Các sở - ngành ở địa phương đã hợp nhất để tinh gọn thì bộ - ngành ở trung ương cũng cần nghiên cứu để sáp nhập, thu gọn đầu mối
Bộ Nội vụ vừa công bố dự thảo tờ trình Nghị định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố. Theo đó, việc sáp nhập, hợp nhất sẽ giảm được từ 46 đến 88 sở - ngành trên cả nước. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng nếu sáp nhập sở - ngành ở địa phương thì các bộ, cơ quan ngang bộ cũng cần được nghiên cứu sáp nhập, nếu không thì sẽ xảy ra tình trạng chỉ đạo, quản lý chồng chéo.
Cần nghiên cứu song song
Ông Nguyễn Hồng Kỳ, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Nghệ An, cho biết nếu hợp nhất giữa Sở GTVT và Sở Xây dựng trong khi 2 bộ GTVT và Xây dựng không hợp nhất thì dẫn đến một sở mà 2 bộ chỉ đạo, quản lý nên sẽ chồng chéo.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động vào ngày 19-4, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của QH, cho rằng trung ương cũng cần nghiên cứu song song để sớm có phương án sáp nhập một số bộ tương đồng về chức năng, nhiệm vụ. Đề xuất này từng được ông Hòa đưa ra tại kỳ họp thứ 4, QH khóa XIV hồi cuối năm 2017.
"Đề xuất sáp nhập một số sở - ngành ở địa phương là tích cực và cần thiết. Nếu nghị định được thông qua, cấp tỉnh hợp nhất các sở thì trung ương cần nghiên cứu sáp nhập các bộ có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Tại sao ở địa phương thì nhập lại, còn ở trung ương phình ra? Thời điểm này nghiên cứu để sáp nhập là rất phù hợp với thực tiễn nước ta" - ông Hòa nói. Theo ông, hiện nay ở trung ương, một số bộ như GTVT và Xây dựng, Kế hoạch - Đầu tư và Tài chính đều chức năng, nhiệm vụ tương đồng nên hoàn toàn có thể nghiên cứu để hợp nhất.
Trước mắt, ông Hòa cho rằng nên sáp nhập các tổng cục, cục có sự chồng chéo, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ, sau đó tiến tới cấp bộ. Ông Hòa lý giải nếu làm cùng lúc thì công tác cán bộ, chế độ chính sách sẽ không đáp ứng được. Tuy nhiên, nói về hiệu quả mang lại, ông Hòa khẳng định nếu việc sáp nhập thực hiện tốt thì mỗi năm sẽ cắt giảm được kinh phí chi thường xuyên.
Về vấn đề tinh gọn bộ máy, ông Lê Minh Thông, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, cho rằng việc sắp xếp, tinh gọn không chỉ giảm bớt việc trùng lắp chức năng quản lý mà còn tăng cường sự phối hợp để đáp ứng nhu cầu cải cách hành chính hiện nay. Theo ông, thực tiễn đòi hỏi phải sắp xếp lại bộ máy thật tinh gọn, hoạt động hiệu quả, trong đó có việc sáp nhập, hợp nhất các sở - ngành như Bộ Nội vụ đề xuất.
Ông Thông cho rằng thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 nên các cơ quan, ban ngành từ trung ương đến địa phương đều phải chủ động trong việc sắp xếp bộ máy. Nơi nào có đủ điều kiện thì cần triển khai ngay.
Về đề xuất sáp nhập bộ, trước đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết chủ trương này đã được đề ra để "tiếp tục nghiên cứu". Những việc có thể làm ngay là sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bên trong các bộ - ngành, địa phương; rà soát chức năng, nhiệm vụ sao cho không chồng lấn.
Sở Kế hoạch và Đầu tư có thể sáp nhập với Sở Tài chínhẢnh: tấn thạnh
Tránh sáp nhập cơ học
ĐBQH Phạm Văn Hòa cho rằng việc sáp nhập các sở - ngành ở địa phương hay cấp bộ thì phải xác định rõ mục tiêu là sáp nhập để tinh gọn, để giảm biên chế, tăng cường hiệu lực, hiệu quả.
"Thời điểm bắt đầu hợp nhất 2 cơ quan thì vẫn duy trì số lượng ban bệ như cũ nhưng cần đưa ra lộ trình để tinh giản, thu gọn lại các đầu mối. Không thể sáp nhập về mặt cơ học rồi giữ nguyên số lượng biên chế" - ông Hòa nhấn mạnh.
Trước đề xuất của Bộ Nội vụ, một số ý kiến lo ngại việc sáp nhập sẽ tạo ra quyền lớn hơn. Cụ thể, khi sáp nhập 2 sở Tài chính và Kế hoạch - Đầu tư thì người đứng đầu một sở "vừa đá bóng vừa thổi còi". ĐBQH Phạm Văn Hòa cho rằng không nên lo ngại về việc này.
"Trước đây, một bên lo kế hoạch, một bên lo tài chính. Sau đó, bên kế hoạch phải đợi xem bên tài chính có tiền hay không để cân đối hoặc ngược lại. Khi đã sáp nhập, một sở đó sẽ trực tiếp đưa ra kế hoạch thế nào cho phù hợp tình hình tài chính, công việc sẽ chủ động, hiệu quả, nhanh gọn hơn" - ông Hòa phân tích.
Ngoài ra, việc sáp nhập bộ hay sở - ngành thời gian đầu sẽ có những xáo trộn về tổ chức, bộ máy nhưng chỉ một thời gian ngắn sau sẽ hoạt động bình thường. ĐBQH Phạm Văn Hòa nhận định nhiều cá nhân, đơn vị sẽ lấy lý do khó khăn về tổ chức bộ máy, nhân sự để "lừng khừng" việc sáp nhập. Theo ông Hòa, tất cả đều là lý do để biện hộ, để giữ lấy cái ghế của mình. Những khó khăn đó từng bước sẽ khắc phục được và trung ương đã tính đến việc này.
Giám sát quá trình sáp nhập Trao đổi với báo chí, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho biết Bộ Nội vụ đề xuất theo hướng giao cho cấp tỉnh quyền quyết định giữ nguyên hoặc hợp nhất các sở - ngành nhằm đề cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cấp trong thực hiện nghị quyết của Đảng. Đồng thời, để cấp tỉnh quyết định nhằm bảo đảm phù hợp với đặc thù của từng địa phương. Ông Phúc cũng cho rằng khi trao quyền tự quyết, một số địa phương sẽ không muốn làm hoặc không quyết liệt, nên cần có một bộ phận chuyên trách giám sát để kịp thời xử lý. Bên cạnh đó, phải tăng cường trách nhiệm của các cơ quan và cá nhân người đứng đầu. |
Lấn cấn việc hợp nhất sở, ngành
Việc hợp nhất một số sở, ngành tương đồng về chức năng, nhiệm vụ là cần thiết để tinh gọn bộ máy nhưng cần sáp ... |
Tổ chức lại bộ máy: Nhận diện lợi ích nhóm là lực cản lớn nhất
Trong khi bộ máy công quyền càng phình to, dẫn đến tình trạng ngân sách khó khăn, một số địa phương lại lăm le tách ... |
Tại sao chỉ có 4 sở, ngành không phải sáp nhập, hợp nhất?
Với đề xuất chỉ giữ lại 4 tổ chức thống nhất ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm Sở Tư pháp, Sở ... |
Minh Chiến