Tôi đã gặp rất nhiều trọng tài trong nghề huấn luyện viên của mình. Và không ít trong số họ là những trọng tài tuyệt vời, có kỹ năng tốt, giỏi chuyên môn và có tâm .
Ở thời kỳ bóng đá Việt Nam trước khi chuyên nghiệp, tôi chưa bao giờ phiền lòng vì hành xử của các trọng tài. Dù lúc ấy bóng đá đang mang tính nghiệp dư nhưng tôi cảm thấy họ đều yêu công việc, cầm cân nảy mực rất chính xác, nhiệt tình và có bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp. Mọi cầu thủ đều kính trọng họ. Đó là ông Hồ Thu, anh Hiền, anh Mạnh Hùng,... được các cầu thủ kính nể, ban lãnh đạo các đội bóng và huấn luyện viên rất tôn trọng, thậm chí kính phục.
Nhưng tôi cũng đã gặp những trọng tài không chuyên nghiệp. Đó là một trận đấu ở Hải Phòng, năm 2011, khi tôi cầm quân đội Hòa Phát Hà Nội.
Trên sân khi đó có khoảng hai vạn khán giả. Họ hò reo rất lớn và sức ép trên sân rất khủng khiếp. Bản thân cầu thủ cũng bị sức ép, và tôi phải động viên các cháu rất quyết tâm thi đấu. Nhưng trọng tài đã phá hỏng một trận đấu mà hai đội đều muốn giành điểm một cách fairplay.
Có những tình huống trọng tài thổi thẻ đỏ mà không xác đáng, có những lúc chúng tôi dẫn bóng không vấn đề gì nhưng trọng tài lại cho rằng chúng tôi việt vị; trường hợp đội bạn phạm lỗi thì ông cho rằng bên chúng tôi phạm lỗi. Những cầu thủ bức xúc, họ nói những câu rất bực bội mà tôi không tiện nhắc lại ở đây. Sau trận đấu, chúng tôi gặp giám sát trọng tài và nói, các anh hãy xem lại băng ghi hình và các anh phải có hình thức kỷ luật. "Nếu cứ kiểu này thì chúng tôi không chơi bóng đá nữa", một lãnh đạo đội bóng nói.
Trong cuộc họp báo sau trận đấu, tôi đã nói, rằng tôi đưa đội đến đây đá, tôi biết sức ép từ khán giả thế nào, và cho rằng trọng tài có thể vì sức ép của khán giả mà bắt một lỗi sai. Nhưng cái sai đó không phải là cố tình để làm sai. Còn nếu trọng tài xử bất công thế này, không chỉ tôi mà ngay cả lãnh đạo khác cũng "tức sôi máu mà chết". Lời lẽ khi ấy rất mạnh mẽ bởi tôi vô cùng ấm ức.
Bình luận viên Quang Huy làm một phóng sự về trận đấu. Anh chỉ ra những sai sót của trọng tài. Rồi qua một loạt những kiểm tra, người ta phát hiện vị trọng tài đó có nhiều sai sót khác nên đã bị cắt còi vĩnh viễn.
Tôi không muốn nhắc lại tên trọng tài đó nhưng rất nhiều người biết, và ông cũng không còn được tham gia điều hành ở các giải chuyên nghiệp nữa.
Nhưng tôi vẫn nhớ cảm giác buồn trên sân lúc bị trọng tài xử ép. Các cầu thủ của tôi đã cố gắng rất nhiều, các cháu rất bực bội và tội nghiệp trước ứng xử của trọng tài. Chúng tôi, huấn luyện viên và các cầu thủ, cũng cảm thấy mệt mỏi và phiền toái, mất niềm tin cũng như có cảm giác tiêu cực. Sau chuyện đó, anh Long bán đội bóng cho "bầu Kiên".
Khi chứng kiến phản ứng của ông Park Hang-seo ở trận đấu giữa Myanmar và Việt Nam, tôi cảm thấy hoàn toàn đồng cảm. Đó là một phản ứng rất tự nhiên khi gặp một trọng tài mà có những hành vi, thái độ mang tính chất "nghiệp dư". Đáng lẽ Việt Nam đã có một trận thắng ở đây. Để giữ quy tắc đạo đức nghề nghiệp, một trọng tài thậm chí có thể rút thẻ đỏ bất chấp phản ứng từ cổ động viên dữ dội đến thế nào.
Niềm tin suy yếu có thể làm hỏng tinh thần và sự quyết liệt của các cầu thủ, cổ động viên, khiến người ta bất an trước trận đấu. Niềm tin thật sự ảnh hưởng rất lớn đến vẻ đẹp và sự chân chính của thể thao. Bóng đá muốn phát triển thì việc đẩy mạnh trình độ và đạo đức trọng tài rất quan trọng.
Quay lại bóng đá nước nhà, trên sân cỏ Việt Nam vẫn còn những trận đấu mà trọng tài trình độ chưa đủ tốt, khiến người ta có thể đặt ra câu hỏi rằng có tiêu cực hay không. Vì thế mới có chuyện, khi có những giải đấu mang tính quyết định ở giai đoạn cuối của giải V-League, các trận đấu sẽ quyết định ai xuống hạng hoặc lên hạng, người ta đã phải mời trọng tài nước ngoài vào bắt.
Điều đó nói lên rằng khán giả và cầu thủ đã không tin vào một số trọng tài. Rằng chúng ta vẫn kỳ vọng những trọng tài vừa có tài năng vừa có nhân cách nghề nghiệp, chờ đợi những người cầm cân nảy mực công tâm và chính xác.
Để bóng đá tiến bộ thì trọng tài phải theo kịp với trình độ của cầu thủ. Ví dụ, với trường hợp bẫy việt vị. Nhiều cầu thủ bây giờ có kỹ năng tốt, nhanh chóng phá bẫy việt vị nhưng trọng tài vẫn không ngần ngại thổi còi cắt luôn. Để có trận đấu tốt thì điều đầu tiên trọng tài phải tôn trọng trận đấu, điều hành thật tốt, nâng chất lượng trận lên chứ nếu anh thổi còi qúa nhiều, cắt vụn trận ra thì sẽ làm cho bóng đá mất đi vẻ đẹp.
Cần làm gì để cải thiện chất lượng trọng tài? Tôi nghĩ đầu tiên khi làm trọng tài, cái tâm anh phải trong sáng. Người làm quản lý hãy tìm kiếm những người đam mê môn bóng đá và muốn làm trọng tài, có tâm huyết và đạo đức; sau đó mới đào tạo chuyên môn, cho đi tập huấn nước ngoài để nâng cao trình độ và các kỹ năng nghề nghiệp.
Nếu khán giả còn phải phản ứng về trận này, trận kia; nếu còn những trận đấu bị xử chưa chính xác, mang tính chất trái chiều, tạo ra những lộn xộn trên sân cỏ, bức xúc từ cầu thủ và tạo ra hiềm khích của những cổ động viên, những người chọn ra các trọng tài phải chịu trách nhiệm. Còn nếu không có trách nhiệm thì chính họ sẽ bị đào thải, phải rời khỏi vị trí quản lý về trọng tài. Nếu nền bóng đá chỉ đào tạo được những người không có tâm, không có đạo đức nghề nghiệp thì chính bản thân những người lãnh đạo đó phải chịu trách nhiệm, thậm chí phải từ chức và thực tế đã có trường hợp ban điều hành trọng tài phải từ chức.
Những trăn trở về bóng đá Việt Nam tôi đã nói nhiều. Và công chúng yêu bóng đã vẫn chưa cảm thấy có một sự thay đổi rõ rệt như họ mong đợi.
Nguyễn Thành Vinh
AFF CUP 2018: HLV Park Hang-seo dặn riêng Tiến Linh trong buổi tập của tuyển VN
AFF CUP 2018: HLV Park Hang-seo dành cho tiền đạo Nguyễn Tiến Linh sự quan tâm đặc biệt sau bàn thắng vào lưới Campuchia hôm ... |
Phong cách Park Hang Seo giúp tuyển Việt Nam tái hiện kỷ lục 18 năm trước?
Đội tuyển Việt Nam có cơ hội tái hiện kỷ lục ấn tượng mà thế hệ đàn anh làm được cách đây 18 năm, tại ... |
HLV Park Hang Seo chê trọng tài khi tuyển Việt Nam mất bàn thắng
Đội tuyển Việt Nam đã không thể giành trọn 3 điểm trước Myanmar, bảng A, AFF Cup 2018. HLV Park Hang Seo chê trọng tài ... |