Siêu thiết giáp hạm chưa kịp đánh đã chìm của Nhật trong Thế chiến II

Dù được coi là niềm tự hào hải quân Nhật, thiết giáp hạm Musashi gần như không tham chiến trước khi bị đánh chìm ở vịnh Leyte.

sieu thiet giap ham chua kip danh da chim cua nhat trong the chien ii

Đầu tháng 10/1944, Mỹ chuẩn bị tiến công vành đai phòng thủ của phát xít Nhật ở Thái Bình Dương, từng bước đánh chiếm các hòn đảo trên Thái Bình Dương bằng chiến thuật "nhảy cóc". Trước tình hình đó, Nhật Bản triển khai kế hoạch phòng thủ có mật danh "Sho-Go" (Chiến thắng), với mục tiêu là đánh chìm hạm đội Mỹ và ngăn đối phương chiếm Philippines.

Khí tài chủ lực trong chiến dịch này là siêu thiết giáp hạm Musashi, tàu chiến mang tính biểu tượng cho tham vọng của Nhật trong Thế chiến II. Tuy nhiên, Musashi lại có số phận quá hẩm hiu và không đóng góp được gì cho Nhật trong nỗ lực ngăn bước tiến của Mỹ và đồng minh, theo War History.

Musashi là thiết giáp hạm thứ hai thuộc lớp Yamato, được chế tạo ở các nhà máy bí mật từ tháng 3/1938 đến tháng 8/1942 và được thiết kế để đối đầu với nhiều chiến hạm đối phương cùng lúc. Với chiều dài 263 m và lượng giãn nước toàn tải 71.000 tấn, lớp Yamato là những thiết giáp hạm lớn nhất trong lịch sử. Chỉ các tàu sân bay được Mỹ phát triển sau Thế chiến II mới có lượng giãn nước lớn hơn lớp Yamato.

sieu thiet giap ham chua kip danh da chim cua nhat trong the chien ii

Siêu thiết giáp hạm Yamato (xa) và Musashi hồi đầu năm 1943. Ảnh: Wikipedia.

Mỗi thiết giáp hạm lớp Yamato được trang bị 9 pháo hạm cỡ nòng 460 mm đặt trên ba tháp pháo lớn. Sau đợt nâng cấp năm 1944, Musashi được bổ sung thêm 6 pháo cỡ 155 mm, 24 pháo 127 mm và 130 pháo phòng không 25 mm.

Với hỏa lực mạnh như vậy, Musashi có khả năng đánh chìm nhiều thiết giáp hạm đối phương trong một lần đồng loạt khai hỏa. Việc bổ sung lượng lớn pháo phòng không nhằm giúp tàu trụ vững trước ưu thế của máy bay Mỹ, cho đến khi nó tiếp cận đủ gần để bắn vào chiến hạm đối phương.

Tuy nhiên, kể từ khi đạt trạng thái sẵn sàng chiến đấu đầy đủ vào tháng 1/1943, Mushashi hiếm khi được triển khai chiến đấu mà chủ yếu dùng để chở quân và hàng tiếp tế.

Ngày 17/5/1943, thiết giáp hạm Musashi được điều tới phía bắc Thái Bình Dương cùng hai tàu sân bay hạng nhẹ, 9 tàu khu trục và hai tàu tuần dương để chi viện cho quân Nhật đồn trú tại đảo Attu thuộc quần đảo Aleutian đang bị Mỹ tập kích. Tuy nhiên, hòn đảo này thất thủ trước khi nhóm tác chiến đến nơi, nên Musashi và các tàu khác được lệnh quay về.

Ngày 18/9/1943, Musashi rời cảng với sự hộ tống của ba thiết giáp hạm để đối phó cuộc tấn công của Mỹ vào đảo Eniwetok và Brown thuộc quần đảo Marshall. Tuy nhiên, tàu phải quay về cảng nhà chỉ sau một tuần do không phát hiện địch. Một tháng sau, nó tiếp tục rời cảng với một hạm đội hùng hậu để ngăn tàu sân bay Mỹ tấn công đảo Wake, nhưng cũng phải trở về mà không nổ phát súng nào.

sieu thiet giap ham chua kip danh da chim cua nhat trong the chien ii

Musashi hứng chịu các đợt tấn công của máy bay Mỹ ngày 24/10/1944. Ảnh: Wikipedia.

Ngày 29/3/1944, Musashi rời đảo Palau, nhưng vừa ra khơi thì bị tàu ngầm USS Tunny phục kích, tấn công bằng 6 quả ngư lôi. Một quả trúng gần mũi tàu khiến nước biển tràn vào, buộc Musashi về cảng Kure dưới sự hộ tống của ba khu trục hạm để sửa chữa.

Tháng 10/1944, tình hình chiến trường trở nên bất lợi với Nhật Bản. Họ liên tiếp bị đẩy lùi trên mặt trận Thái Bình Dương và có nguy cơ bị Mỹ áp sát lãnh thổ nếu để mất Philippines. Tokyo quyết định triển khai chiến dịch Sho-Go, huy động gần như toàn bộ lực lượng hải quân tham chiến.

Theo kế hoạch, Nhật sẽ dùng một hạm đội tàu sân bay làm mồi nhử, kéo Hạm đội 3 hải quân Mỹ khỏi eo biển San Bernardino, trong khi hạm đội chủ lực của họ tấn công vào vịnh Leyte. Với mục tiêu này, 5 thiết giáp hạm, trong đó có Musashi, cùng 10 tuần dương hạm hạng nặng rời Brunei hướng về Philippines vào ngày 20/10/1944.

Hạm đội Nhật chia nhỏ để hình thành ba mũi giáp công từ đảo Borneo, Nagasaki và Singapore. Trong khi đó, 4 tàu sân bay đóng vai trò "chim mồi" rời Nhật Bản dưới sự hộ tống của một số tàu huấn luyện, hai thiết giáp hạm cũ, 4 tàu tuần dương và 8 khu trục hạm. Các tàu sân bay chỉ mang theo rất ít phi cơ để hạn chế thiệt hại.

Sáng 24/10/1944, khi Musashi đang hướng đến vùng biển Sibuyan, bộ phận cảnh giới phát hiện ba máy bay trinh sát PB4Y. Chuông báo động vang lên, báo hiệu về một cuộc tập kích của không quân Mỹ.

Musashi sau đó trở thành mục tiêu tấn công của 259 phi cơ xuất phát từ 4 tàu sân bay Mỹ gồm USS Intrepid, USS Essex, USS Franklin và USS Enterprise. Chiến hạm này bị trúng tổng cộng 19 ngư lôi và 17 quả bom, khiến nó tụt lại phía sau so với các tàu trong nhóm tác chiến. Siêu thiết giáp hạm Nhật có thể cơ động nhờ ba chân vịt đang hoạt động, bất chấp việc nó bị rò rỉ nhiên liệu, cháy và phần mũi chìm dần.

sieu thiet giap ham chua kip danh da chim cua nhat trong the chien ii

Musashi với phần mũi chìm dần sau trận đánh ở vịnh Leyte. Ảnh: Wikipedia.

Chuẩn đô đốc Toshihira Inoguchi, chỉ huy tàu Musashi, cố gắng cho nó neo tại một đảo gần đó, nhưng động cơ bị hỏng trước khi chiến hạm đến đích. Con tàu được coi là niềm tự hào của Nhật Bản bị chìm xuống biển Sibuyan lúc 19h30 ngày 24/10/1944.

Chuẩn đô đốc Inoguchi bị thương trong trận đánh và quyết định chìm cùng thiết giáp hạm Musashi. Các khu trục hạm sau đó cứu được 1.376 thủy thủ trong số 2.399 thành viên thủy thủ đoàn.

Dù sẵn sàng "nướng" toàn bộ hạm đội hải quân để ngăn Mỹ chiếm Philippines, phát xít Nhật rốt cuộc vẫn không thể xoay chuyển cục diện chiến trường, phải đầu hàng Mỹ và đồng minh vào ngày 2/9/1945.

Duy Sơn

sieu thiet giap ham chua kip danh da chim cua nhat trong the chien ii Chiến hạm Trung Quốc bám đuôi tàu sân bay trực thăng Nhật trên Biển Đông

Trung Quốc triển khai hai tàu hộ vệ bám theo ở khoảng cách gần và theo dõi tàu JS Kaga của Nhật di chuyển trên ...

sieu thiet giap ham chua kip danh da chim cua nhat trong the chien ii Cuộc tranh giành kho báu 17 tỷ USD từ chiến hạm đắm năm 1708

Một công ty Mỹ đang đấu tranh với chính quyền Tây Ban Nha và Colombia để giành quyền sở hữu tàu chiến San José chứa ...

sieu thiet giap ham chua kip danh da chim cua nhat trong the chien ii Mỹ dồn chiến hạm mang Tomahawk khiến Nga lép vế tại Syria

Dù Nga đã điều khoảng 17 chiến hạm mang Kalibr đến Syria nhưng lực lượng này vẫn khá khiêm tốn với sự điều động của ...

/ https://vnexpress.net