Rừng bị phá

Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo UBND tỉnh Bình Định điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm minh vụ phá rừng quy mô lớn trên địa bàn huyện An Lão của tỉnh này, báo cáo kết quả lên Thủ tướng trước ngày 30/10.

Thủ tướng yêu cầu điều tra vụ phá rừng quy mô lớn ở Bình Định
Phá nát rừng dương ven biển để trồng rau
Phá rừng thông trồng mắc ca: Vì... kinh tế?

Không thể nói 43,7 ha rừng tự nhiên ở xã An Hưng bị phá trong thời gian từ 1 đến 2 tháng mà chính quyền cùng các ban, ngành chức năng huyện An Lão không hay biết.

Hơn 43,7 ha rừng tự nhiên ở xã An Hưng bị phá trong thời gian ngắn (Ảnh: Zing).

Dư luận vốn đã quá quen thuộc, nhàm chán trước các cụm từ “lâm tặc nhiều thủ đoạn, tinh vi”, “lực lượng mỏng”, “thiếu kinh phí” của lãnh đạo địa phương có rừng bị phá. Tuy nhiên, những phát ngôn này lại một lần nữa được lặp lại sau vụ phá rừng ở xã An Hưng, huyện An Lão.

Trả lời báo chí tại hiện trường vào ngày 9/9, ngay sau khi xác định diện tích rừng bị phá lên đến 43,7 ha; ông Phan Trọng Hổ- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định cho rằng địa bàn xảy ra phá rừng là vùng sâu, vùng xa, rất khó khăn đối với lực lượng kiểm lâm trong tuần tra, bảo vệ.

Thêm vào đó, kiểm lâm của các hạt lại quá mỏng, không đảm bảo quản lý, giám sát chặt chẽ. Sau khi báo chí thông tin về vụ việc phá rừng hết sức nghiêm trọng trên địa bàn huyện, ông Phạm Văn Nam- Chủ tịch UBND huyện An Lão cũng đến hiện trường để nắm tình hình, xác định thiệt hại.

Người đứng đầu chính quyền huyện An Lão thừa nhận tránh nhiệm và cho biết, đã chỉ đạo ngành chức năng của huyện lập hồ sơ, phối hợp với cơ quan công an truy tìm thủ phạm.

Ông Đoàn Văn Tá- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm An Lão cũng nhận trách nhiệm để rừng bị phá nhưng lại cho rằng do tầm nhìn khuất, kiểm lâm không phát hiện được người dân phá rừng!

43,7 ha rừng bị chặt, phá, đốt trụi để trồng keo lá tràm là các khoảnh rừng số 7, số 8 thuộc xã An Hưng (huyện An Lão), tiếp giáp với huyện Hoài Nhơn của tỉnh Bình Định và huyện Ba Tơ của tỉnh Quảng Ngãi.

Các khoảnh rừng số 7,8 thuộc tiểu khu 1, xã An Hưng thuộc quyền quản lý, bảo vệ của Hạt Kiểm Lâm An Lão. Tuy nhiên muốn đưa được máy móc, phương tiện phá rừng vào đây phải di chuyển trên tuyến độc đạo qua trước mặt Trạm tuần tra bảo vệ rừng của Hạt Kiểm lâm Hoài Nhơn đóng trên địa bàn xã Hoài Sơn.

Không thể nói lâm tặc dùng ô tô đưa máy móc vào phá rừng và chở cây keo lá tràm (còn gọi là keo lai) vào trồng trên các khoảnh rừng vừa bị chặt phá, đốt rụi mà cán bộ của trạm kiểm lâm này không hề hay biết.

Việc này cũng được ông Nguyễn Hồng Tấn- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hoài Nhơn giải thích rằng khu vực rừng bị phá thuộc địa bàn huyện An Lão. Kiểm lâm Hoài Nhơn không thông thuộc đường đi nên không xác định được vị trí rừng bị phá!

Có một thực tế phải nhìn nhận là hàng chục năm qua, rất nhiều cánh rừng tự nhiên trên cả nước bị phá không thương tiếc để trồng cây keo lá tràm. Hậu quả của việc phá rừng tự nhiên, trồng bạch đàn, keo lá tràm đã từng được các chuyên gia cảnh báo nhưng hiệu quả kinh tế trước mắt đã khiến rất nhiều người bất chấp.

Ở các tỉnh miền Trung, gỗ nguyễn liệu (bạch đàn, keo lá tràm) được thương lái thu mua với giá 1.400 đồng/kg (1,4 triệu đồng/tấn).

Người trồng chỉ cần bỏ ra khoảng 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đầu tư, sau 5 năm thu bình quân 100 triệu đồng/ha.

Trừ chi phí phát dọn, phân bón, cây giống và chăm sóc, người trồng thu lãi không dưới 40 triệu đồng/ha. Rất nhiều thời điểm thương lái thu mua gỗ nguyên liệu đến tận các vùng núi xa xôi mua keo lá tràm với giá 25 triệu đồng/ha.

Tại các khu vực thuận tiện đi lại, giá 1 ha keo lá tràm được thương lái thu mua trọn gói 50 triệu đồng/ha. Ở một số địa phương đồng bằng sông Cửu Long, người dân còn chặt hạ rừng tràm nguyên sinh để thay thế bằng keo lá tràm, sau chu kỳ năm 5 thu về 200 triệu đồng/ha.

Tình trạng chặt, phá rừng tự nhiên trồng keo lá tràm diễn ra khắp nơi trên cả nước. Không gì khó hiểu khi các cánh rừng tự nhiên cứ mỗi lúc lại lùi xa thêm, nhường chỗ cho cây keo lá tràm.

Khi vụ việc 43,7 ha rừng tự nhiên ở An Lão (Bình Định) bị phát giác, tại đây đã được trồng dày đặc cây keo lá tràm khoảng từ 2 đến 3 tuần tuổi.

Lợi nhuận quá lớn trên mỗi diện tích đất rừng bị phá để trồng keo lá tràm khiến dư luận không khỏi băn khoăn trước câu hỏi có hay không, sự bắt tay, chia chác giữa một bộ phận cán bộ có trách nhiệm ở địa phương với chủ đầu tư các cánh rừng được gọi là rừng kinh tế?.

Bởi nếu không có sự bắt tay này thì không thể nào đưa được máy móc thiết bị vào tàn phá hàng chục ha rừng ròng rã suốt 2 tháng trời.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Năm 2016, cả nước có trên 19.000 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng. Tổng diện tích bị chặt phá trái phép lên tới gần 1.000 ha.

Từ đầu năm 2017 đến nay phá rừng trái phép vẫn diễn ở nhiều nơi. Chỉ 5 tháng đầu năm 2017 cả nước đã xảy ra hơn 7.800 vụ chặt phá rừng với trên 749 ha bị chặt hạ.

Từ giữa năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên, không chuyển đổi đất rừng nghèo kiệt sang đất nông nghiệp.

Tuy nhiên, trong vòng 1 năm qua, nhiều khu rừng tự nhiên trên cả nước tiếp tục bị tàn phá với quy mô lớn. Cùng thời điểm rừng An Lão (Bình Định) bị phá, rất nhiều thân gỗ nghiến tuổi đời hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm ở Ba Bể (Bắc Kạn) cũng bị lâm tặc chặt hạ.

Thống kê cho thấy Bắc Kạn có gần 280.000 ha rừng tự nhiên với nhiều cây gỗ nghiến quý hiếm tuổi đời hàng trăm năm bị chặt phá không thương tiếc…

Rừng bị phá có nguyên nhân sâu xa từ việc quản lý lỏng lẻo, vô trách nhiệm, vô cảm của một bộ phận những người có trách nhiệm ở địa phương nơi rừng bị phá.

Chuyện hàng chục, thậm chí hàng trăm ha rừng bị phá trong thời gian dài cũng không thể loại trừ sự bắt tay của một số cá nhân của địa phương có rừng với lâm tặc dưới nhiều hình thức khác nhau.

Lỗ hổng lớn nhất chính là sự tha hóa của cán bộ được giao trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng, hưởng lương từ tiền thuế của dân nhưng đã đánh mất niềm tin của dân.

http://daidoanket.vn/tin-tuc/goc-nhin-dai-doan-ket/rung-bi-pha-379273

/ Dương Thanh Tùng/daidoanket.vn