8 đại diện doanh nghiệp công nghệ trẻ Việt Nam tham gia hội nghị thượng đỉnh doanh nhân toàn cầu (GES2016) do tổng thống Obama tổ chức; một trong 10 đại diện doanh nghiệp công nghệ trẻ Việt Nam tham gia chương trình Ethos do Cục Xúc tiến công nghệ Hàn tổ chức và là sản phẩm đoạt giải bình chọn cao nhất trong chương trình...
Nam kỹ sư bỏ lương cao ở nước ngoài về Việt Nam khởi nghiệp
Ứng dụng giúp việc theo giờ của anh Đỗ Đắc Nhân Tâm giúp người lao động có thể kiếm 12-14 triệu đồng mỗi tháng. |
Tham vọng điện tử hóa kinh tế của 5 chàng trai 8X
Startup Vinagroups đặt mục tiêu liên kết mọi lĩnh vực, ngành nghề, kết nối việc kinh doanh giữa các vùng miền trên nền tảng công ... |
Chàng trai bị cà lăm thành nhà sáng lập startup
Kevin Tùng Nguyễn từng không nói tròn vành nổi một câu, nhưng giờ anh là nhà sáng lập ứng dụng giúp sinh viên tìm việc. |
(https://startup.vnexpress.net/tin-tuc/hanh-trinh-khoi-nghiep/startup-viet-kho-i-nghie-p-tu--lo--ho-ng-cu-a-ong-lo-n-3652274.html?vn_source=box-Topstory&vn_medium=fo-KinhDoanh&vn_campaign=vn)