Không như các loại phở thông thường có phở và nước dùng cùng chung một tô, phở khô Gia Lai luôn được phục vụ với hai tô, một đựng phở, một là nước lèo.
Có thể nói nếu bạn đến phố núi Gia Lai mà chưa thưởng thức phở khô thì quả là một thiếu sót bởi món ăn này là đặc sản nổi tiếng bậc nhất làm nên ẩm thực của Gia Lai. Du khách đến đây đều được nghe giới thiệu về món ăn này và tiếng tăm của nó còn được lan truyền sang các tỉnh lân cận như Kon Tum, Đắk Lắk, gây thương nhớ cho bất kỳ ai khi đã một lần thưởng thức.
Phở khô Gia Lai sẽ được dọn 2 tô. Ảnh: I.T
Nguyên liệu để chế biến món ăn này cũng có nét giống như món phở trộn ở một số tỉnh thành, nhưng điều đặc biệt hơn là hương vị rất đậm đà, được phục vụ riêng bằng hai tô, tô đựng phở khô trộn và một tô nước lèo.
Điểm khác biệt ở đây là bánh phở có vị dẻo dai, sợi nhỏ, làm từ bột gạo nhưng do cách chế biến mà khi trụng vào nước sôi, phở không bị mềm nát và rất dai, thơm ngon. Tô phở được dọn ra với lớp bánh phở trắng, bên trên là một lớp thịt gà, thịt lợn đã băm được xào thơm cùng với hành phi và rau thơm. Quyết định đến độ ngon của bát phở trộn này chính là phần nước lèo. Nước được ninh từ xương ống, thịt bò, thịt gà, gân bò... ninh liu riu trên bếp lửa nên rất ngọt và trong.
Ở Pleiku có hai quán phở khô nổi tiếng nhất là phở khô Ngọc Sơn (quán cũ ở 15 Nguyễn Thái Học, một quán ở đầu dốc cầu Hội Phú) và phở Hồng ở đường Nguyễn Văn Trỗi. Riêng phở khô Hồng ở nổi tiếng cả ở Sài Gòn, mở được 2 cơ sở và được rất nhiều thực khách Sài thành yêu thích.
Nếu gọi phở khô gà, người ta sẽ bày thịt hoặc lòng gà xé hay xắt nhỏ lên bánh phở ở tô thứ nhất, rưới lên phía trên là thịt heo bằm nhỏ hoặc tóp mỡ. Còn nếu ăn với thịt bò tái, xương heo, bò viên thì các thành phần này nằm trong tô thứ hai. Ngập trong tô nước lèo là thịt bò tái, xương heo, hoặc bò viên, nổi lên trên là hành ngò xắt nhỏ.
Phở khô là món ăn bạn nhất định phải thử khi đến Gia Lai. Ảnh: I.T
Phở khô Gia Lai cũng có cách ăn riêng, phải đúng kiểu mới cảm nhận được hết cái ngon của món ăn. Bạn có thể gia giảm độ mặn nhạt bằng tương nâu làm từ đậu nành và đường vàng cùng xì dầu tùy vào cảm nhận của mỗi thực khách. Rau ăn kèm với phở khô cũng đơn giản chỉ có xà lách, húng quế và giá.
Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được độ ngon của tô phở khô với sợi phở được làm từ bột gạo nhưng lại có độ dai nhất định, thấm gia vị và không bị nát, quyện trong các nguyên liệu là các loại thịt được chế biến vừa miệng, đậm đà.
Công thức Pa tê đậm vị Hải Phòng chuẩn không cần chỉnh
Món ngon mỗi ngày: Pa tê gan là một trong những món ngon nổi tiếng của Hải Phòng mà bất cứ ai đã từng nếm ... |
Đến Hà Nội nhất định phải đi ăn ở những quán bún chả này
Bún chả là một trong những món đặc trưng của người Hà Nội, có mặt ở khắp các con phố. Tuy nhiên nhiều người sành ... |