Phạt sau lưng

Năm 2016, khi chủ trương phạt nguội chủ phương tiện vi phạm giao thông được áp dụng, có lẽ tôi là một trong số những người cảm thấy mừng rỡ nhất.

Bác gái cầm quạt một mình phân làn cho cả con đường
2 người chết, 14 nạn nhân bị thương trong vụ lật xe khách

Năm 2016, khi chủ trương phạt nguội chủ phương tiện vi phạm giao thông được áp dụng, có lẽ tôi là một trong số những người cảm thấy mừng rỡ nhất.

Những người làm báo, lại chuyên về giao thông, có chung một nỗi khổ, đó là bị gọi điện nhờ xin lỗi vi phạm. Xin giúp thì thấy không phải với nguyên tắc nghề nghiệp, không xin giúp thì áy náy vì không phải với những mối thân tình.

Phạt nguội vi phạm giao thông là một chủ trương đúng, không cần bàn cãi. Nó giúp cho đường phố bớt đi những cuộc tranh luận phản cảm giữa cảnh sát giao thông với người vi phạm, bớt đi sự lãng phí thời gian của cả người vi phạm lẫn cảnh sát giao thông, bớt đi những cú điện thoại cho người thân, bớt đi sự tiêu cực để “cưa đôi” tiền phạt.

Quan trọng nhất, nó khiến người lái xe tự giác chấp hành luật giao thông khi biết rằng không thể thoát lỗi nhờ màu biển số xe, hay các mối quan hệ trong danh bạ điện thoại.

Phạt nguội, nói cách khác là phương thức để xoá bỏ những đường “cong mềm mại” trong quan hệ ứng xử với luật giao thông của người lái xe, và lực lượng chấp pháp. Điều đó cũng có nghĩa phạt nguội là phương thức đảm bảo sự công bằng, minh bạch trong việc thực thi và tuân thủ luật giao thông. Vì thế, nó phải được đảm bảo khả thi một cách minh bạch.

Hai năm sau khi chủ trương phạt nguội được áp dụng, hàng ngàn chủ phương tiện vi phạm giao thông đã cảm thấy bất ngờ khi bị từ chối đăng kiểm do không biết lỗi vi phạm của mình đã được ghi nhận từ trước đó. Bởi họ không được tống đạt quyết định xử phạt kịp thời sau vi phạm. Một chủ trương nhằm mang đến sự văn minh trong việc xử phạt vi phạm luật giao thông trở thành cú “đánh nguội” đối với nhiều người.

Một chủ trương được đưa vào thực hiện hai năm, song những điều kiện cần và đủ để nó trở nên khả thi vẫn chưa kịp chuẩn bị. Nó có khó lắm không? Để tống đạt quyết định xử phạt lỗi vi phạm, thực ra chỉ cần một trang web, hay đơn giản là một ứng dụng điện thoại mà mỗi chủ xe có thể đăng nhập bằng biển số của mình để nhận được thông báo ngay lập tức mỗi khi vi phạm. Nếu thấy việc xử phạt không thoả đáng, chủ xe có thể xem lại chứng cứ để hoặc là khiếu nại, hoặc an tâm nộp phạt. Nếu chây ì, họ sẽ phải nộp cả gốc lẫn lãi khi đi đăng kiểm mà không thể phàn nàn.

Tính pháp lý của việc từ chối đăng kiểm khi chưa nộp phạt vốn rất đã gây nghi ngờ, vì luật cấm từ chối đăng kiểm “nếu không có lý do chính đáng”. Cái “chính đáng” này vốn là một tính từ chỉ trạng thái, mỗi bên có quyền hiểu một kiểu. Phía đăng kiểm có lẽ đang hiểu rằng chủ không nộp phạt thì xe không được lưu hành là chính đáng (?).

Về nguyên tắc, người bị xử phạt phải được tống đạt quyết định xử phạt, và có quyền khiếu nại trong thời gian quy định. Mọi trường hợp khiếu nại khi đã hết thời hiệu đều không được xem xét. Lực lượng cảnh sát giao thông đã tống đạt quyết định qua đường bưu điện mà không chắc chắn người vi phạm có nhận được hay không. Họ chỉ biết có quyết định xử phạt khi mang xe đi đăng kiểm, nhiều trường hợp quá thời gian tống đạt quyết định. Trong trường hợp đó, thời hiệu để tống đạt quyết định có thể đã hết rồi. Về lý, việc xử phạt không còn hiệu lực nữa. Mặc dù vậy, người dân vẫn buộc phải treo việc đăng kiểm phương tiện khi chưa chịu nộp phạt. Đó là một sự bất công.

Hai năm thực hiện chủ trương phạt nguội mà không kịp chuẩn bị các cơ sở để thực hiện chủ trương. Đó là lỗi của các cơ quan chức năng liên quan, không phải lỗi người dân. Và người dân, phải đóng phạt dù không tâm phục khẩu phục, đó là họ đang phải gánh cái lỗi của các cơ quan liên quan.

Phạt nguội là cần thiết, song một chủ trương đúng nhưng phải thực hiện trong điều kiện hạ tầng kỹ thuật chưa đủ khả năng đáp ứng thì cũng không khác gì một trường hợp đẻ non. Hoặc sẽ chết yểu, hoặc trở nên quặt quẹo như trẻ sơ sinh thiếu tháng.

Vì thế, để đảm bảo việc phạt nguội không phải là một động tác tạo ra những cảm xúc tiêu cực, tạo ra sự phản ứng dẫn đến “nhờn thuốc” khi mà thuốc còn chưa lưu hành, khi những quyết định cảm tính của cơ quan quản lý khiến chủ trương đúng đắn trông như một trò đùa, chủ trương này cần được dừng lại.

Một trang thông tin điện tử, hoặc một ứng dụng di động về thông tin xử phạt vi phạm luật giao thông không phải là việc quá khó để thực hiện. Chưa có thứ đó, phạt nguội trông giống như một động tác “sau lưng” nhân dân.

Đừng để một chủ trương đúng đắn phải trở thành què quặt chỉ vì một sự chậm chạp và quan liêu không đáng có.

https://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/phat-sau-lung-3652319.html?vn_source=box-GocNhin&vn_medium=ho&vn_campaign=vn

/ Pham Trung Tuyến/vnexpress.net